Bão số 16 tăng tốc trên Biển Đông, giật cấp 15, sóng cao 10m

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115 - 135km/giờ), giật cấp 15, sóng biển cao từ 8 - 10mét.

Có khả năng mưa lớn ở các tỉnh, thành trên cả nước
Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phát lúc 9h sáng 24/12, trong 12 giờ vừa qua, sau khi vượt qua phía Nam đảo Pa-la-oan (Philippin) và đi vào Biển Đông, bão số 16 tiếp tục mạnh lên.
Hồi 7 giờ ngày 24/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.
Chùm ảnh đường đi và vị trí cơn bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h). Đến 7 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10 mét.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 106,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h). Đến 19 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,8 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14, sóng biển cao 7-9 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai ở vùng biển gần bờ (bao gồm cả huyện đảo Côn Đảo) và đất liền ven bờ: cấp 4.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 220km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 130km tính từ vùng tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 đến 36 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,5 đến 12,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 104,0 độ Kinh Đông.
Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h), đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.
Đến 07 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,1 độ Vĩ Bắc; 104,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Cà Mau và Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11, sóng biển cao 5-7 mét.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 đến 48 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,5 đến 12,0 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 107,0 độ Kinh Đông.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h) và suy yếu thêm.
Trong ngày và đêm mai (25/12), do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ có mưa to; từ đêm 25/12 ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.
Các tỉnh miền Nam khẩn cấp ứng phó bão
Trước diễn biến bất thường của cơn bão số 16, trong ngày 23/12, các tỉnh khu vực Nam Bộ đã tổ chức họp khẩn, bàn biện pháp ứng phó. UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo cơ quan chức năng nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi, khẩn trương liên lạc với các tàu thuyền đang còn hoạt động ngoài khơi để tìm nơi trú tránh, kiên quyết không để người ở trên tàu.

Tại Cà Mau, kể từ 16 giờ ngày 23/12 đã cấm tuyệt đối các tàu thuyền ra khơi.

UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo sẵn sàng phương án cho học sinh nghỉ học, công nhân nghỉ làm. Đặc biệt, sẵn sàng phương án sơ tán, di dời 300.000 hộ dân vùng nguy hiểm trong tình huống xấu nhất.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lên phương án sơ tán khoảng 78.000 dân ở khu vực ven biển các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức, Côn Đảo, TP Vũng Tàu vào khu vực an toàn.

UBND TP.HCM lên phương án di dời 5.000 người dân ở Cần Giờ, trong đó có 2.000 người từ xã đảo vào nơi an toàn, đồng thời bố trí ứng trực ở những điểm có nguy cơ sạt lở cao.

Ứng phó trước cơn bão, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị các sở, ngành, địa phương chuẩn bị tinh thần sẵn sàng, chủ động ứng phó với bão số Tembin. Hạn chế hội họp, triển khai phương án ứng phó với bão một cách nhanh nhất đến người dân để cùng chủ động cùng ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo Sở GD&ĐT tỉnh phát công văn thông báo đến các trường học chuẩn bị phương án phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên và các trang thiết bị trường học,... Chỉ đạo cho tất cả học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 25 đến hết ngày 26/12.