Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bạo lực học đường: Mối quan hệ giữa gia đình-nhà trường có nơi bị đứt gãy?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Các vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây gây nhiều lo lắng, trăn trở cho xã hội bởi sau cùng, đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất vẫn là những đứa trẻ. Mối quan hệ giữa gia đình- nhà trường còn lỏng lẻo được cho là một trong những nguyên nhân của vấn đề này.

Phối hợp còn hình thức, hời hợt

Vụ việc nữ sinh Trường THPT chuyên ĐH Vinh tự tử nghi do bạo lực học đường vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận; đặc biệt là thông tin đưa ra có phần trái chiều, chưa thống nhất giữa phụ huynh học sinh, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm.

Vụ việc em N.T.Y.N, học sinh Trường THPT chuyên ĐH Vinh tự tử nghi bị bạo lực học đường đang gây xôn xao dư luận
Vụ việc em N.T.Y.N, học sinh Trường THPT chuyên ĐH Vinh tự tử nghi bị bạo lực học đường đang gây xôn xao dư luận

Nữ sinh tử vong là em N.T.Y.N, học sinh lớp 10A15 của trường, được nhận xét rất ngoan, có thành tích học tập tốt. Mấu chốt là N vốn chơi thân với một nhóm bạn và trước 20/11, nhóm bạn nghỉ chơi với N với lý do “không hợp”. N nghỉ học nhiều, đã có lần nhắn tin xin cô giáo chủ nhiệm mẫu đơn chuyển lớp; đồng thời cũng lên thẳng hiệu trưởng để xin sang lớp khác nhưng không được đồng ý.

Chỉ sau khi N mất đi, phía gia đình em mới hé lộ, nguyên nhân N tìm đến cái chết là do bị bạo lực học đường kéo dài. Cô giáo cho rằng, cô đã tìm mọi cách để tìm hiểu lí do vì sao N không chơi với nhóm bạn nhưng không được. Thầy hiệu trưởng chỉ giải thích không cho N chuyển lớp vì đang học chương trình GDPT mới, nội dung học mỗi lớp là khác nhau. Mẹ N cũng biết con có vấn đề với bạn, sợ đến lớp nhưng vì sao sợ thì N lại không nói… Tất cả chỉ dừng lại ở đó, không ai thấu suốt vấn đề của N nằm ở đâu và đều nghĩ rằng mình đã làm đủ, đúng trách nhiệm rồi hy vọng, chờ đợi mọi chuyện sẽ ổn. Đến khi N kết liễu cuộc đời, mọi tình tiết được xâu chuỗi lại mới thấy rõ mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường, giáo viên chủ nhiệm phần nào bị đứt gãy.

Ngày 10/4, mạng xã hội lan truyền đoạn clip khoảng 15 giây ghi lại hình ảnh một nữ sinh mặc áo trắng, quần tối màu, đeo khăn quàng tát liên tục vào mặt một nữ khác đang quỳ dưới nền gạch. Sự việc được xác định xảy ra tại Trường THCS số 1 Bắc Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình do mâu thuẫn cá nhân. Học sinh bị đánh học lớp 6 và người đánh bạn đang học lớp 7. Sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã mời 2 học sinh liên quan, phụ huynh cùng giáo viên chủ nhiệm lên làm việc. Các bên đã thống nhất cùng nhà trường xử lý nội bộ.

Ngày 16/4, trên mạng xã hội xuất hiện 1 đoạn clip dài gần 2 phút ghi lại cảnh một nhóm 3 nữ sinh mặc áo đồng phục học sinh liên tục đánh đập, kéo tóc, đạp vào người một học sinh nữ khác trong nhà gửi xe. Không chỉ đánh đập, nhóm bạn nữ này còn chửi bới, đe dọa giết nữ sinh trong clip. Thời điểm xảy ra sự việc, xung quanh có nhiều học sinh khác nhưng không ai dám vào can ngăn. Một lúc sau, những người xung quanh dọa khu vực này có camera an ninh và có cô giáo nên nhóm này mới chịu dừng lại không đánh bạn nữa.

Sự việc được xác định xảy ra tại Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, Nghệ An) nhiều tháng trước và nhà trường đã xử lý xong. Tuy nhiên, điều đặc biệt là trước khi có clip được đưa lên mạng xã hội thì gia đình, nhà trường, thầy cô đều không hay, không biết gì về những bất thường trong học sinh của mình mà cho rằng, tất cả đều rất ổn.

Mấu chốt là sự tin cậy

Việc nữ sinh Trường THPT chuyên ĐH Vinh tìm đến cái chết có phải do bạo lực học đường hay không đang được lực lượng chức năng điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, nhìn nhận sự việc trên, nhiều bạn đọc cho rằng, giá như giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh, hiệu trưởng cùng quan tâm, thấu hiểu, trao đổi thường xuyên để hỗ trợ, tư vấn cho N và tìm ra giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề, rất có thể chuyện đau lòng đã không xảy ra.

Bạo lực học đường luôn là vấn đề nóng của xã hội
Bạo lực học đường luôn là vấn đề nóng của xã hội

Nhận xét về vấn đề bạo lực học đường nói chung, TS Nguyễn Thanh Sơn- chuyên gia tâm lý bày tỏ: Bạo lực học đường luôn là vấn đề nóng và với sự phát triển của công nghệ, của xã hội, vấn đề này ngày càng trở nên nóng hơn.

Có nhiều nguyên nhân của bạo lực học đường như nhận thức của một bộ phận học sinh còn kém; một số nhà trường có cách quản lý chưa chặt chẽ, giáo dục chưa đầy đủ; cha mẹ chưa quan tâm, chưa hướng dẫn và tạo sức đề kháng cho con…

Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, với bạo lực học đường thì xã hội cũng phải gánh một phần trách nhiệm. Nếu mỗi người làm tốt nhất phần việc của mình, quản lý và giáo dục đứa trẻ ở mọi lúc, mọi nơi, mọi chỗ, từ gia đình, nhà trường và xã hội thì sẽ có sản phẩm là một đứa trẻ tốt.

Đặt vào trường hợp cụ thể, TS Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, khi học sinh có biểu hiện bất thường về tâm lý, gia đình, nhà trường phải nhanh chóng phối hợp để giải quyết đến nơi đến chốn. Nếu phát hiện học sinh ở trường có biểu hiện lạ, giáo viên chủ nhiệm gọi cho bố mẹ trao đổi; ngược lại, học sinh bất thường ở nhà, bố mẹ hãy thông tin cho thầy cô… Hai bên liên tục phối hợp đến khi đảm bảo rằng mọi chuyện đã được giải quyết xong thì mới phần nào yên tâm được.

Còn nhà giáo Trần Anh bày tỏ, hiện tượng bạo lực học đường xảy ra ngày càng nhiều có lẽ là hệ quả của sự xuống cấp ở nhiều môi trường giáo dục, trong đó có gia đình và nhà trường. Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới nhưng lại chưa có không gian mạng sạch. Nhiều gia đình, nhất là gia đình trẻ mải mê kiếm tiền, thiếu kĩ năng chăm sóc, dạy dỗ con cái, phó mặc công tác giáo dục cho nhà trường; trong khi nhiều trường học, thầy cô lại vì cơm áo gạo tiền, không thể dành sự quan tâm toàn diện đến học trò, vội vàng dạy cho xong để rời khỏi trường…. Khi trẻ em không biết bấu víu vào đâu, chúng sẽ trở nên hoang mang, phá phách, bế tắc…

Theo thầy Trần Anh, mối quan hệ nhà trường- gia đình rất quan trọng nhưng thực tế mối quan hệ này hiện nay chưa ổn và ở nhiều chỗ, nhiều nơi đang bị đứt gãy, không có tiếng nói chung. Rốt cuộc, học sinh là đối tượng phải gánh chịu hậu quả này.

“Trong các nhà trường, đội ngũ quản lí, quản trị phải có tài, có tầm; đội ngũ giúp việc cũng cần sự tâm huyết. Nhà trường cần chú trọng dạy kĩ năng sống cho học sinh, mở các diễn đàn để trẻ nói lên tâm tư, nguyện vọng. Bên cạnh đó, mỗi trường phải có giáo viên chuyên trách tâm lí học đường. Giáo vụ, tổng phụ trách, các tổ chức Đoàn Đội kết hợp giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn kịp thời nắm bắt sự việc, xử lí linh hoạt, kịp thời. Và mấu chốt là phải có sự tin cậy, hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình để hướng tới mục đích tối thượng là đảm bảo an toàn và hạnh phúc cho người học”- nhà giáo Trần Anh nói.