Bảo hiểm xã hội tự nguyện, đa dạng, linh hoạt để thu hút đối tượng

Trần Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, người dân Thủ đô tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được tăng mức hỗ trợ đóng, cao gấp 2 lần so với quy định chung. Tuy nhiên, dư địa để phát triển BHXH tự nguyện ở Hà Nội vẫn còn khá lớn.

Anh Nguyễn Tuấn Anh làm nghề marketing tự do ở Đống Đa nhớ lại, dịch Covid-19 bùng phát trong 2 năm 2020-2021 khiến anh phải cắt giảm chi tiêu, rút tiền tiết kiệm để duy trì cuộc sống. "Đến năm 2022 thì sụp hẳn vì tiền tiết kiệm tiêu mãi cũng hết. Mọi người mà có đóng BHXH thì được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, như mình thì không có đồng nào" - Lúc đấy anh Tuấn Anh mới thấy cần phải tham gia BH để có sự tích lũy cho tương lai. Sau khi tìm hiểu về BHXH tự nguyện, anh Nguyễn Tuấn Anh đã chủ động liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội gần nơi mình ở để đăng ký tham gia.

Với mức tham gia chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, người tham BHXH tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ BHYTmiễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già.
Với mức tham gia chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, người tham BHXH tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ BHYTmiễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già.

BHXH trong đó có BHXH tự nguyện chính là quyền và lợi ích của người lao động. Người dân không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có thể tham gia BHXH tự nguyện. 

Ông Nguyễn Nhật Đình ở quận Hoàng Mai, Hà Nội năm nay đã hơn 70 tuổi. Ông Đình là chuyên gia tư vấn môi trường cho các tổ chức trong và ngoài nước có đóng BHXH. Sau một thời gian, ông chuyển ra làm tự do, văn phòng làm việc là ở nhà, ông Đình vẫn không rút sổ BHXH. Ở tuổi nghỉ hưu, ông Đình có cuộc sống thảnh thơi bên vợ và con cháu. Số tiền đóng BHXH đã trở thành của để dành ý nghĩa.

Chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. BHXH tự nguyện hướng đến nhóm lao động làm những công việc tự do, không có hợp đồng lao động tiếp tục được các cơ quan chức năng TP Hà Nội triển khai sâu rộng, đồng thời bổ sung chính sách hỗ trợ cho người tham gia. 

Tham gia chính sách này, người dân có lương hưu từ thời điểm đến tuổi nghỉ hưu theo quy định cho đến khi qua đời, thời gian hưởng có thể kéo dài gấp 1,5 đến 2 lần thời gian đóng. Cùng với đó, người dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để khám, chữa bệnh trong suốt quá trình hưởng lương hưu với mức chi trả lên tới 90% chi phí khám, chữa bệnh BH y tế, cao hơn mức hưởng của những người đang làm việc.

Luôn quan tâm chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh cho người dân, Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH, BH y tế. Ngoài chính sách hỗ trợ mức đóng theo quy định chung, ngày 6/7/2022, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND về quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền. Theo đó, trong thời gian từ ngày 1/8/2022 đến hết ngày 31/12/2025, người dân thuộc hộ nghèo ở Hà Nội tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ 60% mức đóng, hộ cận nghèo được hỗ trợ 50% mức đóng, người lao động bình thường được hỗ trợ 20% mức đóng (quy định chung có mức hỗ trợ lần lượt là 30%, 25% và 10%).

Thống kê của BHXH TP Hà Nội cho thấy, tính đến ngày 31/10/2022, toàn TP có 68.350 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 5.000 người so với thời điểm cuối năm 2021, đạt 62,76% kế hoạch năm. Nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch để có thể hỗ trợ thêm mức đóng BHXH tự nguyện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Mặc dù vậy, số người tham gia chính sách này tăng chậm, kết quả đạt được còn xa so với mục tiêu.

Trong khi đó, dư địa để phát triển NHXH tự nguyện ở Hà Nội khá lớn, vì thành phố còn gần 3 triệu người, chủ yếu là lao động tự do, chưa tham gia BHXH…

BHXH TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng, trực tiếp là lực lượng cán bộ, nhân viên ngành BHXH, nhân viên các tổ chức dịch vụ thu cần đưa chính sách vào đời sống bằng nhiều hình thức linh hoạt, khả thi, chú trọng tuyên truyền theo hình thức 1-1 (một cán bộ và một người dân), giúp mỗi người hiểu rõ hơn về chính sách để chủ động tham gia. Bên cạnh đó, Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường lao động phát triển, mở rộng số người, đối tượng tham gia BHXH. Chẳng hạn, tại Hà Nội, Sở LĐTB&XH tham mưu UBND TP tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy thị trường lao động. Còn BHXH TP đã và đang phối hợp với các địa phương nhân rộng những mô hình điểm về phát triển BHXH…