Mãn nhãn người xem Hơn nữa, theo ông Huy, câu chuyện của hiện vật, của lịch sử các triều đại Việt trải dài trong 1.300 năm được kể bằng rất nhiều thủ pháp bảo tàng. “Cuộc trưng bày đã thực sự làm những hiện vật vốn câm lặng, vô tri trở nên biết nói, biết kể chuyện. Cách kết hợp nhiều thủ pháp trong một không gian tạo hiệu quả cao về thị giác và tâm lý. Chẳng hạn như trưng bày hiện vật trong tủ kính kết hợp với hiện vật hay khối hiện vật âm dưới nền sàn kính cho người xem cảm giác như đi trên những hố khai quật…” – ông Huy bình luận. Những thủ pháp trưng bày như vậy mới chỉ có ở các bảo tàng của các nước phát triển, ở Việt Nam chưa có bảo tàng nào làm được.
Chắc chắn rằng, các nhà khoa học, đội ngũ cố vấn của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (đơn vị thực hiện dự án xây dựng khu trưng bày) đã thể hiện đầy ẩn ý khi lựa chọn tầng hầm 2 – tầng gần mặt đất để trưng bày thời kỳ tiền Thăng Long (thế kỷ VII - X). Còn tầng hầm 1 – khu vực gần với các công trình phòng họp của Quốc hội, tái hiện lại hoàng cung của những thời kỳ gần lịch sử hiện đại của Thủ đô nhất như: Lý, Trần, Lê, Nguyễn. “Khu trưng bày sẽ nhắc nhở những đại biểu Quốc hội phải có nhiệm vụ giữ được truyền thống của đất nước, đưa ra những quyết định sáng suốt liên quan đến vận mệnh quốc gia” – PGS.TS Hoàng Văn Khoán - chuyên gia nghiên cứu văn hóa bày tỏ. Phải chuẩn bị chu đáo Những ai đã từng được đặt chân đến khu trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội đều có chung cảm giác cuốn hút, choáng ngợp với hơn 400 di vật, hơn 10 di tích sắp đặt ở đây. Thế nhưng, có lẽ cũng chỉ khoảng vài ba trăm người may mắn có được cảm nhận đó. Bởi vì, dù khu trưng bày được thiết kế theo hướng hướng đến mở cửa đón Nhân dân của một bảo tàng như Khu phòng chiếu, khu tương tác game khảo cổ dành cho trẻ em, hoặc mở đường xe lăn cho người khuyết tật…, thế nhưng, theo TS Lại Văn Tới – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành: “Hiện nay, phần việc của chúng tôi mới là báo cáo kết quả dự án. Khu trưng bày sẽ mở cửa đón tiếp Nhân dân như thế nào lại là câu chuyện về sau”. Mở cửa khu trưng bày cho đông đảo du khách đến thăm khu hành chính quyền lực nhất của một quốc gia chắc chắn không phải là vấn đề đơn giản. Bởi ngoài vấn đề an ninh, sẽ còn cả mối lo có thành trào lưu thăm Nhà Quốc hội cho những ngày đầu mở cửa? Theo ông Tới, các đơn vị có liên quan cũng đã có ý tưởng mở cửa khu trưng bày phục vụ Nhân dân, kết hợp với tham quan di tích Hoàng thành Thăng Long, kết thành tuyến tham quan du lịch di sản văn hóa. Nếu tổ chức thành công, Việt Nam không phải là ngoại lệ so với thế giới. “Ở Mỹ, các tòa thị chính, tòa nhà Quốc hội có chương trình mở cửa cho công chúng vào xem. Ở Đức, tòa nhà Quốc hội cũng mở cửa đón Nhân dân. Ở các quốc gia này, trong những ngày nghị viện họp, công chúng vẫn đi tham quan. Vấn đề chính là bố trí như thế nào hợp lý để công chúng tiếp cận” - TS Lê Thị Minh Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu di sản văn hóa Việt Nam cho biết. Để đảm bảo lượng khách ra vào không quá lớn, ảnh hưởng tới chất lượng tham quan, cũng như ảnh hưởng tới hiện vật thật lộ thiên, theo ông Huy, nên thu gọn đối tượng khách: “Thời gian đầu, đơn vị quản lý khu trưng bày chỉ nên tổ chức tham quan theo đoàn, không nên tổ chức theo hình thức mở cửa tự do giống các bảo tàng khác”. Những đề xuất của các chuyên gia có thể sẽ được xem xét để xây dựng dự án mở cửa khu vực trưng bày khảo cổ dưới tầng hầm Nhà Quốc hội trong thời gian tới.
Các di vật trưng bày tại tầng hầm Nhà Quốc hội. Ảnh: Thanh Loan |