Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ các khu chung cư lạm quyền: Lỏng lẻo từ... chọn đầu vào

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Nội bất xuất, ngoại bất nhập” từng được ví như thương hiệu nhận diện của nhiều khu đô thị, chung cư cao cấp từ Bắc chí Nam. Nghịch lý ở chỗ, ưu điểm trên lại ngày càng bộc lộ dấu hiệu hạn chế trong mối quan hệ giữa bảo vệ và cư dân.

 Hình ảnh bác sĩ xuống xe cứu thương khi xe không qua được barie tại chung cư Home City, Cầu Giấy (Ảnh cắt từ clip).

Cứng nhắc, trộm cắp và… con buôn
Những ngày đầu tháng 9 vừa qua, hình ảnh chiếc xe cứu thương “án binh bất động” trước barie chung cư Home City (Cầu Giấy, Hà Nội) gây bão trên các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông. Lúc này, nội dung được truyền tay đại khái đến từ sự tắc trách của tổ bảo vệ trực, thiếu chuyên nghiệp về nghiệp vụ, gây nên chậm trễ trong việc cấp cứu cư dân – việc làm được tính bằng giây. Sự thật về sau được làm rõ, nạn nhân đã qua đời vào 6 giờ 15 phút, trong khi xe cấp cứu của bệnh viện có mặt tại chung cư lúc 6 giờ 51 phút.
Dù cách thức xử lý cứng nhắc của bảo vệ gác chốt barie không ảnh hưởng trực tiếp tới sự nguy kịch của nạn nhân song vẫn gây bức xúc trong dư luận. Hàng loạt câu hỏi dồn dập được đặt ra: “Giả định xảy ra trường hợp tương tự, với quy trình làm việc này, mạng người có lại “ngàn cân treo sợi tóc”?; “Ngoài đường xe cứu hỏa, xe cấp cứu được ưu tiên tối đa 100%, tại sao di chuyển vào khu đô thị, chung cư vẫn phải… chờ xin cấp trên?...”.
Động thái kiểm điểm sâu sắc cách làm việc của đội ngũ bảo vệ, phổ biến lại nội quy xử lý các tình huống khẩn cấp trong toàn bộ hệ thống và chấm dứt hợp đồng với nhân viên trực barie từ phía chủ đầu tư được đánh giá khá nhanh nhạy. Tuy nhiên, căng thẳng đến nay vẫn âm ỉ cháy.
Sự việc trên khiến không ít người dân đang sinh sống tại các khu chung cư giật mình. Vẫn còn nguyên tính thời sự, chị L. cư dân chung cư cao cấp Estella (phường An Phú, quận 2, TP Hồ Chí Minh) chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ việc căn hộ bị trộm đột nhập. Vào trung tuần tháng 4/2018, trong khi kiểm tra phòng ngủ, chị L. phát hiện mất nhẫn kim cương, đồng hồ và 200 đô Singapore, tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng.
Được đánh giá là một trong những sản phẩm bất động sản có độ an toàn khá nghiêm ngặt, cộng đồng dân chung cư lúc này tá hoả khi kẻ trộm lại chính là… nhân viên bảo vệ. Lợi dụng sự tin tưởng của chủ hộ khi chuyển đồ đạc, tên này đã ghi nhớ mật khẩu và thực hiện hành vi đột nhập căn hộ trót lọt.
 Chốt bảo vệ chung cư Home City (phường Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) nơi xảy ra việc chặn xe cấp cứu. Ảnh: Phạm Hùng.

“Với cư dân, bảo vệ chung cư là những người trông coi tài sản, giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực nên hầu như không bao giờ có ý nghĩ đề phòng họ, cũng ít khi kiểm tra lý lịch, giấy tờ tùy thân. Bởi, tin tưởng đầu vào đã được chủ đầu tư, ban quản lý kiểm định rõ. Nhưng, chỉ một phút nổi lòng tham, không ai đoán trước được điều gì. Nay là trộm cắp, ai dám chắc không có sự vụ gì kinh hoàng hơn” – chị L. thở dài.
Trong khi đó, cư dân tại chung cư New Horizon City (87 Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) từng đặt biệt danh “con buôn” cho đội ngũ bảo vệ khi liên tục bị vòi tiền “bo” trong quá trình hoàn thiện căn hộ. Trường hợp cư dân không có kinh phí bồi dưỡng, rất khó được sử dụng thang máy để vận chuyển hàng hóa, thiết bị lên căn hộ của mình.
Đỉnh điểm của sự việc là nhân viên bảo vệ tên Linh, sau khi bị cho nghỉ việc đã quay lại đánh người tố cáo đến mức phải nhập viện. Được biết, trước đó ở đây cũng đã từng xảy ra một vụ hành hung khác.
Siết chặt việc kiểm tra, cấp phép

Lý giải về tình trạng đáng lo ngại này, chuyên gia bất động sản Nguyễn Minh thẳng thắn cho rằng, do một bộ phận DN hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ chưa đầu tư nhiều để nghiên cứu thực hiện văn bản pháp luật quy định. Kéo theo quá trình thực hiện chưa đồng bộ.
Đã đến lúc cần báo động tình trạng thiếu chuyên nghiệp của các DN cung cấp dịch vụ bảo vệ chung cư. Khi xảy ra các sự cố (mất mát tài sản, hành xử thô lỗ, nghiệp vụ kiểm soát an ninh yếu kém…) nếu lỗi do nhân viên bảo vệ, đơn vị cung cấp dịch vụ phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Song song, chủ đầu tư, ban quản lý cũng cần có động thái quyết liệt dừng hợp đồng với các đơn vị trên nếu còn tái phạm. Các công ty bảo vệ muốn tồn tại bền vững phải thực hiện các cam kết chất lượng cao với cư dân chứ không chỉ thực hiện các quy định tối thiểu của pháp luật.

Chuyên gia bất động sản Nguyễn Thành Tiến
Công tác tuyển dụng thiếu quan tâm đến trình độ học vấn, có trường hợp tuyển dụng tiêu chuẩn học vấn rất thấp, thậm chí còn trà trộn một số cá nhân có tiền án tiền sự, nhân thân không rõ ràng. Rồi việc đào tạo nghiệp vụ bảo vệ, kiến thức pháp luật, giáo dục đạo đức cho nhân viên cũng chưa đầu tư đúng mức.
Trong khi đó, các DN bất động sản, thời điểm lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ trên cũng “lỏng lẻo” kiểm tra đầu vào. Từ đây, dẫn đến một số trường hợp nhân viên bảo vệ có lời lẽ, cử chỉ thiếu lịch sự, thậm chí hành xử côn đồ… làm xấu hình ảnh nhân viên bảo vệ đã đành, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của chủ đầu tư.
Ông Minh lấy dẫn chứng, tại các khu đô thị mang thương hiệu Vingroup, câu chuyện nhân viên an ninh, bảo vệ kiểm định chặt chẽ vô cùng. Chỉ cần có sự phản ánh từ cư dân vào số hotline về nhân viên ABC liên quan tới việc XYZ, ban quản lý nhanh chóng thiết lập trình tự “thép”:
Giải trình, cảnh cáo, kiểm điểm, hạ bậc lương. Quá bán, buộc nghỉ việc ngay lập tức. Mọi sự so sánh đều khập khiễng song đội ngũ bảo vệ tại đây đúng chất “gọi dạ, bảo vâng” và rất linh hoạt trong các tình huống khẩn cấp cần kỹ năng xử lý.
 Khu đô thị Vinhomes Times City - một trong những chung cư thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh: Hải Linh

Ở góc nhìn chuyên môn, đại diện Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội phân tích, loại hình kinh doanh dịch vụ bảo vệ phát triển với số lượng nhanh dẫn đến mất cân đối về cung - cầu nên không loại trừ hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các DN. Sắp tới, sẽ siết chặt vấn đề chất lượng đào tạo hơn bằng cách yêu cầu tất cả nhân viên bảo vệ phải có chứng nhận đào tạo nghiệp vụ bảo vệ do các trường công an Nhân dân cấp.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh theo chức năng quản lý. Qua đó hướng dẫn, nhắc nhở các DN khắc phục những tồn tại, thiếu sót. Đồng thời, tái kiểm tra đối với những cơ sở đã qua kiểm tra có vi phạm nhằm đánh giá mức độ khắc phục, cần thiết thì đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép theo quy định” – vị này nhấn mạnh.

Nhiều chung cư cao cấp khi vừa đi vào hoạt động, chưa có ban quản trị, chủ đầu tư đứng ra chỉ định thuê ban quản lý. Tuy nhiên, không ít đơn vị quản lý, vận hành chính là công ty con của chủ đầu tư. Sự móc nối giữa chủ đầu tư – ban quản lý – DN cung cấp dịch vụ bảo vệ để trục lợi hoàn toàn có thể xảy ra. Không ít chủ đầu tư, để tiết giảm kinh phí cũng qua loa trong khâu chọn DN bảo vệ.

Để cắt khớp nối mắt xích này, phải nhanh chóng yêu cầu thành lập ban quản trị để chủ động thuê đơn vị có uy tín hơn, đảm bảo chất lượng sống và an ninh tốt hơn.

Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường