Phát biểu tại lễ phát động, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường Tạ Việt Anh cho biết, cuộc thi viết về cây di sản Việt Nam là một hoạt động có ý nghĩa nhằm cổ vũ, tuyên truyền ý thức giữ gìn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và hướng đến kỷ niệm 15 năm hoạt động bảo tồn, vinh danh Cây Di sản Việt Nam (2010 - 2025).
Thông qua cuộc thi, Ban Tổ chức muốn truyền đạt thông điệp về bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường với mục tiêu nâng cao vai trò, nhận thức của cộng đồng về vai trò, giá trị của cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học đối với sự sống con người. Đồng thời, đây cũng là dịp để những người tham gia có cơ hội tìm hiểu về sự hình thành, phát triển của các loài cây cổ thụ gắn với đời sống người dân bản địa
Đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, Phó Chủ tịch Hội, TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết, sự kiện bảo tồn cây di sản là sự kiện có ý nghĩa rất lớn không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới. “Năm nay kỷ niệm 15 năm ngày sự kiện bảo vệ cây di sản Việt Nam ra đời. Đây là sự kiện chưa từng có ở Việt Nam” – TSKH Đặng Huy Huỳnh nói.
Dẫn kết quả nghiên cứu của Quỹ Ford (tổ chức tư nhân toàn cầu vì mục tiêu thúc đẩy phúc lợi xã hội), TSKH Đặng Huy Huỳnh phân tích, hiện nay thế giới, biến đổi khí hậu đang ngày một lớn, môi trường cũng bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng khiến cho sức khỏe con người ảnh hưởng cùng nhiều hệ lụy về sinh thái khác. Tuy nhiên, các quốc gia hầu như chưa chú ý đến vai trò, tầm quan trọng và giá trị của những cây cổ thủ nằm rải rác ở các vùng miền.
Bảo tồn Cây Di sản không chỉ góp phần giáo dục cho cộng đồng biết trân quý những giá trị lịch sử, mà còn là bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Chính vì vậy, cuộc thi sẽ góp phần phát huy tinh thần trách nhiệm, chung tay gìn giữ, bảo tồn, chăm sóc Cây Di sản và xây dựng không gian sống xanh - sạch - đẹp - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Ngọc Sinh
“Những cây này có giá trị nhiều mặt trong bảo tồn gen và đa dạn sinh học; phát huy giá trị văn hóa lịch sử các vùng đất có. Trên thế giới hiện nay có rất nhiều cây cổ thụ, trong đó có những cây hàng ngàn năm tuổi nhưng chưa có kế hoạch bảo vệ” – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường nói và nhấn mạnh, việc bảo tồn cây di sản như Việt Nam đã và đang thực hiện không chỉ giúp mọi người biết hưởng thụ, biết tận hưởng giá trị của cây di sản mà còn là một hành động thiết thực để chúng ta thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ.
“Bác từng răn dạy chúng ta rằng, Rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”. Việc bảo vệ cây di sản như cách chúng ta đang làm cũng chính là một hành động cụ thể để chúng ta làm theo dời dạy của Bác” – TSKH Đặng Huỳnh nói với giọng xúc động.
Thể lệ cuộc thi viết về cây di sản Việt Nam năm 2024:
Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi: Từ 15/3/2024 đến hết 30/9/2024. (thời gian tính theo dấu Bưu điện với bản cứng hoặc thời điểm gửi thư điện tử với bản mềm)
Địa chỉ gửi tác phẩm dự thi: Tác phẩm dự thi được gửi đến Ban tổ chức đồng thời theo 2 địa chỉ: Qua đường chuyển phát nhanh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường (Tầng 2, số 348 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội); Qua hòm thư điện tử: caydisanvietnam@gmail.com
Cơ cấu giải thưởng: Cuộc thi năm nay sẽ cơ cấu gồm 23 giải, trong đó 1 giải đặc biệt trị giá 20.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải; 2 giải A trị giá 10.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải; 5 giải B trị giá 5.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải; 15 Giải C trị giá 2.000.000 đồng, kèm Giấy xác nhận đạt giải.