Đây là sự kiện nằm trong chương trình kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022). Hiện có hơn 20 gia đình là con em, thân nhân gia đình chính sách, thương bệnh binh đang làm việc tại báo.
Phát biểu nhấn mạnh tại sự kiện, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh đến ý nghĩa của hoạt động tri ân, cũng như chia sẻ, cảm nhận trong các chuyến “đền ơn, đáp nghĩa” ở mọi vùng miền của cả nước.
Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức khẳng định: Công tác đền ơn đáp nghĩa hàng chục năm qua đã được báo tổ chức thường xuyên, nhiều hoạt động đã được tổ chức trải dài trên cả nước, cũng như Thủ đô Hà Nội với sự đóng góp của cơ quan và các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm…,. Trong đó, việc tri ân với con em gia đình chính sách đang công tác tại báo luôn được coi trọng.
Xúc động và chia sẻ, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trần Minh Nguyệt cho biết, với nhiệm vụ được phân công, đồng hành cùng các chương trình xã hội từ thiện báo thực hiện thường niên đã lan tỏa ra xã hội bằng những việc làm thiết thực, đầy nhân văn.
Nhiều doanh nghiệp đồng hành đánh giá cao chương trình an sinh của báo. Đại diện SUNHOUSE cho biết, nhiều năm qua doanh nghiệp đã đồng hành và sẽ tiếp tục góp sức để tri ân các gia đình chính sách.
Trong khi đó, phóng viên Lê Thị Mận nghẹn lời khi gia đình có nhiều thế hệ đóng góp để có được độc lập tự do của Tổ quốc. Ở đó, với sự cộng hiến của bác, của chú, của bố… người hi sinh khi vừa lấy vợ, người hi sinh khi mới tuổi đôi mươi, còn bố bị thương khi trái gió trở trời quặn đau về thể xác, lẫn ký ức đau thương của chiến tranh khi mất đi những người thân, nhưng vẫn luôn lạc quan để cống hiến, nuôi dạy con cháu trưởng thành.
Cũng giống như các đồng nghiệp khi vượt qua nỗi đau do chiến tranh mang lại, Phó Trưởng ban báo Điện tử Tạ Thu Giang lại mang một nỗi tâm sự và xúc động với sự động viên tri ân của báo. Đây là động lực để các thế hệ ngày nay noi gương, cống hiến theo nhiệm vụ được giao phó, tận tâm làm việc có trách nhiệm, góp sức nhỏ bé cho cơ quan nói riêng, là công dân gương mẫu của xã hội nói chung.
Từng là người lính sinh ra trong thời chiến, dù lúc đó còn nhỏ, xong với Phó Tổng Biên tập Lê Hoàng Anh ấn tượng với những chia sẻ của con em các gia đình chính sách. Ông cho biết, từ nhỏ nhớ phần nào ký ức của thời khói lửa, cũng như những câu chuyện của lớp cha ông kể lại. Khi lớn may mắn đi công tác đã đến nhiều địa điểm ghi dấu và càng thấu hiểu về sự hi sinh, mất mát của các gia đình cho sự độc lập tự do của dân tộc.
Những câu chuyện của mẹ Nam Bộ, nữ dân quân, thanh niên xung phong… cứ ùa về. Ấn tượng với ông là có nữ Tiểu đoàn trưởng du kích dầm mình dưới bùn 3 ngày đêm, có gì ăn lấy chỉ để “kéo xác đồng đội” về trước họng súng quân thù, đến khi thời bình được hưởng chế độ xây nhà chỉ nhận với điều kiện… sử dụng sẵn sàng nhường cho đồng đội cấp dưới không người thân (do không được hưởng chế độ du kích) khá thiệt thòi…
“Tôi mong rằng, còn nhiều chương trình, mạnh thường quân, các doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội tham gia. Sự đóng góp đó sẽ phần nào để cuộc sống quanh ta phần nào tươi đẹp” – ông Lê Hoàng Anh nói.
Thoáng chút trầm ngâm, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Anh Đức chia sẻ, chiến tranh đã lùi qua, nhưng nỗi niềm đến giờ vẫn còn nhiều đau đáu trên mọi miền Tổ quốc. Mỗi người dân sống trong thời bình cần biết trân trọng với những cống hiến của thế hệ đi trước. Thế hệ chúng tôi, chưa nói lớp trẻ hơn chắc khó cảm nhận hết về chiến tranh. Đơn cử, trong sự cống hiến đó, thế hệ thanh niên xung phong khi hòa bình lập lại, lúc đầu chưa được công nhận, sau này mới có chế độ nhưng cũng chưa thật tương xứng. Mong là việc tri ân cũng có những chính sách tương ứng với sự mất mát, hi sinh cho lực lượng thanh niên xung phong, du kích… cống hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước.
“Đi nhiều, nhưng cảm nhận trong tôi khi vào Quảng Trị năm 2012 trong chuyến tri ân của báo Kinh tế & Đô thị mới thực sự thấm đậm. Qua nghĩa trang liệt sĩ, hay dọc đường chứng kiến từng gia đình đều có những hoạt động tri ân với sự cống hiến của thế hệ đi trước, thậm chí có những người nằm xuống hiện vẫn còn là liệt sĩ vô danh” – ông Nguyễn Anh Đức xúc động.
Bộn bề với công việc, vừa trải qu những chuyến đi trực tiếp tri ân các gia đình chính sách tại Quảng Trị, Hà Tĩnh, Ba Vì… lắng nghe những câu chuyện, chia sẻ, Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức khẳng định: Không có gì bù đắp được nỗi mất mát, hi sinh của các gia đình để có được độc lập, tự do của Tổ quốc. Thế hệ ngày nay nhìn về tương lai, xong trân trọng quá khứ để có thể cống hiến xây dựng tập thể cơ quan đoàn kết, phát triển, phần nào đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô, đất nước Việt Nam xứng tầm.
Trong đợt này, báo đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, cùng sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẻ chia với các tỉnh, thành trong công tác đền ơn, đáp nghĩa. Trong đó, các doanh nghiệp như: Thời trang M2, Tập đoàn SUNHOUSE… là những doanh nghiệp nhiều năm đồng hành với các chương trình an sinh xã hội của báo.
Mong rằng, sự kiện được lan tỏa và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc người có công, gia đình chính sách, sẻ chia với các hoàn cảnh khó khăn… để cùng hướng về phía trước vì một xã hội phát triển. Đặc biệt, mỗi cán bộ công nhân viên hãy noi gương, nỗ lực hơn trong cuộc sống và công việc, trở thành người có ích cho xã hội.
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2022), Báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức chương trình “Nghĩa tình tháng Bảy – năm 2022” thường niên với nhiều hoạt động tri ân các thương bệnh binh, gia đình chính sách, mẹ Việt Nam Anh hùng tại Quảng Trị, Hà Tĩnh, Ba Vì (Hà Nội)… với sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân… trị giá hàng trăm triệu đồng.