Hào hoa vẫn ở đây...
Kinhtedothi - Hà Nội nghìn năm văn hiến không chỉ ôm ấp trong lòng đô thị những giá trị lịch sử, kiến trúc, mà còn lưu giữ cả lối sống và tâm thức đô thị đặc trưng. Đi qua bao thăng trầm lịch sử, đặc biệt là các lần thay đổi địa giới hành chính trong thời kỳ hiện đại, bản sắc Hà Nội không ngừng “hội tụ, kết tinh và lan tỏa”, để hình thành những đan xen giữa truyền thống và hiện đại, giữa phố cổ và đô thị mới, giữa làng quê và thành thị. Nhưng hào hoa Hà Nội thì vẫn ở đây, trên từng con phố và sâu trong tâm thức đô thị…
Theo dòng ký ức
Phải nói rằng, mỗi lần điều chỉnh địa giới không chỉ đơn thuần là đổi thay về quản lý hành chính, mà còn là một lần Hà Nội mở rộng không gian, dung nạp thêm những yếu tố mới vào “cái hồn” rất riêng của mình.
Lật giở lại lịch sử đất nghìn năm thì thấy, từ năm 1010, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Đại La và đổi tên thành Thăng Long, vùng đất này đã nhanh chóng trở thành trung tâm văn hóa, chính trị lớn nhất của đất nước. Trải qua các triều đại, tên gọi và phạm vi địa lý của kinh đô thay đổi nhiều lần, từ Thăng Long, Đông Kinh, đến Hà Nội dưới triều Nguyễn và sau này là chính thể Việt Nam hiện đại.
Đến thời kỳ Pháp thuộc, địa giới Hà Nội được quy hoạch lại với khu phố Tây hiện đại, hệ thống giao thông kiểu Pháp, đối lập với phố cổ truyền thống của người Việt. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Thủ đô Hà Nội kinh qua nhiều lần mở rộng địa giới hành chính, mỗi lần mở rộng lại chở theo những thử thách và cơ hội mới để tái định hình bản sắc đô thị.
Những thăng trầm của đất nghìn năm như máu thịt nuôi lớn đời đô thị, nên với người Hà thành thế hệ tóc pha khói sương, bao đổi thay ở đất này là bấy nhiêu nhớ thương tích tụ trong ký ức. Ông nội tôi như mạch nguồn tuôn chảy khi bất chợt chạm vào vùng mênh mang nhớ ấy: “Còn nhớ lần đầu mở rộng năm 1954, ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hà Nội được giải phóng. Lúc này, địa giới hành chính Hà Nội chủ yếu gồm khu vực nội thành hiện tại với 8 quận và huyện ngoại thành Từ Liêm. Dân số chưa đến nửa triệu người với không gian chủ yếu là khu phố cổ và phố cũ mang dấu ấn Pháp.

Hà Nội không ngừng phát triển thành phố ngày càng văn minh - hiện đại. Ảnh: Phạm Hùng
Lần thứ hai năm 1961, Hà Nội sáp nhập một phần tỉnh Hà Đông (gồm một số xã ven nội đô như Thanh Xuân, Nghĩa Đô…) để đáp ứng nhu cầu phát triển dân cư, cơ sở hạ tầng trong thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Cuộc sáp nhập này tạo ra sự giao thoa rõ nét giữa không gian làng quê ven đô và đô thị hóa, hình thành nên những “làng trong phố” - một đặc trưng của Hà Nội hiện đại”.
Và thế hệ tôi cũng nhớ lần mở rộng năm 1978, toàn bộ tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) nhập vào Hà Nội, biến TP thành một đô thị lớn với diện tích hơn 3.000km². Tuy nhiên, đến năm 1991, tỉnh Hà Tây được tái lập, địa giới Hà Nội thu hẹp lại như cũ. Rồi đến cuộc mở rộng năm 2008 mà người Hà thành vẫn “ghi lòng tạc dạ” như bước ngoặt lịch sử. Toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và một phần huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) nhập vào Hà Nội. Diện tích Thủ đô tăng gần gấp ba, từ 92km² lên hơn 3.300km², dân số từ hơn 3 triệu tăng lên hơn 6 triệu người. Bước ngoặt lớn này làm thay đổi sâu sắc cấu trúc dân cư, văn hóa và không gian phát triển của Thủ đô.
Giờ thì người Hà thành đang đón nhận cuộc sắp xếp đơn vị hành chính mới với dấu mốc 1/7/2025, Hà Nội từ 526 xã, phường thuộc 30 quận, huyện, thị xã sáp nhập lại thành 126 xã, phường mới trực thuộc TP. Ai cũng nhìn thấy, cuộc sắp xếp này giúp giảm chồng chéo trong quản lý đô thị, tạo điều kiện để quy hoạch đồng bộ hạ tầng, dịch vụ và đô thị thông minh. Ai cũng nhìn thấy, việc hợp nhất nhiều phường, xã có bối cảnh văn hóa khác nhau tạo nên những phường “đa chiều”: vừa có các phố cổ, làng nghề truyền thống, vừa có khu đô thị hiện đại…
Sống cùng tháng năm
Mỗi lần mở rộng địa giới, sắp xếp đơn vị hành chính đều ảnh hưởng nhất định tới bản sắc văn hóa Hà Nội. Đó là sự đan xen của các lớp văn hóa từ truyền thống đến hiện đại, từ nông thôn đến thành thị, từ người gốc Hà Nội đến người nhập cư từ các vùng miền.
Thì đấy! Hà Nội xưa nổi tiếng với 36 phố phường, nơi tập trung các ngành nghề thủ công truyền thống và kiến trúc cổ kính. Sau mấy lần mở rộng, Hà Nội tiếp nhận thêm những làng xã ven đô và gần đây là các khu đô thị mới như Mỹ Đình, Trung Hòa - Nhân Chính, Ecopark, Vinhomes Smart City… Những tòa cao ốc hiện đại mọc lên, thay đổi diện mạo Thủ đô nhưng cũng đặt ra thách thức lớn trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử cốt lõi.
Thì đấy! Sau lần mở rộng năm 2008, hàng trăm làng cổ, di tích lịch sử, lễ hội dân gian của vùng Hà Tây (cũ) được tích hợp vào Hà Nội, làm phong phú thêm đời sống văn hóa Thủ đô. Những làng nghề như lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động… không chỉ là di sản vật thể mà còn là những biểu hiện sống động của bản sắc Hà Nội mở rộng. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo tồn và tích hợp các giá trị văn hóa này vào không gian đô thị hiện đại vẫn còn nhiều điều phải bàn.
Thì đấy! Cùng với sự mở rộng địa giới là sự gia tăng dân số cơ học. Cư dân Hà Nội ngày nay hội tụ từ nhiều vùng miền, mang theo tập quán, lối sống khác nhau. Điều này làm tăng tính đa dạng, nhưng cũng khiến bản sắc “Hà Nội gốc” trở nên mờ nhạt. Tuy nhiên, cũng chính trong sự đa dạng ấy, bản sắc Hà Nội đang dần tái định hình: không còn thuần túy là giọng nói nhẹ nhàng, là sự thanh lịch cổ truyền, mà là một đô thị năng động, vừa giữ gìn cốt lõi, vừa thích ứng với thời đại.
Giữ bản sắc trong đô thị
Hà Nội hôm nay là một TP đang tăng trưởng nhanh với áp lực lớn từ dân số, giao thông, ô nhiễm, phát triển đô thị. Bối cảnh đó khiến việc giữ gìn bản sắc văn hóa Thủ đô càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Giới chuyên gia tha thiết, việc quy hoạch các khu đô thị mới, công trình công cộng cần dựa trên bản đồ văn hóa - lịch sử, tránh phá vỡ cảnh quan, không gian văn hóa truyền thống. Những mô hình như bảo tồn làng cổ Đường Lâm, khu phố cổ Hà Nội hay phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống là hướng đi khả thi để gìn giữ bản sắc trong quá trình phát triển.
Và trong không gian đó, cộng đồng cư dân nhập cư mới cần được hòa nhập và thấu hiểu giá trị văn hóa Hà Nội thông qua truyền thông, giáo dục, hoạt động văn hóa cộng đồng. Việc khơi gợi lòng tự hào và ý thức trách nhiệm với văn hóa địa phương là cách để bảo vệ di sản không chỉ bằng luật pháp, mà bằng chính trái tim người dân.
Bản sắc Hà Nội không chỉ nằm ở lịch sử nghìn năm hay các giá trị văn hóa độc đáo, mà còn là khả năng nâng tầm chính mình, đáp ứng kỳ vọng xã hội hiện đại. Hà Nội với chiều sâu lịch sử và văn hóa của mình luôn là biểu tượng của sự dung hòa giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại. Những lần thay đổi địa giới hành chính không làm mất đi bản sắc Hà Nội, mà là cơ hội để TP mở rộng không gian phát triển và tái định nghĩa chính mình trong bối cảnh mới. Vấn đề là trong dòng chảy không ngừng ấy, Hà Nội cần có một chiến lược văn hóa dài hơi - vừa bảo tồn, vừa sáng tạo - để bản sắc Hà Nội không chỉ là thứ để hồi tưởng, mà còn là nền tảng vững chắc cho tương lai.

Hà Nội lần đầu đăng cai tổ chức Festival làng nghề quốc tế năm 2025
Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội và Bộ Nông nghiệp và Môi trường thống nhất ký kết Kế hoạch liên tịch phối hợp tổ chức Festival làng nghề quốc tế năm 2025 vào tháng 11/2025. Các sự kiện bên lề Festival dự kiến bắt đầu diễn ra từ tháng 9/2025.

Hà Nội: duyệt dự án đường vào khu di tích chùa Hương
Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội mới có Quyết định số 3537/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư đường Tỉnh lộ 425 từ Quốc lộ 21B đi vào khu thắng cảnh di tích chùa Hương.

Phát triển công nghiệp văn hóa tại Hà Nội: thu hút nguồn lực tư nhân
Kinhtedothi - Tại hội thảo “Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô” do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức ngày 1/7, các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế thu hút nguồn lực tư nhân, nhất là các nhà sáng tạo trẻ trong lĩnh vực này.