Tăng niềm tin cho du khách
Hiện nay tại Việt Nam, ngành du lịch đang phát triển rất mạnh cả du lịch trong nước và du lịch nước ngoài. Để đáp ứng nhu cầu của con người, các công ty du lịch được thành lập và hoạt động ngày càng nhiều. Từ đó sức cạnh tranh trên thị trường dịch vụ du lịch ngày càng cao.
Tuy nhiên, để có được sự tin tưởng và được khách hàng lựa chọn sử dụng dịch vụ, thì các công ty du lịch không chỉ cung cấp các dịch vụ tốt, giá thành phù hợp, địa điểm đẹp… mà cần phải có được thương hiệu cho mình. Do đó, việc đăng ký thương hiệu, đăng ký bản quyền logo công ty kinh doanh dịch vụ du lịch là một trong những yêu cầu hàng đầu mà các công ty này phải quan tâm, bởi du lịch là một trong những ngành có sự cạnh tranh lớn cũng như sự ảnh hưởng từ thương hiệu tới doanh số rất rõ nét. Đặc biệt là hiện nay khi mà các công ty du lịch đều chú trọng đến chiến lược tiếp thị trực tuyến, thì vấn đề nhãn hiệu hay thương hiệu cần phải được đặc biệt lưu ý.
RecSports Việt Nam là một DN hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch thể thao và giáo dục thể chất. Các sản phẩm dịch vụ công ty cung cấp mang tính sáng tạo cao. Tuy nhiên, vừa rồi một số đơn vị đã nhái tên thương hiệu và coppy dịch vụ, khiến công ty bị ảnh hưởng không nhỏ, doanh thu bị sụt giảm và tổn hại uy tín hình ảnh công ty xây dựng lâu năm.
Co-Fuonder RecSports Việt Nam Lê Văn Thăng chia sẻ: “Đối với một ngành nghề kinh doanh dịch vụ đặc thù như du lịch thì thương hiệu có một giá trị rất lớn đối với hoạt động kinh doanh. Vì vậy, sau khi phát hiện ra hành vi sai trái của các đơn vị khác, chúng tôi đã đi đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm của mình”.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng chia sẻ, trong hoạt động kinh doanh lữ hành, tình trạng nhái hoặc làm giả thương hiệu khá phổ biến. Tuy nhiên chưa nhiều DN du lịch hay các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch quan tâm đến bảo vệ sở hữu trí tuệ chung của địa phương, đơn vị mình.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, việc tra cứu nhãn hiệu là không bắt buộc nhưng hết sức cần thiết đặc biệt đối với các DN, cá nhân có mối quan hệ thương mại quốc tế hoặc có sự cạnh tranh cao trên thị trường. Việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm du lịch giúp tạo dựng niềm tin về chất lượng dịch vụ của sản phẩm du lịch đó trong lòng khách hàng. Mặt khác, việc đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giúp DN, nhà sản xuất mở rộng quy mô sản phẩm, dịch vụ, sức cạnh tranh cao góp phần quảng bá du lịch địa phương, quốc gia.
Bên cạnh đó, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm du lịch sẽ là một công cụ đắc lực, trong việc tăng độ nhận diện và ghi nhớ của khách du lịch với một điểm đến du lịch hoặc một sản phẩm du lịch.
Theo ông Trần Trung Hiếu, hiện nay khái niệm sở hữu trí tuệ trong chiến lược phát triển của ngành du lịch Thủ đô còn nhiều mới lạ, nhưng nó đang dần trở thành yếu tố quan trọng để góp phần đua du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Một sản phẩm du lịch hay một điểm đến du lịch muốn phát triển không chỉ cần thị trường biết đến, mà quan trọng hơn là cần giữ chân du khách bằng sự tín nhiệm. Sự tín nhiệm đó chỉ có thể được duy trì nhờ vào hệ thống tiêu chí chất lượng và kiểm soát chất lượng của mỗi loại tài sản trí tuệ.
Cần chính sách ưu tiên
Để phát huy hiệu quả giá trị của tài sản trí tuệ trong phát triển ngành du lịch, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) Nguyễn Văn Bảy cho rằng, Hà Nội cần phải lựa chọn ưu tiên phát triển tài sản trí tuệ có tính liên kết với cộng đồng địa phương và khả năng tham gia vào chuỗi du lịch; nên xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Thủ đô, du lịch Hà Nội có bộ nhận diện qua tên gọi, logo, hình ảnh đặc trưng. Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý nếu được sử dụng một cách chiến lược sẽ là công cụ sở hữu trí tuệ hữu hiệu để thực hiện việc tiếp thị tập thể, quảng bá sản phẩm và dịch vụ của địa phương.
Bên cạnh đó, cần xây dựng, quản lý và khai thác tốt các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Coi trọng uy tín chất lượng của sản phẩm, dịch vụ nhằm bảo đảm phát triển bền vững, bảo tồn được các sản phẩm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ. Và cũng cần có chính sách quản lý, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ trong nước mà còn sớm bảo hộ ở nước ngoài.
Đứng ở góc độ DN lữ hành, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, các DN du lịch, đơn vị hay cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch cần hiểu rõ và coi sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý hàng hóa là tài sản. Cần xây dựng các tài liệu hướng dẫn, ấn phẩm, dữ liệu về sở hữu trí tuệ trong du lịch Thủ đô, là cơ sở để DN du lịch và nhà cung cấp dịch vụ du lịch hiểu đúng về vai trò về sở hữu trí tuệ, và thực hành nó trong hoạt động du lịch.
Về cơ chế chính sách liên quan đến sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực du lịch cần cụ thể và chi tiết hóa thể chế, chính sách tác động đến khai thác sở hữu trí tuệ để phát triển du lịch.
Cụ thể các chính sách thừa nhận giá trị sở hữu trí tuệ trong du lịch, chuyển nhượng quyền sử dụng sở hữu trí tuệ, giải quyết các tranh chấp. Xây dựng hệ thống tiêu chí, xác định giá trị thương hiệu du lịch, nhãn hiệu du lịch giúp khách hàng nhận diện uy tín của DN và tạo động lực cho DN khai thác sở hữu trí tuệ mở rộng kinh doanh. Xây dựng các quy định, quy chế về công bố, công khai sở hữu trí tuệ trong du lịch.