Dự báo bão mạnh cấp 11 đến cấp 12 khi vào bờ
Trưa 27/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp tại Sở Chỉ huy tiền phương (đóng ở TP Đà Nẵng) để nghe báo cáo tình hình, đồng thời chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 9 dự kiến đổ bộ vào đất liền vào sáng mai. Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành và 2 địa phương gồm TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo.
Báo cáo nhanh tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết: Lúc 13 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão số 9 đang ở 13,4 độ Vĩ Bắc, 113,4 độ Kinh Đông, cách đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 440 km.
Với tốc độ di chuyển trung bình từ 20 - 25 km/h, dự tính còn hơn 10 tiếng nữa vùng tâm bão sẽ vào bờ. Hiện nay, bão đang ở trạng thái mạnh nhất với cấp 14, giật cấp 17. Dự báo trạng thái mạnh này còn kéo dài khoảng 6 đến 12 tiếng nữa trước khi vào bờ, ở cấp 13-14.
Ông Hoàng Đức Cường cho biết thêm, bắt đầu từ đêm 27/10, hoàn lưu của bão bắt đầu ảnh hưởng gây mưa và gió mạnh trên các vùng đất liền của nước ta.
“Bão mạnh nhất khả năng vào sáng sớm 28/10, trên đất liền từ Đà Nẵng đến Bắc Bình Định cấp 11 đến cấp 12, không loại trừ đến cấp 13 tại một số nơi vùng ven biển như đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi, Cù Lao Chàm của Quảng Nam. Những vùng khác xa hơn có thể gió bão sẽ yếu hơn”, ông Hoàng Đức Cường thông tin.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, điều đáng lưu ý là cơn bão này sẽ khó suy yếu nhanh và ngay khi vào bờ. “Khi vào sâu đất liền 300 - 400km, bão có thể còn gió mạnh cấp 10, cấp 11; có thể đến Bắc Tây Nguyên vẫn còn gió mạnh cấp 8, giật đến cấp 9’, ông Hoàng Đức Cường cảnh báo.
Do ảnh hưởng của bão sẽ có mưa lớn khoảng 200 - 400 mm. Vài ngày sau, Quảng Bình, Hà Tĩnh có thể mưa lớn hơn do kết hợp của không khí lạnh. Một điểm đáng lưu ý là toàn bộ vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Bắc Bình Định sẽ có sóng lớn ở ven biển 6 đến 8 m và nước dâng do bão từ 0,5 đến 1,5 m. Như vậy, toàn bộ khu vực ven biển Đà Nẵng sẽ ngập khoảng 1 đến 2 m.
“Cơ quan khí tượng thủy văn nhận định đây là cơn bão mạnh nhất hiện nay trên biển trong vòng khoảng 10 đến 20 năm gần đây, dự kiến vào bờ sẽ có sức mạnh tương đương cơn bão Xangsane năm 2006 vào Đà Nẵng (cấp 11 - 12) và mạnh hơn nhiều so với cơn bão Damrey vào Nha Trang năm 2017 (cấp 10 - 11)”, ông Hoàng Đức Cường nói.
Chú trọng triển khai sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm
Sau khi nghe các địa phương báo cáo tình hình ứng phó bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường lưu ý: Đây là cơn bão rất đặc biệt khi hình thành đến ngày thứ 3 đã đạt cường độ lớn nhất.
Bão hình thành ở phía Đông miền Trung Philippines, nơi hoàn toàn trống, không có vật cản. Một yếu tố nữa là đợt này không có không khí lạnh và không khí khô nên không triệt tiêu được cơn bão này.
“Bão số 9 sẽ oanh tạc vào Nam Trung Bộ là vùng ít chịu tổn thương của bão nên kinh nghiệm ứng phó không bằng Bắc miền Trung. Vì thế, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao việc chủ động ứng phó của các địa phương được dự báo bão số 9 sẽ đổ bộ vào như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Phó Thủ tướng cho biết đây là 1 trong 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây hướng vào miền Trung, vì vậy không được phép chủ quan, phải triển khai có hiệu quả mọi biện pháp với mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân cũng như của nhà nước.
“Các địa phương chủ động, khẩn trương triển khai phòng chống bão số 9 và mưa lũ sau bão với phương châm “4 tại chỗ” với sự hỗ trợ của các bộ, ngành; rà soát tất cả các tàu thuyền trên biển, kêu gọi ra khỏi ngay khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; tổ chức neo đậu an toàn để hạn chế các tàu va vào nhau, gây hư hỏng, chìm tàu khi bão vào”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền trú tránh bão tại âu thuyền Thọ Quang (TP Đà Nẵng). |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải tập trung bảo đảm an toàn trên đất liền khi bão đổ bộ, chú trọng triển khai sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không an toàn; bảo đảm an toàn tại các công trình, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, bệnh viện, trường học, công sở, các biển quảng cáo...; bảo vệ các công trình hạ tầng trọng điểm như đường dây 500kv, cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, khách sạn, nhà hàng... Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng cùng với các địa phương phải rà soát tất cả các hồ, đập để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố nếu có; đồng thời quản lý, vận hành an toàn hồ đập, đặc biệt là quy trình vận hành các hồ thủy điện”.
Ngay sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đi kiểm tra thực tế công tác ứng phó bão số 9 tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên dự kiến sơ tán 448.067 người trong khu vực nguy hiểm; thời gian hoàn thành vào 17-19 giờ ngày 27/10. Cụ thể: Quảng Nam sơ tán 129.194 người, dự kiến xong trước 17 giờ; đã hoàn thành sơ tán 42.950 người. Quảng Ngãi sơ tán 94.269 người, dự kiến xong trước 17 giờ. Bình Định sơ tán 96.513 người, dự kiến xong trước 19 giờ. Phú Yên sơ tán 27.653 người, dự kiến xong trước 17 giờ. Thừa Thiên Huế sơ tán 67.812 người, dự kiến xong trước 15 giờ. Đà Nẵng sơ tán 32.626 người, dự kiến xong trước 15 giờ. Đối với tàu vận tải, tàu vãng lai: Các tỉnh đã chỉ đạo hướng dẫn neo đậu, rời khỏi khu vực nguy hiểm. Cụ thể: Đà Nẵng 144 tàu (cảng Đà Nẵng: 72; vịnh Đà Nẵng: 44; tại cầu cảng: 28); Quảng Nam: 1 tàu neo tại Cù Lao Chàm; Bình Định: 78 tàu (tàu cập cảng 15; tàu neo phao: 48; tại cảng Vũng Rô: 15); Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã cấm biển. |