Với mong muốn chia sẻ, tiếp sức, đồng hành cùng các em phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, học tập và phát triển toàn diện, đại diện Báo Kinh tế & Đô thị tại Hải Phòng đã trao tặng các phần quà cho 52 bạn nhỏ.
Ông Đỗ Quý Hưng - Phó Giám đốc Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng cho biết, làng trẻ được thành lập năm 1992 với nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng trẻ em, bao gồm: Trẻ mồ côi không nơi nương tựa; trẻ bị bỏ rơi, khuyết tật; trẻ lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn TP Hải Phòng. Làng trẻ hoạt động dựa vào nguồn ngân sách của thành phố và các hoạt động quyên góp, ủng hộ của nhà hảo tâm.
“Hiện nay, chúng tôi đang chăm sóc, nuôi dạy 52 trẻ, trong đó có 23 trẻ khuyết tật mồ côi, còn lại là trẻ bị bỏ rơi và các hoàn cảnh đặc biệt khác. Vì vậy, việc giáo dục, chăm sóc các cháu cũng có những khác biệt. Các bạn được nuôi dạy theo gia đình, mỗi gia đình có 1 mẹ nuôi chăm sóc từ 6 đến 8 cháu, thời gian 24/24 giờ nhằm giúp các em có một mái ấm gia đình thực sự.
Việc tuyển các mẹ nuôi vào trường là vô cùng khó khăn vì yêu cầu của việc tuyển chọn bắt buộc phải là phụ nữ chưa có gia đình riêng, chưa lấy chồng, chưa sinh con... Theo đó, các mẹ mới toàn tâm toàn ý lo cho các con trong làng như một người mẹ đẻ. Nếu không có tình thương thực sự với các con thì chắc chắn các mẹ khó có thể làm được như thế" - ông Đỗ Quý Hưng cho biết thêm.
Một cô nuôi tại đây cho biết: "Mỗi cháu ở đây đều có hoàn cảnh riêng nhưng hơi ấm của gia đình, tình thương của mẹ và tình cảm anh chị em là những điều cháu nào cũng muốn. Trong gia đình của tôi, có cháu bị mẹ bỏ rơi khi vừa sinh ra lại bị não úng thủy, có cháu bị mù lòa, nhiều cháu chỉ nằm một chỗ không đi lại được. Với các bạn bình thường, các con có thể tự làm một số công việc đơn giản, nhưng với các cháu khuyết tật, tôi phải lo hết từ tắm rửa, ăn uống đến vệ sinh".
Được biết, các trẻ tại đây được nuôi đến hết năm 18 tuổi, nếu thi đỗ đại học, cao đẳng sẽ tiếp tục được nhập học. Còn những cháu không thi đỗ, làng trẻ sẽ tìm kiếm công ăn việc làm cho các cháu, rồi mới bàn giao cháu về với địa phương... Thực tế đến nay, làng đã nuôi dạy được nhiều con em trưởng thành, học hành đỗ đạt.
Em Phạm Quốc Lập chia sẻ: "Con luôn coi nơi đây là nhà của mình, một mái nhà chung có nhiều người mẹ yêu thương, dạy bảo và con có thêm nhiều anh chị em. Con không biết làm thế nào để thể hiện tình yêu của mình với mọi người trong gia đình ngoài việc cố gắng học tốt mỗi ngày. Hiện tại con đang học lớp 12, sắp tới con sẽ đăng ký thi vào trường Đại học Hàng hải (Hải Phòng) với mong muốn sau này sẽ làm một thuyền viên giỏi".
Theo các mẹ, Lập là một cậu bé vui vẻ, có tính tự lập và luôn nỗ lực hết mình trong cuộc sống. Nhờ vậy, nhiều năm liền Lập luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Một đứa trẻ có thể ăn học nên người là công sức của cha mẹ, thầy cô và sự chung tay của toàn xã hội. Báo Kinh tế & Đô thị mong những món quà nhỏ sẽ tiếp thêm hy vọng cho các em, để các em có thêm bữa ăn no, thêm chiếc áo ấm và có thể tự do vẽ lên ước mơ, dám theo đuổi ước mơ của mình.