Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị tuyên truyền công tác phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ báo cáo viên TP và khối văn hóa – xã hội thuộc các quận, huyện, thị xã do Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức ngày 18/6.
Phụ nữ ngày càng có quyền quyết định việc kết hôn và có con
Trong những thập niên qua, gia đình Việt Nam đã trải qua những biến chuyển quan trọng, từ gia đình truyền thống sang gia đình với những đặc điểm mới, hiện đại và tự do hơn.
Các kiểu loại gia đình mới như hôn nhân đồng giới, chung sống không kết hôn, làm mẹ đơn thân… thường rất hiếm hoặc không có trong truyền thống nhưng lại có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại.
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi - Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, với thay đổi lớn trong kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, những hình thức hôn nhân gia đình mới ủng hộ tính cá nhân có xu hướng tăng.
Nghiên cứu cho thấy 38,5% người trả lời chấp nhận sống độc thân - mức độ này được chấp nhận cao hơn ở nữ giới và nhóm xã hội mang nhiều đặc điểm hiện đại; 28,4% có nhu cầu, mong muốn sống thử trước khi kết hôn; 58,3% không ủng hộ sống thử. Tỷ lệ này cho thấy nhóm người theo khuôn mẫu truyền thống trong kết hôn tuy vẫn chiếm tỷ lệ cao nhưng không mang tính gần như tuyệt đối như trước đây.
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, người phụ nữ không lấy chồng mà có con thường phải chịu sự lên án gay gắt của xã hội, cộng đồng và gia đình. Hiện nay, hôn nhân vẫn là quyết định hệ trọng trong cuộc đời của người phụ nữ. Tuy vậy, theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, cùng với sự tiếp nhận văn hóa phương Tây và quyền cá nhân ngày càng được pháp luật bảo vệ, người phụ nữ ngày càng có quyền quyết định việc kết hôn và có con. Quyền làm mẹ không chỉ thể hiện biến đổi trong nhận thức mà còn là biểu hiện của sự nhân văn trong bảo vệ quyền của phụ nữ.
Mặt khác, hôn nhân đồng giới là vấn đề gây ra tranh cãi gay gắt giữa những người ủng hộ và không ủng hộ. Hôn nhân đồng tính mới được chấp nhận dè dặt, chỉ có 27,4% người đồng ý, phần lớn ở nhóm mang nhiều đặc điểm hiện đại.
“Theo kết quả nghiên cứu trong chương trình nghiên cứu tổng thể về gia đình của Chính phủ do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện, khảo sát 2.000 người, 27,4% đồng ý hôn nhân đồng tính. Nhưng đó là đồng ý ở mặt xã hội, nếu hỏi trực tiếp hơn nữa, gia đình anh/chị có thành viên muốn kết hôn đồng tính, có đồng ý không, tỷ lệ thấp hơn nữa. Điều này cho thấy, xã hội Việt Nam mặc dù đang cởi mở nhưng vẫn bảo lưu những giá trị văn hoá truyền thống” - PGS.TS Trần Thị Minh Thi chia sẻ.
Đặc biệt, trong xu thế bùng nổ thiết bị thông minh, các cá nhân dễ dàng chìm đắm trong thế giới ảo và giảm giao tiếp trực tiếp trong gia đình, xã hội, khiến lối sống, cảm xúc, ứng xử, hệ giá trị của con người, sự duy trì các quan hệ xã hội có thể bị đảo lộn.
Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, một mặt mang lại tiềm năng lớn giải phóng sức lao động của con người, mặt khác, tạo nên một thế giới tình yêu, hôn nhân ảo, như hẹn hò trực tuyến, thậm chí là rô-bốt tình dục... dẫn đến nguy cơ tạo ra một thế hệ trẻ không cần tình yêu, không cần gia đình, không cần con cái. Từ đó đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và bền vững của các quan hệ gia đình trong thế giới thực.
Nam giới và nữ giới đều là nạn nhân bị bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối mà phụ nữ phải đối mặt trên quy mô toàn cầu. Kết quả điều tra quốc gia năm 2019 trên 5.976 phụ nữ Việt Nam từ 15 - 64 tuổi cho thấy, cứ ba phụ nữ thì gần hai phụ nữ (62,9%) từng có chồng/bạn tình bạo lực thể xác, tình dục, tâm lý.
Mặt khác, theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, bạo lực gia đình hiện nay đang chú trọng nhiều đến đối tượng phụ nữ, người vợ nhưng nam giới cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, trong 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình năm 2023, có 2.628 nữ và 565 nam. Chính phủ đánh giá, so với năm 2022 số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, tuy nhiên, tỷ lệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới có dấu hiệu tăng hơn so với năm trước.
Theo Sở VH&TT Hà Nội, bạo lực là hành vi xấu gây tổn thương đến người khác bằng hành động hoặc lời nói. Bạo lực gia đình là ngược đãi, đánh đập, gây áp lực khiến những thành viên khác trong gia đình bị tổn thương về mặt tâm lý và sức khỏe. Không chỉ thế, bạo lực gia đình còn được hiểu là sự xúc phạm, ép buộc và cưỡng chế những thành viên khác trong gia đình. Bạo lực gia đình khiến hạnh phúc tan vỡ, tổn thương về mặt tâm lý, tình cảm khiến cho những đứa trẻ trong gia đình có bạo lực có thể bị ảnh hưởng.
Ngày 14/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình gồm 6 chương, 56 điều. Trong đó quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.
Tại hội nghị, PGS.TS Trần Thị Minh Thi đã chia sẻ thông tin, kiến thức, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, gồm 4 nội dung: ý nghĩa của gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; đặc điểm và thách thức của gia đình hiện nay; bạo lực gia đình và một số văn bản pháp luật mới; kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc.