Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo hiểm xã hội Hà Nội: Đồng hành cùng Thủ đô phát triển

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những trụ cột an sinh xã hội, ngành bảo hiểm Hà Nội luôn đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô “mới”, góp phần ổn định đời sống các hộ gia đình chính sách, cán bộ hưu trí.

 Làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Mở rộng đối tượng tham gia
Vốn là “đầu tàu” về phát triển kinh tế xã hội, nên số lượng các đơn vị sử dụng lao động, DN trên địa bàn Thủ đô luôn biến động. Từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, dân số tăng, số các DN và người lao động (NLĐ) cũng tăng gấp 3 lần, đặt ra không ít thách thức cho ngành trong việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa nhớ lại, thời điểm hợp nhất, tỷ lệ người dân tham gia BHYT chỉ khoảng 39%, số NLĐ tham gia BHXH chỉ đạt hơn 900.000. Ngành bảo hiểm xác định công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT là một trong những nhiệm vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu tăng trưởng quỹ BHXH và chi trả các chế độ BHXH, BHYT cho NLĐ - yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của ngành.

Để mở rộng đối tượng tham gia, cán bộ bảo hiểm phải về địa phương tuyên truyền cho người dân. Những huyện như Sơn Tây, Ba Vì, nhiều xã cách trung tâm huyện cả chục cây số, cán bộ bảo hiểm phải “ăn trực, nằm chờ”, phối hợp với các đoàn thể địa phương để phổ biến kiến thức BHYT, BHXH đến người dân. Nhờ vậy đến nay, TP đã có hơn 6 triệu người tham gia BHYT (86,1% dân số Thủ đô). 100% trường từ tiểu học đến đại học tham gia BHYT với trên 1,5 triệu học sinh, sinh viên. Số người tham gia BHYT tự nguyện ngày một đông, đến nay đã có 1.072.521 người, tăng 942.987 người so năm 2008, đặc biệt tăng nhanh từ năm 2016. Tỷ lệ người lao động tham gia BHXH tăng lên rõ rệt khi số tiền thu BHXH năm 2017 tăng gấp 7,7 lần so với năm 2008.

Tuy nhiên, do địa bàn rộng, số DN lớn, nên tình trạng nợ BHXH, BHYT khó đòi, kéo dài của nhiều DN rất phức tạp, tổng tiền nợ của Hà Nội vẫn cao hơn mức trung bình của cả nước. Đây là bài toán khó cho ngành bảo hiểm.

Nhìn về phía trước

Nhìn lại những khó khăn đã vượt qua sau 10 năm, ông Hòa cho biết, BHXH Hà Nội đã rút ra những bài học kinh nghiệm. Một trong số đó là bài học về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch hồ sơ điện tử, giao dịch hồ sơ qua dịch vụ Bưu chính, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.
Từ năm 2011, BHXH Hà Nội đã triển khai hệ thống tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính theo quy trình một cửa, một cửa liên thông, đến năm 2015 tiếp tục triển khai giao dịch hồ sơ điện tử, tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ Bưu chính viễn thông. Đến nay đã hoàn thiện 13 quy trình thủ tục giao dịch hồ sơ điện tử liên quan đến lĩnh vực thu và cấp sổ thẻ với 58.592 đơn vị sử dụng lao động thực hiện (chiếm 92,3%), 90% hồ sơ được trả kết quả thông qua hệ thống bưu chính.

“Nhờ quy trình một cửa liên thông, việc chuẩn bị hồ sơ, chứng từ của đơn vị, NLĐ đầy đủ và dễ dàng hơn, loại bỏ được những việc gây khó cho đơn vị và NLĐ, người tham gia BHYT cũng hiểu rõ hơn quy định, quy trình khám chữa bệnh BHYT. Việc giải quyết xử lý hồ sơ tại từng bộ phận, giữa các phòng nghiệp vụ và giữa phòng nghiệp vụ với BHXH các quận, huyện, thị xã được phân định rõ ràng đảm bảo giải quyết đúng thủ tục, trình tự và thời gian quy định” – ông Hòa cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Hòa, bài học lớn nhất mà toàn ngành bảo hiểm Hà Nội luôn khắc ghi là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trên địa bàn trong việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Có vậy, các cán bộ trong ngành mới có thể kịp thời nắm bắt những vấn đề vướng mắc, từ đó phối hợp với các ngành liên quan tìm giải pháp, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, DN tham gia BHXH, BHYT, làm cơ sở cho việc thực hiện tốt chế độ BHXH, BHYT cho NLĐ.