Chiều 18/3, trên Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (đoạn tại khu vực Trạm thu phí Vạn Điểm – Đỗ Xá) xảy ra một vụ va chạm giao thông giữa ô tô khách và ô tô tải khiến một số người bị thương và mắc kẹt trong xe. Đến 16h30 cùng ngày, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội nhận được tin báo từ Trung tâm cứu thương 115 về vụ tai nạn trên nên đã điều động Phòng Cảnh sát PCCC số 12 xuất một xe cứu nạn, cứu hộ và 7 chiến sĩ PCCC đến hiện trường thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ.
Tuy nhiên, do vị trí vụ tai nạn xảy ra đang bị ùn tắc nghiêm trọng rất khó để tiếp cận hiện trường. Trong tình thế cấp bách, chiếc xe cứu hỏa quyết định thực hiện quyền ưu tiên, đi ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để tiếp cận hiện trường một cách nhanh nhất. Thế nhưng, khi vừa chuyển làn lên đường cao tốc để đi ngược chiều thì xe cứu hỏa đã va chạm với xe khách 29B-078.43 tại địa điểm gần Trạm thu phí Thường Tín (xã Văn Bình, huyện Thường Tín). Vụ tai nạn khiến 5 hành khách và 6 cảnh sát PCCC bị thương. Trong đó, Trung sĩ Chử Văn Khánh (SN 1993, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC số 12) đã hy sinh khi đang được điều trị tại Bệnh viện 198 do vết thương quá nặng.
Cả hai xe đều không sai
Ngay sau vụ tai nạn, một cuộc tranh luận về câu chuyện “ai đúng, ai sai” đã diễn ra. Tuy nhiên, nếu xét kĩ trong trường hợp này, cả hai phương tiện đều không hoàn toàn có lỗi. Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, đối với xe cứu hộ của Cảnh sát PCCC, theo quy định tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rõ về Quyền ưu tiên của một số loại xe thì xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ nằm ở vị trí đầu tiên trong danh sách những phương tiện được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào.
Ngoài ra, luật cũng quy định, khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.Và, khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên. Như vậy, việc xe cứu hộ của Cảnh sát PCCC đi ngược chiều trên cao tốc do đang trên đường đi làm nhiệm vụ là hoàn toàn đúng quy định.
Đối với ô tô khách, vào thời điểm xảy ra tai nạn, phương tiện đang di chuyển với vận tốc 87km/h, khoảng cách với phương tiện đi phía trước không dưới 70m. Như vậy phương tiện này không vi phạm quy định về tốc độ cũng như khoảng cách khi lưu thông trên cao tốc. Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, với diễn biến vụ việc cho thấy chiếc ô tô khách gây tai nạn trong trường hợp “sự kiện bất ngờ” được quy định tại Điều 20, Bộ luật Hình sự. Bởi phân tích tình huống lúc tai nạn xảy ra cho thấy, chiếc xe khách lưu thông với vận tốc 87km/h tức là vào khoảng 24 m/s. Do đó, khi xe cứu hỏa nhập làn đi ngược chiều, khoảng cách từ ngã 3 nhập làn vào cao tốc là rất ngắn. Với vận tốc 87km/h như vậy, chiếc xe khách không thể tránh được.
Theo Luật sư Nguyễn An Thơm, trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều có quy định cho xe ưu tiên làm nhiệm vụ được đi ngược chiều trên cao tốc. Tuy nhiên, với điều kiện cụ thể ở nước ta, đặc biệt là điều kiện hạ tầng giao thông đường cao tốc vẫn còn hạn chế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung trường hợp xe ưu tiên được đi ngược chiều vào cao tốc khi đã đủ điều kiện phải đảm bảo an toàn như có sự phân luồng giao thông, đặt biển cảnh báo, có xe cảnh báo dẫn đường.
Luật sư Thơm phân tích, trong trường hợp này, xe cứu hỏa khi đi làm nhiệm vụ trên đường cao tốc, đi ngược chiều là không sai nhưng khi Cơ quan PCCC nhận được tin báo và điều động xe cứu hỏa đi vào cao tốc cần thiết phải thông báo cho CSGT quản lý đường cao tốc hoặc Cơ quan quản lý đường cao tốc để có phương án chủ động phân luồng giao thông, cảnh báo các phương tiện đang lưu thông trên cao tốc với tốc độ cao nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện và người tham gia giao thông.
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, đối với việc thông báo cho lực lượng CSGT cũng như đơn vị chức năng khi CS PCCC đi làm nhiệm vụ sẽ tùy vào từng trường hợp mà Cảnh sát PCCC Hà Nội sẽ quyết định thông báo như thế nào, với ai thì sẽ có phương án phù hợp. Còn với trường hợp xe cứu hộ của Phòng CS PCCC số 12 vừa qua, Thiếu tướng Định cho rằng, hình thức thông báo là bằng phương tiện và các trang thiết bị trên xe: Còi hú, loa, đèn.
Luật sư Thơm cho rằng, khi xe cứu hỏa đi ngược chiều vào cao tốc ngoài việc có đèn tín hiệu cảnh báo thì phải quan sát và đi vào phần đường quy định ở làn khẩn cấp. Đây là làn đường đóng vai trò là nơi dừng, đỗ xe khẩn cấp khi xe bị hỏng hoặc là làn đường dành riêng cho các xe công an, cấp cứu, cứu hỏa di chuyển trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, khi thực hiện việc chạy ngược chiều trên đường xe ưu tiên phải thực hiện nghiêm quy định về giao thông, tuân thủ hướng dẫn của cảnh sát giao thông và phải liên hệ với đơn vị quản lý tuyến đường để phối hợp và đảm bảo an toàn giao thông cho mọi người.
Từ camera ghi lại diễn biến vụ tai nạn, Luật sư Thơm đánh giá, xe cứu hỏa khi di chuyển vào đường cao tốc chưa chú ý quan sát, chuyển làn chưa đúng. Đáng lẽ, xe cứu hỏa phải di chuyển chậm và di chuyển ngược chiều theo làn đường khẩn cấp ở trên cao tốc nhưng đằng này lại đánh lái di chuyển sang bên hướng tay phải đường ngược chiều. Còn đối với xe khách, dù đi đúng tốc độ và giữ đúng khoảng cách nhưng từ camera ghi lại có thể thấy rõ, nơi xảy ra tai nạn là khu vực đường giao nhau, thời điểm đó có mưa, sương mù, mặt đường trơn trượt. Tuy nhiên, lái xe khách đã không giảm tốc độ đến mức có thể dừng lại một cách an toàn.
Bao giờ xe ưu tiên mới thực sự được ưu tiên?
Những tranh cãi về câu chuyện “ai đúng ai sai” trong vụ tai nạn giao thông trên có lẽ chỉ có hồi kết khi kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng về nguyên nhân vụ tai nạn được công bố. Tuy nhiên, từ vụ tai nạn này đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập trong hạ tầng giao thông cũng như quy định về an toàn giao thông ở nước ta vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp. Chính những bất cập, chưa phù hợp đó đã khiến xe ưu tiên chưa thực sự được đảm bảo ưu tiên và luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Đặc biệt là khi đối chiếu với các nước phát triển trên thế giới, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm để xe ưu tiên có thể thực sự được ưu tiên và đảm bảo an toàn tuyệt đối khi thi hành nhiệm vụ.
Trước hết về cơ sở hạ tầng, đại diện Ban Quản lý cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, , toàn tuyến cao tốc có chiều dài 32,3 km, gồm 6 làn xe chạy, trong đó có 2 làn đường khẩn cấp dành cho các phương tiện gặp sự cố khi lưu thông trên đường như xe hỏng, nổ lốp, va chạm giao thông. Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển, với hệ thống đường giao thông và cao tốc thuận tiện, đường thường chia làm 4 tới 6 làn xe. Làn khẩn cấp, ưu tiên và cứu hộ sẽ nằm ở bên tay phải.. Đơn cử như tại Trung Quốc, đường ưu tiên nằm bên phải bên cạnh 4-6 làn thông thường. Bất kì phương tiện nào dừng đỗ trên làn đường ưu tiên ở Trung Quốc đều có thể bị xử phạt. Còn tại Mỹ, làn đường dành cho xe ưu tiên còn gọi là làn “kim cương” và chỉ có những người có giấy ưu tiên hoặc đi xe từ 2 người trở lên mới được đi vào làn này.
Đối với các xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ tại các nước phát triển trên thế giới cũng có sự khác biệt so với nước ta. Tại Nhật Bản, đường cao tốc cũng có từ 4 - 6 làn và tốc độ tối thiểu là trên 50km/giờ. Trong trường hợp sự cố xảy ra và các xe ưu tiên cần vào đường cao tốc, các phương tiện sẽ dạt hết sang bên trái hoặc dành một lối đi ở giữa. Quy định này cũng có ở hầu hết các nước như Đức, Nga, Ý...
Tại các nước này, khi xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ thì tất cả các phương tiện khác đều phải tự động đi chậm lại rồi dạt sang hai bên để nhường một lối đi ở giữa cho xe ưu tiên. Đặc biệt là tại Mỹ, khi xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ trên đường, họ sẽ được thực hiện quyền ưu tiên mà không có bất cứ phương tiện nào được phép cản trở.