Tổng kiểm kê, số hóa lễ hộiLâu nay, dư luận và báo chí vẫn nêu con số hơn 8.000 lễ hội đang tồn tại ở Việt Nam, tuy nhiên đây là con số được đưa ra trên cơ sở các địa phương thống kê với những phương pháp khác nhau, tiêu chí chưa rõ ràng. Bởi vậy, theo Trưởng Phòng Nếp sống văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Quốc Huy: “Việc số hóa lễ hội sẽ phục vụ hiệu quả công tác tra cứu tư liệu, tuyên truyền, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Việt Nam”.
|
Lễ hội Cổ Loa (Đông Anh) được tổ chức năm 2019. Ảnh: Lại Tấn. |
Theo đề án, 100% dữ liệu các loại hình lễ hội sẽ được số hóa bao gồm: Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Dữ liệu được số hóa đảm bảo tính xác thực của thông tin hệ thống số liệu và nội dung do các địa phương cung cấp.
Với số lượng lễ hội trong cả nước lớn, loại hình phong phú, đề án số hóa sẽ triển khai khối lượng công việc khá lớn, bao gồm: Điều tra, thống kê các loại hình lễ hội; số hóa, chuẩn hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội; xây dựng, vận hành phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu nhập số liệu điều tra, cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam và bổ sung trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ việc nhập liệu, xử lý, tổng hợp và khai thác cơ sở dữ liệu; đào tạo, tập huấn khai thác sử dụng phần mềm; duy trì, vận hành hằng năm.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết: “Đề án số hóa dữ liệu lễ hội và sau này là cổng thông tin về lễ hội Việt Nam không chỉ hỗ trợ thống nhất quản lý, mà còn nâng cao hiệu quả khai thác tư liệu. Kho tư liệu lễ hội này góp phần không nhỏ quảng bá, phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc”.
Chuyển đổi di sản sốTheo Bộ VHTT&DL, đề án sau khi hoàn thiện sẽ chuyển đổi phương thức quản lý dữ liệu lưu trữ truyền thống sang quản lý, lưu trữ điện tử, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về hoạt động lễ hội trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, một thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết: Lễ hội – di sản văn hóa phi vật thể luôn bổ sung, tái tạo các lớp văn hóa. Vì vậy, trong quá trình phục dựng, tu bổ hay tái tạo các lễ hội, các dữ liệu số hóa về lễ hội sẽ là căn cứ khoa học để các tổ chức, cá nhân có thể làm căn cứ, nghiên cứu để triển khai.
|
Lễ hội La Phù được tổ chức năm 2019. Ảnh: Lại Tấn. |
Bên cạnh đó, việc số hóa lễ hội sẽ tạo ra nhiều giá trị về vật chất và tinh thần. Bởi, khi kết hợp các dữ liệu số hóa với hoạt động bảo tàng, phim ảnh, nghệ thuật, hội họa… chúng ta có thể truyền tải các thông điệp văn hóa đến công chúng, làm gia tăng giá trị về di sản.
Tuy nhiên, theo thành viên viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, để các dữ liệu số hóa về lễ hội đạt chất lượng, cần đảm bảo 4 yêu tố. Đầu tiên, do lễ hội – di sản văn hóa phi vật thể được lưu trữ bằng ký ức, trí nhớ, các hoạt động của chủ thể - cộng đồng và nghệ nhân nên khi số hóa cần phải tập trung khai thác những nhân tố đó. Bên cạnh đó, quá trình số hóa lễ hội cần tiếp nhận các đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về lễ hội. Từ đó chắt lọc các thông tin, kiến thức, thông điệp văn hóa, lịch sử cốt lõi. Ngoài ra, 2 yếu tố nữa không thể thiếu là con người ứng dụng, số hóa những tài liệu, kiến thức được cung cấp và nền tảng công nghệ để ứng dụng số hóa. 4 yếu tố này không có yếu tố nào quan trọng hơn, cần phải được kết hợp nhuần nhuyễn để tạo thành nền tảng số hóa chất lượng, khoa học, có khả năng lan tỏa.