Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa từ Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngoài việc tổ chức Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, huyện Ba Vì (Hà Nội) kết hợp tổ chức Khai trương Du lịch huyện Ba Vì năm 2024 với các gian hàng chợ quê để giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề, văn hóa của địa phương, đồng bào dân tộc.

Tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh là hoạt động văn hoá đậm sắc màu truyền thống, mang ý nghĩa tri ân công đức vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” của người Việt - người đã giúp dân khai sơn, trị thủy, dạy cách làm ruộng, săn bắn, dệt lụa, hát ca và mở hội. Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh Xuân Giáp Thìn 2024 được tổ chức chính lễ vào ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức ngày 23/2/2024) tại Di tích lịch sử - Văn hoá Quốc gia đền Hạ thuộc xã Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội) và không tổ chức rước liên vùng với huyện Thanh Thuỷ (Phú Thọ).

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh năm 2024 tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng (tức ngày 23/2/2024) tại di tích lịch sử văn hoá đền Hạ (xã Minh Quang, huyện Ba Vì). Ảnh: Ngọc Tú.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh năm 2024 tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng (tức ngày 23/2/2024) tại di tích lịch sử văn hoá đền Hạ (xã Minh Quang, huyện Ba Vì). Ảnh: Ngọc Tú.
 

Ở phần lễ, ngày 13 tháng Giêng sẽ tổ chức rước nước từ sông Đà về đền Hạ, dâng hương tại các di tích: đền Thượng, đền Bác Hồ, đỉnh Mẫu (xã Ba Vì), đền Trung, chùa Tản Viên (xã Minh Quang) và tế thỉnh Đức Thánh tại đền Hạ. Trong khi đó, chính lễ là 14 tháng Giêng tổ chức dâng lễ (không tổ chức rước kiệu lễ). Ở phần hội sẽ tổ chức các giải thi đấu TDTT, văn hóa văn nghệ và các trò chơi dân gian truyền thống từ 13 giờ đến 22 giờ các ngày 22 và 23/2/2024 (tức ngày 13, 14 tháng Giêng).

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng VH&TT huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết, mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Huyện sẵn sàng chào đón người dân và du khách thập phương về tham dự Lễ hội và du Xuân đầu năm.

“Ban Tổ chức Lễ hội đã tích cực chỉnh trang đô thị, thực hiện vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch, di tích lịch sử, treo băng rôn, banner, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm an toàn để đón tiếp và phục vụ du khách. Các nhà hàng ăn uống, các điểm du lịch trên địa bàn huyện và tại Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đền Hạ, xã Minh Quang chủ động đầu tư, nâng cấp và chú trọng tới vấn đề vệ sinh ATTP, đảm bảo an ninh trật tự” – ông Lê Khắc Nhu cho biết.

Trải qua 15 năm nỗ lực khôi phục, tôn vinh và quảng bá, những giá trị văn hóa truyền thống tại Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, huyện Ba Vì luôn xác định rõ di sản văn hóa là cốt lõi của bản sắc dân tộc, tài sản vô giá giúp gắn kết cộng đồng, để luôn quan tâm, chỉ đạo bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống, trong đó nổi bật là các hoạt động Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh tại cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ. Năm 2018, Bộ VHTT&DL đã ghi danh Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những năm qua, tại Lễ hội, người dân và du khách thập phương được tham gia nghi thức dâng hương tưởng nhớ công ơn Đức Thánh Tản, cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân cường, vật thịnh, dân sinh ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, thưởng thức màn trình diễn trống hội, hát múa Trường ca sử Việt và sử thi tái hiện truyền thuyết Sơn Tinh cầu hôn con gái Vua Hùng, giúp dân chế ngự thiên tai.

“Ba Vì không chỉ nổi tiếng về cảnh quan tươi đẹp, sơn thủy hữu tình, mà còn là vùng đất cổ, không gian văn hóa đặc sắc riêng, gắn với truyền thuyết Tản Viên Sơn Thánh - vị anh hùng thời kỳ dựng nước của dân tộc và tục thờ cúng Tản Viên đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần lâu đời của nhiều thế hệ. Lễ hội được tổ chức nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tinh thần của người Ba Vì nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung đối với công đức của Đức Thánh Tản Viên Sơn” – Trưởng phòng VH&TT huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết thêm.

Bên cạnh những nghi thức cổ truyền được phục dựng, duy trì, Lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ, như: Kéo co, bắn nỏ, ném còn, cà kheo, đẩy gậy, leo núi, cờ tướng, chọi gà, bóng chuyền, bóng đá…, mang đến không khí du Xuân, trẩy hội đầy sôi động, cuốn hút cho Nhân dân và du khách thập phương.

Khai thác tiềm lực nội tại để phát triển bền vững

Theo ghi chép trong sử sách, bản ngọc phả, thần tích còn lại các di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh và lời kể của Nhân dân quanh vùng núi Ba Vì thì khoảng 250 năm trước Công Nguyên, An Dương Vương cho lập đền thờ đức Thánh trên núi Tản Viên, gọi là Đền Thượng (nay thuộc huyện Ba Vì, TP Hà Nội). Tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh đã sản sinh ra các lễ hội làng nói chung và huyện Ba Vì là một sinh hoạt văn hóa tinh thần quan trọng bậc nhất của cộng đồng Nhân dân địa phương cùng Nhân dân quanh vùng núi Ba Vì.

Người dân đến trải nghiệm tại Khu du lịch Ao Vua. Ảnh: Ngọc Tú
Người dân đến trải nghiệm tại Khu du lịch Ao Vua. Ảnh: Ngọc Tú

Theo truyền thống, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức rộng khắp xứ Đoài. Năm nay, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh 2024 được tổ chức với nhiều nội dung mới, ngoài phần lễ khai hội sẽ kết hợp với khai mạc mùa du lịch huyện Ba Vì. Cụ thể, huyện Ba Vì bố trí các gian hàng chợ quê để giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của địa phương. Cùng với đó, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch của huyện như: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch nông nghiệp, nông thôn và cộng đồng.

Năm 2023, ngành thương mại, dịch vụ, du lịch đạt 12.320 tỷ đồng, bằng 101,5% kế hoạch, bằng 106,6% so với năm 2022; Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 67,5 triệu đồng/người/năm (tăng 21,4% so với năm 2022). Vì thế, huyện Ba Vì xác định du lịch là mũi nhọn, dự kiến từ nay đến năm 2025, tỷ trọng dịch vụ - du lịch sẽ đạt 55 - 60% trong cơ cấu kinh tế huyện.

“Chủ trương của huyện Ba Vì là tổ chức chuỗi hoạt động đảm bảo đúng nghi thức truyền thống, trang trọng, tiết kiệm. Trong đó, kiên quyết không đưa vào lễ hội những trò chơi dân gian có thể bị biến tướng thành hình thức cá cược như chọi gà, phi tiêu đổi thưởng... Các trò chơi tại lễ hội chủ yếu mang tính thể thao quần chúng được khuyến khích nhằm phát huy năng lực sáng tạo phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hoá tinh thần của Nhân dân. Ngoài là vùng đất cổ, không gian văn hóa đặc sắc riêng, Ba Vì được biết đến là tiềm lực phát triển về du lịch, đây sẽ là nền tảng để huyện hướng đến sự phát triển bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế” -  Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết.

 

Tại huyện Ba Vì có nhiều khu danh thắng, nghỉ dưỡng điển hình, như: Khoang Xanh - Suối Tiên, Ao Vua, Thiên Sơn - Suối Ngà, Vườn Quốc gia Ba Vì, nước khoáng nóng Thuần Mỹ, hồ Suối Hai… Các khu vực này đã từng bước hình thành tên tuổi, thương hiệu và kết nối được các sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, góp phần bước đầu về đa dạng hóa sản phẩm, loại hình du lịch.