Thống kê của Bảo tàng Hà Nội cho thấy, tổng lượng khách trung bình hàng năm đến tham quan tại đây ước tính khoảng từ 100.000 - 110.000 lượt. Theo ông Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đây là con số quá khiêm tốn với bảo tàng được đầu tư nghìn tỷ. Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cũng thừa nhận không bằng lòng với lượng khách như vậy. Sở dĩ Bảo tàng được xây dựng với nguồn vốn hàng nghìn tỷ đồng qua 7 năm chưa được coi là đông khách, vì mọi hoạt động chỉ là trưng bày tạm thời. Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng, số lượng khoảng 100.000 khách đến Bảo tàng Hà Nội mỗi năm là tín hiệu tốt, trong khi nội dung trưng bày “chưa có gì”; nếu được đầu tư hoàn thiện thì địa chỉ này sẽ thu hút đông khách tham quan hơn.
|
Triển lãm ảnh Nhịp đập đa dạng sinh học Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc) đang được trưng bày góp phần thu hút công chúng đến với Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Thanh Loan |
Hơn 1 năm nay, UBND TP xác định việc thực hiện phần trưng bày Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng cần hoàn thành trong nhiệm kỳ công tác 2016 - 2020; thống nhất chọn mốc 10/10/2019 (kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô) để hoàn thành dự án phần trưng bày Bảo tàng Hà Nội. UBND TP giao Sở VH&TT tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, thành lập Hội đồng tư vấn khoa học nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội.
Theo ông Đà, sau khi thành lập Hội đồng tư vấn khoa học, các thành viên Hội đồng đã rốt ráo họp bàn, góp ý kiến, thực hiện thiết kế trưng bày Bảo tàng Hà Nội. Hội đồng tư vấn khoa học gồm 17 người, với những tên tuổi hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực lịch sử, bảo tàng, di sản như: GS Lê Văn Lan, PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học), PGS.TS Phạm Quốc Quân (nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam)… Đặc biệt, Hội đồng tư vấn khoa học còn có sự tham gia của nhóm chuyên gia tư vấn bảo tàng của Pháp đã từng thực hiện thành công các dự án trưng bày ở Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam… 17 thành viên Hội đồng tư vấn khoa học đang làm việc ngày đêm chỉ để đúng hạn 10/10/2019, Bảo tàng Hà Nội hết rỗng ruột và đông khách.
Sẽ là kết tinh văn hóa Hà NộiHiện nay, các chuyên gia đã lên ý tưởng cho câu chuyện 1.000 năm của Hà Nội, không chỉ theo biên niên đại mà tập trung vào nhiều chuyên đề, chủ đề. Trong đó, 7 chủ đề chính đang được bàn thảo: Thiên nhiên Hà Nội; Hành chính đến Thăng Long; Thăng Long – Hà Nội; Hà Nội nửa cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX… 3.000 hiện vật đang được lưu trữ và trưng bày tại Bảo tàng đảm bảo phần nhiều nội dung của câu chuyện này. Ngoài ra, các chuyên gia cũng hướng đến nhiều phương pháp thể hiện khác nhau như: Hiện vật trưng bày, tái dựng các câu chuyện lịch sử thời Hai Bà Trưng, các triều đại bằng phim hoạt hình, tái tạo không gian…
“Dự kiến, trong chủ đề Hà Nội thời kháng chiến sẽ có không gian tái hiện Hà Nội 12 ngày đêm chiến đấu với B52. Không chỉ có hiện vật với xác máy bay, mà tiếng còi báo hiệu máy bay, các âm thanh bom dội, hình ảnh đổ nát của phố Khâm Thiên… đều được tái dựng. Công chúng có thể bước vào một không gian để cảm nhận như chính thời khắc lịch sử đó” – ông Nguyễn Tiến Đà cho biết. Về định hướng trưng bày, ông Đà cho hay, theo thống kê thì 95% khách đến bảo tàng để giải trí, còn lại là nghiên cứu hàn lâm. Do đó, mỗi chủ đề sẽ có nhiều không gian trải nghiệm cho du khách, để địa chỉ này trở thành nơi giải trí, khám phá cho mọi người. “Tất cả những gì thuộc về Hà Nội, tạo nên dáng vẻ, hồn cốt và văn hóa Thủ đô sẽ được kết tinh trong cách thể hiện của Bảo tàng Hà Nội lần này” – GS Lê Văn Lan khẳng định.
Dự kiến, giữa năm 2018 Bảo tàng Hà Nội sẽ đóng cửa để thi công phần trưng bày. Mọi nỗ lực đang được thực hiện với tâm nguyện không lỗi hẹn với công chúng Thủ đô thêm lần nữa.