Bảo tàng Lê Nin ở Phần Lan – Nơi khai sinh Liên Bang Xô-Viết

Võ Xuân Quế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Eläköön Neuvosto Suomi - Phần Lan-Xô Viết muôn năm!” là dòng chữ nổi bật rất dễ nhận ra trong Bảo tàng Lê Nin ở Tampere (Phần Lan), cách Helsinki 150km về phía bắc.

Còn trên trang đầu website tiếng Anh của Bảo tàng, bạn sẽ bắt gặp lời chào “Welcome to the Birthplace of the Soviet Union! - Chào mừng Bạn đến với nơi ra đời của Liên Bang Xô-Viết!” Đây là Bảo tàng Lê Nin đầu tiên được thành lập ngoài Liên Xô và cũng là Bảo tàng cuối cùng còn lại cho đến ngày nay. Nó nằm trong tòa nhà có căn phòng mà Lê Nin và Stalin gặp nhau lần đầu tiên, vào một đêm Giáng sinh lạnh giá năm 1905, chuẩn bị cho sự ra đời của Liên bang Xô Viết vào năm 1917. Vì vậy Bảo tàng gắn liền với lịch sử của riêng nó.
Vì sao lại có Bảo tàng Lê Nin ở Tampere?

Nhiều người trên thế giới từng thắc mắc vì sao lại có Bảo tàng Lê Nin ở một quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu mà không biết rằng Bảo tàng Lê Nin ở Phần Lan lại có một câu chuyện riêng độc đáo.
 Tấm biển trước cửa Bảo tàng ở Tampere
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1944 khi cuộc Chiến tranh giữa Phần Lan và Liên Xô (1941-1944) kết thúc. Để góp phần với Chính phủ củng cố mối quan hệ mới được thiết lập lại vẫn còn mong manh, Hội hữu nghị Liên Xô-Phần Lan và một số chi hội địa phương được thành lập, trong đó có thành phố Tampere. Chi hội Liên Xô-Phần Lan của thành phố Tampere đã đưa ra sáng kiến thành lập Bảo tàng Lê Nin ở Nhà lao động Tampere, nơi có căn phòng mà Lê Nin và Stalin gặp nhau lần đầu tiên trong một cuộc họp bí mật của những người Bolshevik vào tháng 12 năm 1905. Tại cuộc gặp này đã ra đời kế hoạch cho cuộc cách mạng Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 mà sau đó thay đổi lịch sử thế giới và cũng giúp Phần Lan trở thành một quốc gia độc lập chưa đầy 2 tháng sau.

Sáng kiến về việc mở Bảo tàng Lê Nin ở Phần Lan là một vấn đề nhạy cảm về chính trị lúc bấy giờ. Tuy nhiên, nó vẫn được xúc tiến và triển khai với một kế hoạch chi tiết. Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các chính trị gia, trong đó có Thủ tướng Phần Lan lúc bấy giờ, J. K. Paasikivi, người coi việc cải thiện mối quan hệ giữa hai bên thắng-thua sau chiến tranh giữa Phần Lan và Liên Xô là một nhiệm vụ thiết yếu, Bảo tàng Lê Nin là một bước đi hợp lý trên con đường này.
 Dòng chữ Xô Viết-Phần Lan muôn năm trong Bảo tàng Lê Nin.
Vào mùa thu năm 1945, Johan Helo, Chủ tịch Hội Phần Lan- Liên Xô và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phần Lan đã thành lập một phái đoàn và may mắn có được cơ hội trình bày kế hoạch về Bảo tàng Lê Nin cho Joseph Stalin. Khi nghe phía Phần Lan trình bày, Stalin rất vui với dự án, thậm chí ông còn nhắc lại lần ông đến Tampere năm 1905 và cuộc gặp Lê Nin. Sự đón nhận của Stalin đã làm tăng đáng kể uy tín và ý nghĩa của sáng kiến.

Bảo tàng Lê Nin qua nhiều thập kỷ

Bảo tàng được khai trương vào ngày 20 tháng 1 năm 1946, một ngày trước ngày kỷ niệm ngày mất của Lê Nin. Tháng 1 năm nay (2021) Bảo tàng tròn 75 năm tuổi. Không giống như các Bảo tàng Lê Nin khác, nó không được vận hành bởi nhà nước mà do Hội nghề nghiệp với các tình nguyện viên. Từ khi được thành lập cho đến năm 2013 Bảo tang Lê Nin thuộc sở hữu của Hiệp hội Phần Lan-Liên Xô/Nga. Từ năm 2014, Bảo tàng Lê Nin trở thành một bộ phận của Bảo tàng Lao động Phần Lan Werstas.

Vào những năm 1970, bảo tàng đã đón nhận hơn 20.000 lượt tham quan hàng năm. Năm 1975, có nhiều du khách đến từ Liên Xô thăm bảo tàng hơn Phần Lan. Vào những năm 1980, bảo tàng đã trải qua những năm rất thành công về mặt tài chính, cung cấp các nguồn lực để tu bổ và sưu tầm hiện vật cho bảo tàng. Bảo tàng đã trở thành một điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch Liên Xô khi đến Phần Lan.

Với việc Liên bang Xô viết tan rã vào năm 1991 hầu hết các Bảo tàng Lê Nin trên thế giới đóng cửa. Khi Bảo tàng Lê Nin Trung tâm ở Moscow đóng cửa vào năm 1993, Bảo tàng Lê Nin ở Tampere đã trở thành Bảo tàng Lê Nin duy nhất còn hoạt động trên thế giới.
 Hình tượng Lê Nin và Stalin trong Bảo tàng Lê Nin.
Có thể hiểu được ý nghĩa chính trị của bảo tàng bằng cách xem danh sách các nhà lãnh đạo Liên Xô đã đến thăm bảo tàng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đầu tiên là vào tháng 6 năm 1957, Thủ tướng Bulganin, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Gromyko và Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Nikita Khrushchev, đến thăm Bảo tàng. Tiếp đến là chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Leonid Brezhnev, vào tháng 4 năm 1960. Bảo tàng Lê Nin chỉ chưa đón hai trong số các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Liên Xô. Nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin, người đầu tiên bay vào không gian vũ trụ, cũng đã đến thăm Bảo tàng Lê Nin ở Tampere tháng 7 năm 1961. Kỷ niệm tròn 60 năm chuyến thăm của Gagarin, năm nay Bảo tàng tổ chức cuộc thi tìm hiểu và sưu tầm kỷ vật về chuyến bay vào vũ trụ của ông.

Những điều ít biết bạn sẽ tìm thấy trong Bảo tàng Lê Nin:

• Người ta nói rằng Stalin trong lần gặp đầu tiên ở Tampere vào tháng 12 năm 1905, đã thất vọng trước con người vĩ đại Lê Nin, cao 1m65.

• Ngay sau khi Lê Nin qua đời, năm 1924, Viện Não bộ được thành lập. Một trong nhiệm vụ đầu tiên của nó là nghiên cứu bộ não của Lê Nin. Tuy nhiên, bộ não đã biến mất vào đầu những năm 1930. Một giáo sư người Đức làm việc tại Viện Não đã đánh cắp và đưa đến Đức. Ông đã sử dụng chúng trong nghiên cứu và bài giảng của riêng mình. Nghiên cứu đã kết thúc đột ngột khi anh ta sai sót trong việc so sánh chúng, ví dụ: bộ não của gái mại dâm và nó nhanh chóng được trao trả cho Liên Xô.

• Sau cái chết của Stalin vào tháng 3 năm 1953, ngay khi có thông tin, Bảo tàng Lê Nin đã tổ chức để tang và lễ tưởng niệm ông đã được cử hành trong hai ngày đầu.

• Năm 1964, Tổng thống Kekkonen của Phần Lan đã đến thăm viện bảo tàng. Kekkonen đã yêu cầu bảo tàng trao chiếc gậy chống nguyên bản của Lê Nin được trưng bày trong bộ sưu tập của bảo tàng để làm quà sinh nhật cho Nikita Khrushchev trong chuyến thăm Liên Xô. Vì thế cây gậy hiện trưng bày trong bảo tàng chỉ là một bản sao.

• Năm 1976, Bảo tàng Lê Nin tròn 30 tuổi. Vào thời điểm đó, ba người đàn ông thuộc một tổ chức cực hữu bị cấm đang lên kế hoạch cho nổ tung Bảo tàng Lê Nin. Sau đó, những người đàn ông nói rằng họ đã đến Tampere với một quả bom tự chế và hai bình xăng. Khi Bảo tàng không dễ tiếp cận, những người đàn ông chỉ bôi sơn đỏ lên tấm bảng tên trước cửa Bảo tàng.

• Năm 1985, một con tem được phát hành ở Liên Xô mô tả Bảo tàng Lê Nin ở Tampere.

• Sau khi Liên Xô tan rã (1991), một cuộc tranh luận bắt đầu ở Nga về số phận của thi hài được ướp xác của Lê Nin. Một số người Nga yêu cầu chôn cất thi thể, nhưng các đề xuất khác cũng đã được đưa ra. Năm 1992, Duma (Quốc hội Liên Bang Nga) đã thảo luận về một đề xuất rằng thi hài của Lê Nin có thể được đưa vào một chuyến công du vòng quanh thế giới để quyên góp 2 tỷ đô la cho những người nghèo khó của đất nước.

• Năm 1993, tin về việc chuyển thi hài của Lê Nin đến Bảo tàng Tampere đã lan truyền khắp thế giới qua hãng tin Reuters (Anh). Tin vịt này bắt nguồn từ lời nói đùa của Giám đốc Bảo tàng Lê Nin lúc bấy giờ là Aimo Minkkinen.

Ngoài Bảo tàng ở Tampere, trên khắp Phần Lan còn có 17 dấu tích về Lê Nin (vườn hoa, tượng, biển ghi nhớ những nơi ông từng ở hoặc đặt chân tới). Điều này thể hiện câu châm ngôn nổi tiếng của người Phần Lan “Con người tuy mất đi, nhưng ký ức mãi trường tồn!” tương tự như quan niệm sống “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Nếu chưa có dịp đến Phần Lan, bạn có thể tìm hiểu thêm về bảo tàng này qua địa chỉ của Bảo tàng ở đây: http://lenin.fi/?lang=en

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần