Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể: Vẫn sa đà vì danh hiệu

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, một số di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) như nghệ thuật múa Xòe Thái, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được thực hành, biểu diễn với quy mô lớn, hình thức ngày càng đa dạng. Ý tưởng này góp phần bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT nhưng gây ra nhiều phản ứng trái chiều vì chỉ tập trung vào tính thẩm mỹ, giá trị giải trí của di sản.

Trình diễn trang phục hầu đồng của nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển tại Tuần lễ Thời trang và làm đẹp quốc tế Việt Nam 2019. Ảnh: Hoàng Nguyên
Thận trọng thực hành di sản
Ngày 15/12, nằm trong khuôn khổ của Tuần lễ thời trang và Làm đẹp quốc tế Việt Nam 2019 (Vietnam International Beauty and Fashion Week 2019), những bộ trang phục hầu đồng của nghệ nhân văn hóa Nguyễn Đức Hiển được trình diễn trên trên sàn diễn thời trang. Sự việc đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng chủ thể của di sản. Bởi trang phục hầu đồng vốn chỉ xuất hiện trong không gian lễ hội hay địa điểm linh thiêng.
Việc hiểu và chuyển tải sai về DSVHPVT theo tinh thần của Công ước 2003 đã tồn tại từ lâu. Sai lêch bắt nguồn từ việc chuyển ngữ từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt. Điều kiện hoạt động truyền thông của UNESCO còn hạn chế nên ngay cả thông tin về các phiên họp của UNESCO cũng chưa cập nhật kịp thời, liên tục.
Phụ trách chương trình Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Phạm Thị Thanh Hường
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “DSVHPVT phải gắn với môi trường, không gian. Trang phục biểu diễn chỉ là một bộ phận của di sản, không thể tách rời. Tất cả nghệ thuật tạo hình, âm nhạc, múa cần hòa quyện làm một trong thực hành tín ngưỡng”.
Liên quan đến DSVHPVT khác, tháng 9/2019, UBND tỉnh Yên Bái có xin ý kiến Bộ VHTT&DL về việc xin xác lập kỷ lục Guinness màn đại xòe Việt Nam lớn nhất thế giới. Những diễn biến trên cho thấy, DSVHPVT đang có nhiều hình thức thực hành, biểu diễn khiến cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa yêu cầu đơn vị thực hiện phải thận trọng. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn nhấn mạnh: “Chúng ta có quyền sáng tạo di sản nhưng điều đó tất cả chủ thể di sản (cộng đồng) phải thống nhất, không phải do một áp lực hay tác nhân bên ngoài. Nếu sáng tạo ra cái mới mà cộng động chấp nhận thì có nghĩa di sản đang được phát huy, thực hành như thế”.
Lầm tưởng vinh danh
Ngày 18/12, tại hội thảo "Huy động truyền thông trong bảo tồn và phát huy DSVHPVT”, TS Frank Proschan, cố vấn của UNESCO về Công ước Bảo vệ DSVHPVT năm 2003 khẳng định, DSVHPVT chỉ được sở hữu, công nhận bởi cộng đồng, nhóm cá nhân và một số trường hợp là các cá nhân. Như thế có nghĩa là không có DSVHPVT của quốc gia hay của nhân loại mà chỉ có DSVHPVT của cộng đồng tại một quốc gia nào đó. Công ước 2003 không có khái niệm xếp hạng di sản theo cấp tỉnh, cấp quốc gia hay cấp thế giới.
Tuy nhiên, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước thường chuyển tải sai là UNESCO vinh danh, công nhận DSVHPVT nào đó là của thế giới, của nhân loại. Đây là cách hiểu lầm tai hại khiến các quốc gia có quyền can thiệp quá sâu, làm ảnh hưởng đến quyền của cộng đồng sở hữu di sản, làm di sản trở nên méo mó.
Hiểu theo cách này, nếu một cá nhân, tập thể can thiệp quá sâu, tự ý thực hành DSVHPVT không được sự thống nhất, đồng ý của cả cộng đồng. Điều này có thể đang vi phạm các quy định của UNESCO, vi phạm quyền sở hữu DSVHPVT chung của cả cộng đồng, - chủ thể của di sản. Vì vậy, việc trình diễn, tổ chức các hoạt động có sự tham gia của các DSVHPVT cần sự cân nhắc kỹ lưỡng. Đồng thời, cơ quan quản lý cần có các biện pháp, thiết chế cụ thể về việc thực hành DSVHPVT trong đời sống đương đại.