Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 15 năm qua, Hà Nội luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội; chú trọng khai thác giá trị các di sản văn hóa, tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa chất lượng, hiệu quả.

Sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa là chủ trương từ lâu đã được Đảng, Nhà nước ta xác định. Ngay trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng khẳng định du lịch văn hóa là một trong những ngành công nghiệp văn hóa cần được tập trung đầu tư phát triển. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch văn hóa sẽ chiếm 15 - 20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch.

Trải qua hàng trăm năm, các thế hệ nghệ nhân, người dân Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh bền bỉ lưu giữ, phát triển múa rối nước của quê hương. Ảnh: Kiên Hải
Trải qua hàng trăm năm, các thế hệ nghệ nhân, người dân Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh bền bỉ lưu giữ, phát triển múa rối nước của quê hương. Ảnh: Kiên Hải

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, du lịch Thủ đô phát triển có sự đóng góp không thể thiếu của các giá trị di sản văn hóa. Nhắc tới Hà Nội, người dân trong nước và du khách quốc tế nhắc ngay đến Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám; 36 phố phường, Hồ Gươm, chùa Trần Quốc… Bên cạnh đó, các làng nghề gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, Lễ hội Gióng đền Sóc và đền Phù Đổng, múa rối nước, hát ca trù... đều là sản phẩm du lịch hấp dẫn của Hà Nội.

Trong đó, Hà Nội chú trọng khai thác loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản, tiêu biểu như sản phẩm: múa rối nước Đào Thục gắn với di tích Cổ Loa, Đông Anh; khu vực đền thờ Hai Bà Trưng gắn với làng trồng hoa xã Tiền Phong, Mê Linh; phát triển sản phẩm khu vực Ba Vì với hệ thống di tích lịch sử đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền thờ Bác Hồ gắn với khu di tích K9, Đá Chông. Hà Nội cũng hình thành các tuyến du lịch làng nghề gắn với mô hình nghỉ tại nhà dân (homestay).

Đáng chú ý, trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Hà Nội đã triển khai các sản phẩm văn hóa mới, kết hợp ứng dụng công nghệ trên cơ sở khai thác các giá trị di sản văn hóa truyền thống của Thủ đô như: sản phẩm du lịch đêm với chủ đề “Đêm thiêng liêng” tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò; tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long; sản phẩm du lịch trải nghiệm ứng dụng công nghệ Mapping, 3D, ánh sáng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; sản phẩm du lịch văn hóa kết hợp chăm sóc sức khỏe tại khu vực Đền Sóc; sản phẩm du lịch đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” hay những chương trình biểu diễn âm nhạc dân gian như ca trù, hát xẩm, chầu văn... tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Thành cổ Sơn Tây.

Cụ thể, thời gian qua, theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, trung tâm tập trung tu bổ, tôn tạo các hạng mục tại khu nội tự và phục dựng tòa Phương Đình, gò Kim Châu tại khu hồ Văn. Để đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô, trung tâm tích cực quảng bá hình ảnh, tổ chức hoạt động văn hóa, hoạt động trải nghiệm. Mỗi năm di tích thu hút hơn 2 triệu lượt khách du lịch (thời điểm trước dịch) và nguồn thu này quay trở lại phục vụ công tác bảo tồn di sản cũng như công tác quản lý khác.

Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò còn gây dựng và lan tỏa hình ảnh di tích trên nhiều nền tảng khác nhau cho theo kịp nhịp độ phát triển của thời đại công nghệ số, đồng thời tăng hiệu suất tương tác với du khách thông qua các nền tảng Facebook, Spotify, Apple Podcast… để tiếp cận gần hơn với công chúng. Nếu như tháng 12/2020 trang fanpage Di tích Nhà tù Hỏa Lò mới chỉ có 55.000 lượt người yêu thích thì đến nay đạt gần 200.000 lượt người yêu thích.

Tại Sơn Tây, đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở xã Đường Lâm” đã tập trung tu bổ đình Cam Thịnh, đền và lăng Vua Ngô Quyền, các điểm giếng, nhà cổ bị xuống cấp, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.

Hiện các điểm di tích và nhà cổ vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, vừa là điểm thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, tại Đường Lâm hiện nay còn diễn ra hoạt động dạy làm tranh in khắc gỗ cho khách du lịch và trẻ em đến tham quan Đường Lâm của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát. Hoạt động nhằm khơi dậy tình yêu quê hương, phổ cập mỹ thuật và góp phần phát huy giá trị di sản, góp phần quảng bá du lịch Đường Lâm.

Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, không thể phủ nhận việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch còn một số hạn chế, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội. Công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa vật thể như đình, chùa… chưa gắn với du lịch; một số di sản sau khi tôn tạo bị “bê tông hóa” làm mất đi các giá trị về nghệ thuật, thẩm mỹ.

Khách du lịch xem múa rối nước tại sân khấu thủy đình Đào Thục. Ảnh: Kiên Hải 
Khách du lịch xem múa rối nước tại sân khấu thủy đình Đào Thục. Ảnh: Kiên Hải 

Đặc biệt, Hà Nội đang thiếu các sản phẩm du lịch di sản văn hóa đặc sắc mang tính định kỳ để Hà Nội xuất hiện trên các phương tiện truyền thông gắn với các sự kiện tầm vóc hằng tháng, hằng quý, trên lộ trình xây dựng “TP toàn cầu”; “TP sáng tạo”, “TP của sự kiện”…

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đề xuất, TP Hà Nội cần tăng cường đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời nghiên cứu, thể nghiệm mô hình hợp tác công - tư trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững; TP ưu tiên phát triển mô hình du lịch cộng đồng để bảo tồn di sản văn hóa tại cộng đồng.

Hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô có chất lượng cao gắn với bảo tồn, phát huy thế mạnh của di sản Thủ đô, ngành Du lịch Hà Nội phối hợp cùng cơ quan liên quan tập trung công tác quy hoạch, đầu tư, bảo tồn, trùng tu di tích gắn với phát huy các giá trị di sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Thủ đô. Trong đó, tập trung vào các công trình trọng điểm như: dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu vực thành Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long, làng gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc...

Trên thực tế, du lịch văn hóa phát triển thì các giá trị di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy. Góp phần vào quá trình xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa, Hà Nội cũng đang trong quá trình xây dựng lộ trình, kế hoạch, ban hành những cơ chế, chính sách cụ thể, nguồn lực tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển ngành công nghiệp du lịch văn hóa ở Việt Nam và Hà Nội. Tập trung quy hoạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hình thành Hà Nội là trung tâm sáng tạo, TP sáng tạo phát triển công nghiệp du lịch văn hóa tiêu biểu.

 

Sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Du lịch Hà Nội đã có sự phục hồi ấn tượng, đạt nhiều kết tích cực. 6 tháng đầu năm 2023, tổng số du khách đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, du khách quốc tế ước đạt 2,03 triệu lượt khách, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3% với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, Hà Nội đạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế cho du lịch Hà Nội như: “Điểm đến du lịch TP hàng đầu Châu Á năm 2022”, “Điểm đến du lịch TP hàng đầu Thế giới năm 2022”; Giải thưởng Travel + Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023, Top 10 TP hàng đầu châu Á...