Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bạo lực học đường: Lỗi tại người lớn

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhắc đến những biểu hiện xuống cấp về đạo đức - nỗi buồn lo đang hiện hữu, người làm văn hóa, giáo dục nói không ít đến tình trạng bạo lực học đường.

Có người thẳng thắn cho rằng, bạo lực học đường còn thể hiện sự khủng hoảng về cách định hướng, giáo dục của người lớn đối với con trẻ.

Đời sống tâm lý không khỏe mạnh

Chỉ khi những clip về bạo lực học đường (BLHĐ) bị tung lên mạng thì gia đình, nhà trường, nói chính xác là người lớn mới tường tận chuyện gì đã xảy ra. Và đến thời điểm này, chính người lớn cũng đoán định, có thể xảy ra nhiều hơn các vụ việc như thế nhưng chưa được phát hiện. Song nỗi lo lắng tăng theo cấp số nhân vì điểm qua các vụ BLHĐ thời gian gần đây, ai cũng thấy tính chất ngày càng nghiêm trọng bởi những hành động dã man như dùng chân đạp lên người, bắt liếm chân... Thế nên sau những vụ BLHĐ đó, trẻ thường gặp sang chấn về tâm lý, trầm cảm, tự ti. Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, các sang chấn nhiều khi rất kinh khủng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và thể xác, thậm chí dẫn đến cái chết. Trường hợp em Bùi Quang Huy – lớp 8A, trường THCS Âu Lạc (Yên Bái) là một ví dụ.
 Hình ảnh một nữ sinh tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An bị đánh hội đồng.    (ảnh cắt từ clip)

Còn dưới góc nhìn của PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái - Khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, những hành vi BLHĐ hay hiện tượng “nói là làm” những việc tiêu cực như đốt nhà, nhảy sông tự tử của một vài người trẻ tuổi là do có đời sống tâm lý không khỏe mạnh. Học sinh cấp 2, 3 đang ở giai đoạn hình thành bản sắc cá nhân, phải trả lời được câu hỏi “Tôi là ai?”, “Tôi là người như thế nào?”, “Điều gì khiến tôi hài lòng về bản thân mình? “Tôi muốn trong tương lai mình sẽ trở thành người như thế nào?”.

Giáo dục nặng về lý thuyết

Đã có rất nhiều cuộc bàn tròn mở ra để mổ xẻ tìm nguyên nhân của BLHĐ. Song dù nguyên nhân nằm ở đâu, cũng không thể phủ nhận trẻ chưa được giáo dục đầy đủ về kỹ năng sống, cũng như định hướng phẩm chất đạo đức, nhân cách. Vì thế, trong những tình huống nảy sinh, các em không đủ sức phân biệt điều hay lẽ phải, và đó là nguyên cớ dẫn đến những hành vi lệch lạc.

Bởi nếu các em hiểu được giá trị sống, chắc chắn sẽ không có những hành vi vô đạo đức, xâm hại bạn mình như thế. Ngay từ nhỏ, ở bậc mầm non, các cô đã định hướng cho bé giá trị sống bằng việc tự phục vụ bản thân; ở bậc tiểu học là tính trách nhiệm trong tập thể, “thương người như thể thương thân… Thế nhưng, tình trạng BLHĐ vẫn cứ xảy ra liên tiếp và nhức nhối. Không sai khi Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thừa nhận một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến BLHĐ là chương trình giáo dục đạo đức – công dân còn nặng lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn, phương pháp dạy chậm được đổi mới, chưa hấp dẫn học trò. Phương thức tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa chưa phù hợp, lại thiếu nhiều hoạt động trải nghiệm giúp học sinh nhận thức các bài học về giá trị của lòng nhân ái, bao dung, của sự tôn trọng, trách nhiệm của bản thân cũng như nhận diện và lên án các hành vi bạo lực.

Đi sâu vào phân tích các vụ BLHĐ gần đây, thấy xảy ra nhiều với nữ sinh. Trước nay, người ta luôn mặc định quan niệm con gái dịu dàng, duyên dáng thì không thể có hành động bạo lực với bạn của mình. Tuy nhiên nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý chỉ ra, con gái nếu không bạo lực theo kiểu đấm đá thì lườm nguýt, tẩy chay, cô lập. GS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng chưa có thống kê khẳng định nữ sinh gây bạo lực nhiều hơn nam sinh. Nữ gây ra BLHĐ nhiều hơn là do liên quan đến đặc điểm giới tính. Phân tích cho thấy, thường đa số các em gái đều thuộc vào một nhóm bạn nào đó. Ở trong lớp học cũng vậy, nữ sinh nào chơi riêng lẻ sẽ bị nhóm bạn khác cho là lập dị, sẽ bị tẩy chay. Vì thế, các em nữ thường chơi trong một nhóm nhất định. Trong nhóm ấy, có bạn tốt, bạn không tốt, nhiều khi bị xúi bẩy làm chuyện không hay. Khi các bạn nữ hành xử nhau, dễ thu hút người khác hơn, vì thế, phải chăng ta có cảm tưởng các vụ bạo lực của các bạn gái nhiều hơn nam giới.

Gia đình phải thực sự là nền tảng

Có nhiều giải pháp được các chuyên gia, giáo viên đề xuất để giảm thiểu tình trạng BLHĐ, song hết thảy đều nhấn mạnh trách nhiệm của nhà trường, gia đình, cơ chế phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội. Tuy nhiên, yếu tố gia đình phải được nhấn mạnh trước tiên.

Hiện nay nhiều gia đình, nhất là ở khu vực thành thị, bố mẹ quá bận rộn lo kiếm tiền, không đủ thời gian chăm sóc, dạy dỗ con mà phó mặc cho nhà trường, xã hội. Câu chuyện mỗi buổi sáng, bố mẹ cho con ăn rồi chở đến trường học, buổi chiều đón con về không thấy bị xô xát gì là yên tâm. Còn việc con học, chơi với ai, làm những gì thì ngoài vòng kiểm soát và hiểu biết của bố mẹ. Với mong muốn con được hưởng nền giáo dục tốt nhất, nhiều phụ huynh sẵn sàng chi những khoản tiền khủng để con được học trường chất lượng cao. Nhưng theo Đại sứ Ngô Quang Xuân điều này chưa hẳn đúng. Có thể nhà trường dạy tốt, thực hiện kỷ luật nhưng vô tình tạo cho con sống theo kiểu người giàu từ nhỏ. Khi ai đó đụng chạm đến em ấy, nó sẽ phản ứng tiêu cực của trẻ thơ, kết bè cánh, lôi kéo dẫn đến BLHĐ.

Thế nên hơn tất cả, trong mỗi gia đình hiện đại, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm đến con trẻ. Bố mẹ phải hiểu con, biết con đang chơi với những bạn nào, thậm chí, trở thành người bạn để con thoải mái bộc bạch tâm tư nguyên vọng của mình. Chính từ đó, cha mẹ tìm thấy cách hướng các con có suy nghĩ và hành động đúng, đồng thời kịp thời ngăn cản các hành vi sai trái có thể xuất hiện.
Đừng áp mệnh lệnh với con trẻ

Dưới góc nhìn của Đại sứ Ngô Quang Xuân (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Khóa 12, là đại sứ công tác nhiều năm ở nước ngoài), khi môi trường văn hóa truyền thống bị ảnh hưởng dẫn đến quan hệ vợ chồng, bố mẹ và con cái có những mâu thuẫn. Nguyên nhân từ người lớn ấy chính là con đường dẫn đến bạo lực học đường (BLHĐ).
Tại sao ông lại cho rằng nói đến BLHĐ chính là đề cập đến bạo lực gia đình (BLGĐ)?

- BLHĐ và BLGĐ tuy là hai phạm trù nhưng cùng bản chất bạo lực. BLGĐ xảy ra trong nhà giữa vợ và chồng, bố và con, mẹ và con, anh chị em với nhau. Những em sinh ra và lớn lên trong gia đình không hòa thuận, đoàn kết thương yêu và tôn trọng lẫn nhau rất dễ có tâm lý và hành động tiêu cực. Các em ấy, trên đường từ nhà đến trường, nếu chẳng may bị bạn nào đó xúc phạm hoặc vô tình chạm vào nỗi đau mình đang mang thì rất dễ nổi khùng, có hành vi bạo lực do chưa được trang bị bản lĩnh vượt qua. Cho nên trong gia đình bố mẹ như thế nào thì con cái sẽ là bản sao như vậy. Khi bố mẹ đoàn kết, yêu thương nhau thì đứa trẻ sẽ thấm sâu những điều tốt đẹp, trân trọng giá trị sống, chăm chỉ học hành và làm nhiều việc tốt.

Là đại sứ công tác nhiều năm ở nước ngoài, ông thấy các nước tiên tiến có xảy ra nhiều tình trạng BLHĐ?

- Tôi đã công tác và sống ở Nga 9 năm, Thụy Sỹ 8 năm, Mỹ 7 năm, thấy rất ít xảy ra BLHĐ. Ở Mỹ thi thoảng có vụ nổ súng trong trường học là từ những người có vấn đề, bất mãn với xã hội. Hiện nay ở những nước tôi nói ở trên thiết kế chương trình học giúp học sinh bận rộn, nhưng không nhồi nhét và quá tải. Cái bận này ở góc độ khuyến khích các em phát huy năng khiếu về hội họa, âm nhạc, thể thao. Nhà trường và phụ huynh sẵn sàng phối hợp với nhau chặt chẽ cũng như tạo điều kiện để học sinh được phát huy khả năng của mình.

Chắc chắn có lý do để các nước ít xảy ra tình trạng BLHĐ, thưa ông?

- Người lớn sống gương mẫu, các gia đình đều thực hiện quy định của pháp luật, đúng sai rõ ràng. Ví dụ, con bị muộn học, bố mẹ cũng không vượt đèn đỏ, cho dù lúc đó đường rất vắng người. Hơn nữa, dân tộc nào cũng có truyền thống văn hóa, nhưng theo tôi nó phải được củng cố, hỗ trợ bởi khung pháp lý và khuôn khổ của cuộc sống minh bạch, bình đẳng, rõ ràng. Những quy định của pháp luật cụ thể đến từng chi tiết đảm bảo cho con người lớn lên và phát triển trong trật tự ấy. Nền giáo dục của nước Nga, Thụy Sĩ luôn hướng học sinh tới đỉnh cao của sự nghiệp, công việc. Cách dạy trẻ con ở Mỹ hướng tới việc phấn đấu trở thành người số 1, ở trong nhà trường cố gắng lọt vào top đầu về thành tích học tập. Chứ không phải trả bài theo kiểu máy móc, đối phó dẫn đến tình trạng học sinh có thời gian kéo bè, kéo cánh, dẫn đến xâm phạm nhau.

Hiện nay, vì kỳ vọng con cái đạt thành tích cao trong học tập, nhiều gia đình người Việt luôn dùng từ “phải”. Ông có ý kiến gì về việc này?

- Trẻ em rất muốn được khuyến khích phát triển tài năng, mặt mạnh của mình. Trẻ cũng có độ điều chỉnh rất cao, vì thế phụ huynh nên biết điều này để hướng các em cho phù hợp. Ở các nước và trong gia đình tôi luôn dùng từ “nên” để giáo dục con. Khi đứa trẻ làm dở, chúng ta không phê bình nặng. Người ta cũng không bắt buộc các em phải làm. Chẳng hạn, em vẽ bức tranh đẹp rồi, nhưng cô giáo nói em nên thêm cái này vào thì sẽ tuyệt hơn. Phụ huynh và thầy cô giáo dùng chữ “phải” cũng được nhưng tôi nghĩ không chuẩn, vì khiến đứa trẻ bị áp lực buộc phải thay đổi mình. Còn dùng chữ “nên” thế này, thế kia là định hướng. Nói theo phương pháp luận là mở đường hướng cho đứa trẻ phát triển thì nó dễ dàng chấp nhận.

Hiện nay Chính phủ nước ta đang chủ trương thực hiện mô hình kiến tạo, tức là tạo điều kiện để mọi người phát triển, phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh trí tuệ. Thế thì không cớ gì, trong giáo dục ở nhà trường, gia đình lại áp dụng phương pháp mệnh lệnh đối với con cái, học trò. Vì nếu làm như vậy vô tình giết chết khả năng sáng tạo của các bé.

Xin cảm ơn ông!
Thủy Trúc  thực hiện