Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ môi trường và Phòng, chống thiên tai: Phát triển hôm nay phải tính cho thế hệ mai sau

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã nhấn mạnh thông điệp trên khi phát biểu tại Hội nghị Phòng, chống thiên tai (PCTT) khu vực miền núi phía Bắc năm 2021, tổ chức ngày 27/4.

Vì sao miền núi phía Bắc “dễ tổn thương”?
Năm 2020, thiên tai tại các tỉnh, TP miền núi phía Bắc diễn ra hết sức cực đoan, dị thường. Trong năm, khu vực đã xảy ra 13/21 loại hình thiên tai, trong đó có 109 trận dông, lốc, sét kèm mưa đá; 56 trận mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; 2 đợt rét đậm, rét hại; 74 trận động đất và dư chấn… Các loại hình thiên tai đã khiến 56 người chết và mất tích; 1.693 nhà dân bị sập, đổ; 56.214 ngôi nhà hư hỏng, tốc mái…Tổng thiệt hại về kinh tế ước khoảng 1.300 tỷ đồng.
Những tháng đầu năm 2021, thiên tai tại khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, dù chưa bước vào mùa mưa, song tại một số địa phương đã xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khiến 3 người chết, 320 nhà dân bị thiệt hại. Các chuyên gia khí tượng – thuỷ văn nhận định, đây là điều hiếm gặp, báo hiệu một năm thiên tai khó lường trong khu vực.
 Mưa lớn gây ngập úng trên đại lộ Thăng Long, Hà Nội ngày 17/4 vừa qua.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tiến đánh giá, khu vực miền núi phía Bắc có nhiều đặc điểm dễ khiến thiên tai xảy ra. Cụ thể, các tỉnh hầu hết có địa hình chia cắt, phổ biến là núi cao, độ dốc lớn. Địa chất phức tạp, nhiều sông, suối và công trình hồ, đập. Không chỉ vậy, đây còn là khu vực có lượng mưa lớn nhất cả nước, thường xuyên gây ra tai biến địa chất kèm theo lũ quét, sạt lở đất.

Đại diện một số địa phương miền núi phía Bắc cũng cho rằng, cơ sở hạ tầng nói chung và phục vụ công tác PCTT trong khu vực còn kém phát triển; khả năng chống chịu hạn chế, dễ bị tổn thương. Đây cũng là khu vực có tốc độ gia tăng dân số nhanh. Sinh kế của người dân chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp ven các sông suối và sườn đất dốc. Thiệt hại do tác động thiên tai có thể gây ra bởi vậy rất lớn.

Lo cho thế hệ nào cũng đều rất quan trọng

Thông tin tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm nhận định, bão và áp thấp nhiệt đới có thể ảnh hưởng đến các tỉnh, TP khu vực phía Bắc từ khoảng tháng 8 – 9/2021. Đáng chú ý, mưa lớn cục bộ có thể xảy ra trong thời đoạn ngắn. Các đợt lũ vừa, lũ lớn tại khu vực sẽ tập trung trong các tháng 8 – 9/2021. Kéo theo đó nguy cơ lũ quét, sạt lở đất nhiều khả năng xuất hiện sớm tại khu vực Tây Bắc.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cho rằng, thiên tai hiện nay có thể định nghĩa bằng 4 thuật ngữ: Biến động – bất định – phức tạp – mơ hồ. Chính vì vậy, tinh thần chung trong công tác PCTT là không được phép chủ quan; sẵn sàng cao nhất trong mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh thông điệp: Không lấy môi trường để đánh đổi sự phát triển bởi đôi khi lợi ích trước mắt sẽ khó có thể bù đắp được thiệt hại lâu dài của tương lai.
Cho rằng nhiều địa phương vẫn chênh vênh giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ quan điểm: “Chúng ta lo ăn, lo mặc cho thế hệ hôm nay nhưng vẫn phải suy tính cho cả thế hệ mai sau”. Để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các bộ, ngành, địa phương khu vực miền núi phía Bắc sớm kiện toàn bộ máy PCTT các cấp. Kiểm tra, rà soát phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện kinh tế của địa phương.

Cùng với đó, củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng xung kích PCTT. Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương cho công tác PCTT, nhất là các hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đồng thời, lồng ghép các nội dung PCTT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương năm 2021, cũng như giai đoạn tiếp theo.