Bao giờ triển khai dự án trường THCS Pháp Vân?

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/6/2001, UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định số 34/QĐ-UB phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Pháp Vân, huyện Thanh Trì - Tỷ lệ 1/2000 với quy mô dân số 10.000 người.

Dự án được khởi công xây dựng tháng 10/2002, đến nay, chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã triển khai dự án này đến đâu?

Phối cảnh quy hoạch Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) diện tích 50ha do HUD làm chủ đầu tư. Ảnh: HUD  
Phối cảnh quy hoạch Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) diện tích 50ha do HUD làm chủ đầu tư. Ảnh: HUD  

Đã là khu đô thị mới hiện đại đồng bộ nếu…

Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (50ha) nằm ở cửa ngõ phía Nam thủ đô Hà Nội, được kỳ vọng là một khu đô thị mới hiện đại đồng bộ về kiến trúc và hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật xứng đáng với tầm vóc của Thủ đô ở cửa ngõ phía Nam TP. Kết hợp giữa cải tạo khu hiện có với xây dựng phát triển mới, tạo điều kiện sống, môi trường ở để thu hút dân cư, phục vụ giãn dân, giảm mật độ dân số trong khu vực nội thành”.

Trong đó dành tỷ lệ 8,9% diện tích đất (3,6ha) để xây trường tiểu học, trung học cơ sở và 2ha (5,2%) đất nhà trẻ mẫu giáo. Sau đó, tại quyết định số 7461/QĐ-UB ngày 1/11/2002 UBND TP Hà Nội còn dành “65.139m2 tại các ô đất ký hiệu 14, 24, 43, 34, 39, 46 để xây dựng trường học” cho thấy chính quyền TP thời điểm đó đã rất coi trọng việc xây trường trong khu đô thị này.

Hơn 20 năm qua, diện tích đất ở 31,9ha đã được chủ đầu tư HUD xây nhà và bán hết cho người dân nhưng hàng loạt khu đất xây dựng trường học, công trình văn hóa, bãi đổ xe… đang còn nằm trên giấy. Trong đó nổi lên tình trạng thiếu trường công cho con em Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp nói riêng và cả phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) nói chung.

Các sở, ban, ngành, UBND quận Hoàng Mai sau rất nhiều lần làm việc trao đổi, thậm chí Sở TN&MT Hà Nội đã tiến hành thanh tra “việc chấp hành pháp luật đất đai đối với HUD và 14 đơn vị thứ cấp cấp trong việc chậm thực hiện dự án xây dựng Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp” nhưng đến nay, sau 3 năm những vướng mắc đó vẫn chưa được giải quyết.

Hành trình 5 năm xây trường

Ngẫu nhiên chúng tôi chọn đi sâu điều tra, tìm hiểu lô TH-III.11.5 (gần KTX sinh viên) Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp được dành cho giáo dục đang để hoang hóa bấy lâu nay. Được biết 4 năm nay, Công ty TNHH Đầu tư và Giáo dục Lá Phong Đỏ (sau đây gọi là Công ty Lá Phong Đỏ) đã có văn bản đề nghị được triển khai dự án Trường THCS Pháp Vân nhưng vẫn “bó tay” vì vướng đủ thứ thủ tục đất đai, đầu tư.

Đây là lô đất Công ty Lá Phong Đỏ mua lại của HUD qua sàn bất động sản từ đầu năm 2012, được bàn giao mặt bằng, mốc giới ngoài thực địa với diện tích hơn 13.000m2 vào cuối năm 2015 và thực hiện các nghĩa vụ tài chính với tư cách chủ lô đất này với Chi cục Thuế Hoàng Mai từ thời điểm đó đến nay. Thoạt nghĩ “đất sạch”, lại mua qua sàn bất động sản thì sau khi nhận mặt bằng Công ty này chỉ cần bỏ tiền ra là xây được trường, nhưng thực tế mọi việc lại không đơn giản như thế.

Hiện trạng lô đất sẽ được dành xây dựng nhà trẻ và trường học. Ảnh: Minh Thành
Hiện trạng lô đất sẽ được dành xây dựng nhà trẻ và trường học. Ảnh: Minh Thành

Ngày 16/7/2018, Công ty Lá Phong Đỏ đã chính thức gửi Sở KH&ĐT Hà Nội đề nghị cho thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trường THCS Pháp Vân quy mô 2.045 học sinh bao gồm 45 lớp với tổng đầu tư khoảng 95 tỷ đồng được cho là một tin vui lớn cho người dân Pháp Vân. Với thiết kế sân vườn 7.875m2, diện tích xây dựng 5250m2, tầng cao trung bình 5 tầng thì Trường THCS Pháp Vân sẽ là cơ sở giáo dục tư thục hiện đại.

Sở KH&ĐT cũng đã có công văn gửi các Sở: Công Thương, GTVT, GD&ĐT, QH-KT, TN&MT, Xây dựng và UBND quận Hoàng Mai, Cục Thuế TP Hà Nội để cho ý kiến thẩm định các nội dung dự án theo chức năng quản lý, nhiệm vụ được phân công.

Sở GD&ĐT, UBND quận Hoàng Mai sau đó đã có văn bản cơ bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Các sở liên quan của TP Hà Nội đánh giá cơ bản đã tiệm cận với các yêu cầu để triển khai dự án. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện các thủ tục về đất đai, đầu tư và xây dựng. Tất nhiên, hàng năm Công ty Lá Phong Đỏ vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế sử dụng đất.

Về hướng giải quyết các vướng mắc, rõ ràng đây là vấn đề khó, chủ yếu là do những thay đổi của Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư 2014, Luật Đầu tư 2020 trong đó không thể không nhắc đến vai trò của chủ đầu tư cấp 1 của dự án Khu đô thị Pháp Vân.

Sau khi thu được tiền, chủ đầu tư HUD đã quên đi trách nhiệm: Phối hợp, hỗ trợ bên B khi bên B liên hệ với các cơ quan chức năng của TP Hà Nội triển khai các thủ tục; Kết luận các buổi giám sát của HĐND TP, của sở, ban ngành, UBND quận Hoàng Mai không được chủ đầu tư HUD tuân thủ. Chính sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư đã khiến những ưu việt của Khu đô thị Pháp Vân như quy hoạch ban đầu trở nên méo mó, khiến người dân thiếu nơi sinh hoạt công cộng, trường học.

Hướng giải quyết khả thi

Ngày 24/10/2019, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Chủ tịch, các Phó Chủ UBND TP Hà Nội thống nhất thành lập Tổ công tác do Chủ tịch UBND TP Hà Nội phụ trách, có các đại diện Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính tham gia để giải quyết các vướng mắc.

Theo Biên bản cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thống nhất: “Đối với các dự án đầu tư thứ cấp trong khu đô thị mới mà chủ đầu tư cấp 1 đã chuyển nhượng, chuyển giao hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư thứ cấp theo Nghị định số 02/2006/NĐ-CP ngày 5/1/2006 của Chính phủ ban hành về quy chế khu đô thị mới trước ngày 1/3/2013 (thời điểm Nghị định hết hiệu lực) nhưng chưa thực hiện các thủ tục về sử dụng đất theo quy định thì xử lý: Nếu các bên đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhau và hoàn thành việc nộp thuế với ngân sách theo quy định khi chuyển nhượng, chuyển giao thì UBND TP Hà Nội ra văn bản công nhận chủ đầu tư thứ cấp và giao Sở TN&MT thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư thứ cấp để thực hiện các bước tiếp theo.

Trường hợp các bên chưa thực hiện việc nộp thuế theo quy định thì thực hiện việc truy thu thuế, sau khi hoàn thành việc truy thu thuế, UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục giải quyết theo quy định trên. Nhà đầu tư thứ cấp có trách nhiệm thực hiện nội dung dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Đây là một quyết định liên bộ được đánh giá là tháo gỡ những tồn tại vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư thứ cấp trên địa bàn TP Hà Nội của người đứng đầu Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, UBND TP Hà Nội được dư luận đánh giá cao. Ngày 23/9/2011, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 4456/QĐ-UB thu hồi 2.173m2 ô đất HH.III.12.2 của HUD để giao cho Công ty CP Tasco xây dựng tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, kết hợp nhà ở cao tầng (16 tầng). Năm 2016, Sở TN&MT Hà Nội đã ký hợp đồng thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Tasco với phương thức thuê đất: Trả tiền 1 lần suốt thời gian thuê đất 50 năm.

Điều này cho thấy về cơ sở pháp lý lẫn thực tế, nếu các sở liên quan và Công ty Lá Phong Đỏ ngồi lại với nhau thì câu chuyện “thiếu trường, thiếu lớp” tại Hoàng Liệt kéo dài 5 năm sẽ được tháo gỡ.

 

Về vấn đề này, Văn phòng Thành ủy Hà Nội đã có văn bản số 1828/CV-VPTU ngày 31/10/2022 nêu rõ: “Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến có ý kiến chỉ đạo như sau: Giao cho Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP, Sở TN&MT, các sở ngành liên quan xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; báo cáo Thường trực Thành ủy xem xét theo Quy chế làm việc của Thành ủy. Giao Văn phòng Thành ủy và Ban Nội chính Thành ủy đôn đốc, theo dõi”.