Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo tồn đa dạng sinh học nhằm duy trì sinh kế của cộng đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hưởng ứng ngày "Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5" (ĐDSH), sáng 20/5 Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Tổ chức CropLife và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH phục vụ phát triển sinh kế cộng đồng”.​

Kinhtedothi - Hưởng ứng ngày "Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5" (ĐDSH), sáng 20/5 Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Tổ chức CropLife và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH phục vụ phát triển sinh kế cộng đồng”.​
Bảo vệ nền tảng của sự sống

Theo Tiến sĩ Mai Thanh Dung - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường: ĐDSH và các hệ sinh thái tự nhiên là nền tảng cho sự sống và phát triển của con người. 

Hơn hai thập kỷ qua, bảo tồn ĐDSH đã trở thành cam kết chung trên toàn cầu và của mỗi quốc gia, thông qua các khung thỏa thuận quốc tế như Công ước về ĐDSH (CBD), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, quý hiếm (CITES), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR) hay Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs).
Tiến sỹ Phạm Anh Cường (Cục trưởng Cục Bảo tồn & Đa dạng sinh học: Sử dụng bền vững ĐDSH nhằm tạo ra và duy trì sinh kế của cộng đồng...
Tiến sỹ Phạm Anh Cường - Cục trưởng Cục Bảo tồn & Đa dạng sinh học: Sử dụng bền vững ĐDSH nhằm tạo ra và duy trì sinh kế của cộng đồng...
Việt Nam cũng đã có những quyết sách quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn ĐDSH - bằng việc xây dựng và ban hành các Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Trong đó có thể kể đến Luật ĐDSH (2008), các văn bản hướng dẫn Luật và định hướng cho công tác bảo tồn ĐDSH của nước ta như: Chiến lược Quốc gia về ĐDSH đến năm 2020 - tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Trần Công Khánh, Hội Bảo vệ thiên nhiên & Môi trường Việt Nam chia sẻ: Tập tục của người Ê Đê quy định: "Làm rẫy không được phát rừng già - Làm nhà không được chặt cây to…". Điều này chứng minh, ngay từ ngàn xưa, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã đề cao vai trò của ĐDSH trong cuộc sống…

Rất cần sự chung tay

Tiến sĩ Phạm Anh Cường - Cục trưởng Cục Bảo tồn & Đa dạng sinh học cho biết: Việt Nam được quốc tế công nhận là một trong những quốc gia có tính ĐDSH cao trên thế giới với nhiều kiểu rừng, đầm lầy, sông suối, rạn san hô... tạo nên môi trường sống cho khoảng 10% tổng số loài chim và thú hoang dã trên thế giới. 

Việt Nam cũng được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới… Nhưng mấy năm qua, diện tích rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng tiếp tục tăng. Rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn suy giảm, ô nhiễm môi trường, sự du nhập của các loài ngoại lai xâm hại… đã và đang gây ra những tác động không nhỏ tới việc suy giảm tài nguyên ĐDSH, tác động tiêu cực đến ổn định sinh kế của nhiều cộng đồng dân cư sống nhờ vào thiên nhiên. 

"Hơn bao giờ hết, bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH nhằm tạo ra và duy trì sinh kế của cộng đồng, phát triển bền vững đất nước có ý nghĩa và tầm quan trọng hàng đầu đối với quốc gia. ĐDSH ngày càng được khẳng định là điều kiện trọng yếu cho giảm nghèo, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, khủng hoảng kinh tế…" - ông Cường nói.

Nói về giá trị của ĐDSH, tiến sĩ Nguyễn Văn Dư (Viện Sinh thái &Tài nguyên sinh vật) cho rằng: Chính phủ, Bộ TN&MT cần nhanh chóng có những chính sách cụ thể hơn nữa cho công việc bảo tồn ĐDSH, cũng như các bài thuốc, cây thuốc trong nước. Bộ TN&MT nên phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế thiết lập các dự án bảo tồn tài nguyên rừng; trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương - giảm áp lực cho rừng.

Ông Barkhodir Burkhanov - Phó Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam khẳng định: Từ thực trạng hiện nay, UNDP cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo tồn bền vững ĐDSH, phục vụ sinh kế cho cộng đồng.