Bao giờ Hà Nội hết “khát” nước sạch?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đường ống dẫn nước sạch từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội sau nhiều lần bục vỡ đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cấp nước cho một vùng đô thị rộng lớn của Thủ đô.

Đã đến lúc chính quyền TP phải bắt tay vào thực hiện một phương án giải cứu cấp bách và hữu hiệu.

Điệp khúc vỡ ống        
Dự kiến, tuyến ống khẩn cấp sẽ có độ dài khoảng 30km, sử dụng ống chất liệu gang dẻo, kích thước D800, có khả năng truyền dẫn từ 90.000 - 100.000m3/ngày, đêm, được thi công trong vòng 3 tháng.

Năm 2005, đường ống dẫn nước sạch từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội giai đoạn I do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư có độ dài 45,8km, hoàn thành và được đưa vào sử dụng với công suất 300.000m3/ngày, đêm. Nằm trong chuỗi hệ thống cấp nước có nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung cho toàn bộ khu vực phía Tây, Tây Nam Hà Nội, với tổng chi phí lên đến 1.500 tỷ đồng, nhưng đường ống này liên tiếp gặp nhiều sự cố lớn trong quá trình sử dụng. Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, trong quá trình thi công tuyến ống dẫn nước sạch Sông Đà về Hà Nội phát sinh nhiều sai phạm nghiêm trọng, từ việc sử dụng ống dẫn chất liệu sợi thủy tinh tổng hợp không đúng chủng loại thiết kế, không xử lý triệt để nền đất yếu đến bỏ qua việc xây dựng hồ hạ áp. Bởi vậy, từ một dự án được kỳ vọng lớn lao, đường ống nước sạch sông Đà lại trở thành nỗi ám ảnh của chính quyền và cư dân Thủ đô.
Người dân lấy nước sạch từ xe tec trên phố Hoàng Ngọc Phách.	Ảnh: Song Hà
Người dân lấy nước sạch từ xe tec trên phố Hoàng Ngọc Phách. Ảnh: Song Hà
Ngày 4/2/2012, đường ống này gặp sự cố lần đầu tiên, làm cho hơn 70.000 hộ dân tại các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai… khổ sở, điêu đứng. Nhận thấy đường ống không đủ sức chịu đựng lưu lượng nước 300.000m3/ngày, đêm, đơn vị vận hành là Công ty CP Nước sạch Vinanconex (Viwasupco) đã khẩn cấp kiến nghị lên lãnh đạo TP xin giảm công suất truyền dẫn xuống còn 240.000m3/ngày, đêm. Nhưng không dừng ở đó, dù đã giảm áp lực, tuyến ống vẫn liên tiếp bục - vỡ - rò rỉ đến 13 lần, lần sau lớn hơn, phức tạp và khó khắc phục hơn lần trước. Gần đây nhất, ngày 13/8, sự cố xảy ra tại Km28+600 - Đại lộ Thăng Long với 3 điểm bục vỡ trong một khu vực khiến đơn vị kỹ thuật phải mất 2 ngày mới khắc phục xong. Sau khi khắc phục, tuyến ống đã không còn có thể chịu nổi áp lực bơm như trước nữa, Viwasupco buộc phải giảm tiếp áp lực bơm, hạ lưu lượng nước qua ống xuống 200.000 - 220.000m3/ngày, đêm. Theo biên độ của điệp khúc “vỡ ống”, thời gian mất nước của cư dân cũng kéo dài hơn, nỗi bức xúc vì thiếu nước sinh hoạt cũng ngày một lớn hơn.     

Giảm áp rồi lại giảm áp

Chưa lần nào ảnh hưởng của sự cố bục vỡ đường ống nước sông Đà lại nghiêm trọng và kéo dài như lần thứ 13. Sau 2 ngày mất hoàn toàn nguồn cung, lượng nước trong lòng mạng lưới ống dẫn cũng cạn kiệt, Viwasupco không dám mạo hiểm tăng áp lực bơm cấp trong những ngày đầu tiên sau khi khắc phục, thậm chí đến hiện tại, lưu lượng truyền dẫn qua tuyến ống “mong manh” này cũng không đạt mức 80% công suất như trước. Hàng loạt khu vực dân cư thiếu nước nghiêm trọng trong nhiều ngày, các đơn vị cấp nước đã phải dùng cả xe téc chở nước đến phục vụ cho dân, thậm chí lãnh đạo TP đã tính đến cả phương án đem xe chữa cháy chở nước sạch đi phân phối. Ông Đỗ Quang Hạnh, Tổ 49, phường Thổ Quan, quận Đống Đa bức xúc: “Cả 1 tuần, mỗi đêm tôi phải dậy đúng 10 lần để xem có nước thì bơm”. Người dân dùng đủ mọi cách từ mua nước, đào giếng đến đi… ở nhờ để cầm cự qua những ngày nắng nóng gay gắt mà không có lấy một giọt nước.
Công nhân Công ty Nước sạch Vinaconex đang khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sạch sông Đà lần thứ 13. 	Ảnh: Ngọc Hải
Công nhân Công ty Nước sạch Vinaconex đang khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sạch sông Đà lần thứ 13. Ảnh: Ngọc Hải
Để đảm bảo an toàn tuyến ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội thì phải giảm áp lực, giảm lưu lượng truyền dẫn, không có cách nào khác. Với quan điểm thà giảm áp để bơm được bao nhiêu tốt bấy nhiêu còn hơn để sự cố tiếp tục xảy ra, gây mất nước hoàn toàn cả khu vực 70.000 hộ dân, cơ quan chức năng một lần nữa lại phải ngậm ngùi chấp nhận cho Viwasupco hạ sản lượng cung cấp xuống thêm 5 - 10% nữa. Các đơn vị cấp nước ngay lập tức phải xoay trần ra để cân đối, phân bổ nguồn cung nước sạch giữa các khu vực dân cư theo phương thức: cắt nước luân phiên tại các khu vực khác nhau. Ông Lại Văn Thịnh - Tổng Giám đốc Công ty cấp nước Hà Đông cho biết: “Sản lượng của công ty sụt giảm từ 30 - 35% do thiếu nguồn nước sạch sông Đà”. Nhiều khu vực trên địa bàn của Công ty Nước sạch Hà Nội, Công ty CP Đầu tư xây dựng & Kinh doanh nước sạch (Viwaco) như Thịnh Liệt, Hà Trì, Mỹ Đình… do ở cuối nguồn nên phải hàng tuần lễ sau sự cố mới được cấp nước trở lại. TP yêu cầu các đơn vị phải tự phân bổ, nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống nội bộ để bù đắp lượng nước thiếu hụt do cắt giảm trên tuyến ông dẫn sông Đà, nhưng tất cả đều chỉ là biện pháp ứng phó nhất thời. Theo cam kết của Vinaconex, phải đến 30/5/2016 đường ống dẫn nước sạch giai đoạn II mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nếu không có các giải pháp căn cơ, chủ động hơn, Thủ đô sẽ còn nhiều phen phải lao đao, lận đận với nỗi ám ảnh từ điệp khúc “vỡ ống sông Đà”.           

Không chần chừ thêm nữa       

Theo nhiều chuyên gia, việc gia cố nền đất hay lắp đặt hệ thống hộp kim loại bao bọc đường ống nước sông Đà là vô phương thực hiện. Bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra sự cố tại một hoặc nhiều điểm trên tuyến ống, lượng nước cấp cho 70.000 hộ dân từ tuyến ống này lại là duy nhất, bởi vậy, Hà Nội sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy cơ mất nước, thiếu nước hiện hữu rất rõ ràng. Bởi vậy, chính quyền TP đã phải đi đến một quyết định chiến lược, đưa ra giải pháp cuối cùng nhằm chấm dứt tình trạng nơm nớp nỗi lo vỡ ống, mất nước.         

Ngày 21/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã tổ chức một cuộc họp với sự tham dự của 4 Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Văn Sửu, Trần Xuân Việt, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Ngọc Tuấn và lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan, đại diện các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn TP. Để đảm bảo ổn định tình hình cung cấp nước sạch cho Nhân dân, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo các ban ngành trực thuộc, các đơn vị cung cấp nước sạch đẩy nhanh tiến độ đấu nối mạng cấp nước mạch vòng để điều tiết, chia sẻ nguồn nước giữa các khu vực khi xảy ra sự cố. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị cấp nước tăng cường khả năng vận hành, bơm cấp trong nội bộ khu vực, không để xảy ra mất nước kéo dài. Và, quan trọng nhất là TP đã nhất trí triển khai dự án xây dựng tuyến ống khẩn cấp song song với đường ống dẫn nước sạch sông Đà nhằm chia sẻ áp lực và dự phòng cấp nước trong mọi trường hợp xấu nhất. UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, lập phương án lắp đặt khẩn cấp tuyến đường ống truyền dẫn từ Hòa Lạc về đường Vành đai 3 theo cơ chế đặc thù với quy mô phù hợp, bảo đảm chất lượng và ổn định, an toàn việc truyền dẫn nước sạch về trung tâm TP, phục vụ đời sống, sinh hoạt của Nhân dân, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định trước ngày 30/8. Cùng với đó, TP Hà Nội đã phê duyệt tổng mặt bằng Nhà máy nước mặt sông Hồng, tỷ lệ 1/500. heo đó, Nhà máy nước mặt sông Hồng được xây dựng tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, giai đoạn I có công suất 300.000m3/ngày đêm.

Việc xây dựng tuyến ống khẩn cấp đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền TP, 70.000 hộ dân khu vực phía Tây, Tây Nam Hà Nội đã có thể phần nào yên tâm và hy vọng sớm chấm dứt tình cảnh lận đận vì thiếu nước sinh hoạt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần