Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Khí LNG Mỹ: cứu cánh hay rủi ro với châu Âu sau khí đốt Nga?

Kinhtedothi - EU đang đặt cược vào khí LNG của Mỹ để thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga, song các chuyên gia cảnh báo rằng điều này có thể vô tình đẩy khối rơi vào một vòng xoáy phụ thuộc mới với Washington.

Kỳ vọng lớn vào LNG Mỹ

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa, Liên minh châu Âu (EU) sắp công bố lộ trình loại bỏ dần sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga, qua đó gửi tín hiệu đến các doanh nghiệp rằng họ nên tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa. Ảnh: Europa.eu

Theo kế hoạch, EU dự kiến sẽ công bố kế hoạch giảm dần hoạt động mua dầu mỏ và khí đốt từ Moscow vào ngày 6/5, sau khi Nga cắt giảm mạnh xuất khẩu khí đốt sang châu Âu vào năm 2022, khiến giá nhiên liệu và điện tại châu Âu tăng kỷ lục.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraina bùng nổ hồi tháng 2/2022, EU đã áp đặt tới 16 gói trừng phạt đối với Moscow, đồng thời đặt mục tiêu loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Trong bối cảnh đó, EU – khu vực tiêu thụ khí đốt lớn nhất giới, đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung, giảm tỷ trọng nhập khẩu khí đốt Nga từ hơn 40% trước chiến tranh xuống còn khoảng 19% vào cuối năm 2024.

Một trong những lựa chọn thay thế nổi bật là nhập khẩu LNG từ Mỹ. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa hôm 18/4 cho biết, kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch Nga sẽ "mở ra không gian thị trường cho các nhà cung cấp năng lượng mới, đặc biệt là Mỹ".

Bên cạnh đó, chính quyền Washington mới đây cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm xây dựng các cơ sở xuất khẩu LNG, mở đường cho tăng trưởng xuất khẩu khí hóa lỏng sang châu Âu.

Các chuyên gia nhận định, về mặt địa chính trị, LNG Mỹ giúp EU giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ Nga. Chuyên gia Szymon Kardas tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) cho hay: "Tổng thống Mỹ Donald Trump rất khó đoán, nhưng ông ấy không điều hành ngành năng lượng như cách Điện Kremlin kiểm soát tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom". Trên thực tế, các công ty châu Âu khi giao dịch với Mỹ chủ yếu làm việc với doanh nghiệp tư nhân, thay vì tập đoàn nhà nước như Gazprom của Nga.

Ngoài ra, một số chính trị gia EU đánh giá việc tăng cường nhập khẩu LNG Mỹ là bước đi tích cực. Nghị sĩ Roberts Zile cho rằng điều này giúp đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài hơn 3 năm.

Tiềm ẩn rủi ro

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết và châu Âu đang nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, EU đang đặt nhiều kỳ vọng vào LNG từ Mỹ như một giải pháp thay thế. Tuy nhiên, tham vọng này đi kèm với không ít thách thức - từ yếu tố địa chính trị đến sự phụ thuộc mới và ảnh hưởng đến mục tiêu chuyển đổi xanh của EU.

Theo thông báo của Cao ủy Thương mại EU Maros Sefcovic, các quốc gia thành viên đang chuẩn bị tăng mua LNG từ Mỹ trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump muốn châu Âu giảm thặng dư thương mại với Washington.

Ngày 8/4, Tổng thống Trump đã áp đặt mức thuế quan 20% đối với EU, đồng thời yêu cầu khối này chi thêm 350 tỷ USD cho năng lượng của Mỹ để bù đắp cho "thâm hụt thương mại dai dẳng"

Trong năm 2024, LNG Mỹ chiếm khoảng 17% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU, giúp nước này trở thành nhà cung cấp lớn thứ ba tại khu vực, sau Na Uy và Nga. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là an ninh năng lượng châu Âu được đảm bảo khi chủ yếu dựa vào nguồn cung từ Mỹ. Các chuyên gia lo ngại rằng Mỹ có thể không phải là đối tác đáng tin cậy lâu dài đối với EU.

Trong năm 2024, LNG Mỹ chiếm khoảng 17% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Ảnh: Theparliamentmagazine

Giáo sư kinh tế Gayle Allard tại đại học IE University ở Madrid (Tây Ban Nha) cảnh báo: "Chính sách thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump rất khó đoán định. Ông Trump muốn châu Âu mua thêm LNG từ Mỹ, nhưng điều này cũng chưa thể giúp các nước EU yên tâm về nguồn cung năng lượng trong dài hạn".

Đồng quan điểm trên, nghị sĩ châu Âu Kai Tegethoff nhấn mạnh: "Chúng ta không thể lặp lại sai lầm khi phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất và càng không thể để bị ép mua năng lượng chỉ để giảm thặng dư thương mại với Mỹ".

Hướng đi nào cho châu Âu?

Trong bối cảnh EU lên kế hoạch cắt đứt hoàn toàn vào nguồn cung khí đốt Nga vào năm 2027, câu hỏi đặt ra là liệu châu Âu có thể tự mình đứng vững khi đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, hay sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các cường quốc năng lượng khác? Theo các chuyên gia, câu trả lời rõ ràng là “năng lượng tái tạo” sẽ là tương lai bền vững cho EU.

Chuyên gia Richard Folland, Giám đốc chính sách của tổ chức nghiên cứu Carbon Tracker, cảnh báo rằng “phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp năng lượng hóa thạch nào, dù là Nga hay Mỹ, đều không phải là chiến lược dài hạn khôn ngoan.” Để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế bền vững, EU cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thuế quan và năng lượng với Mỹ tiếp tục diễn ra, EU phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc duy trì an ninh năng lượng và tránh rơi vào một vòng xoáy phụ thuộc mới, điều này có thể làm gia tăng rủi ro về chính trị và kinh tế trong tương lai./.

EU đứng giữa lựa chọn khó: khí đốt Nga hay LNG Mỹ?

EU đứng giữa lựa chọn khó: khí đốt Nga hay LNG Mỹ?

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ