Bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa Thủ đô trước áp lực đô thị hóa
Kinhtedothi – Việc xây dựng một danh mục tổng hợp, hệ thống, khoa học về các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội là yêu cầu cấp thiết trước áp lực của quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng.
Xác định rõ hệ thống di tích, di sản
Tại Kỳ họp chuyên đề (Kỳ họp thứ 22) ngày 29/4 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết ban hành danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử; danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn TP Hà Nội.

Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám dịp 30/4 - 1/5.
Theo Nghị quyết, về di sản văn hóa vật thể, danh mục di tích tiêu biểu do UBND TP Hà Nội quản lý gồm 10 di tích: Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Di tích tưởng niệm Bác Hồ tại Vạn Phúc; Di tích Nhà tù Hỏa Lò; Di tích 48 Hàng Ngang; Di tích số 5 Hàm Long; Di tích 90 Thợ Nhuộm; Cụm di tích hồ Hoàn Kiếm - đền Ngọc Sơn - tượng đài Vua Lê; Di tích đền Bà Kiệu và Khu di tích Cổ Loa.
Danh mục di tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt gồm 22 di tích, trong đó tiêu biểu như: Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Chèm; Di tích lịch sử Gò Đống Đa; Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Di tích kiến trúc nghệ thuật đền - chùa - đình Hai Bà Trưng; Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Thăng Long tứ trấn (đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Quán Thánh, đền Kim Liên); Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Đại Phùng…
Cùng với đó, Nghị quyết cũng xác định danh mục các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia gồm 1.164 di tích. Danh mục các di tích đã được xếp hạng cấp TP, gồm 1.600 di tích; danh mục di tích cách mạng kháng chiến đã được xếp hạng gồm 46 di tích; danh mục địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến, gồm 354 điểm; danh mục bảo vật quốc gia đã được công nhận gồm 34 bảo vật.
Về di sản văn hóa phi vật thể, theo Nghị quyết, danh mục di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ghi danh gồm 6 di sản: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội; Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt; Hát ca trù; Bia đề danh tiến sĩ các khoa thi triều Lê Mạc (1442 - 1779) Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Danh mục di sản văn hóa được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm 42 di sản; danh mục làng nghề, làng nghề truyền thống và nghề truyền thống tiêu biểu Hà Nội, gồm 182 làng nghề, 54 làng nghề truyền thống, 7 nghề truyền thống.
Nghị quyết cũng ban hành danh mục các ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, trong đó các tuyến phố trong khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp I, gồm: 21 tuyến phố; các tuyến phố trong khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp II, gồm: 40 tuyến phố.
Danh mục các công trình khác có giá trị kiến trúc gồm: danh mục công trình kiến trúc nhà truyền thống, nhà cổ, nhà phố trong khu phố cổ Hà Nội với 209 công trình có giá trị đặc biệt và 318 công trình có giá trị đáng chú ý.
Hiện thực hóa Luật Thủ đô 2024
Theo HĐND TP Hà Nội, việc ban hành danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn TP Hà Nội (đợt 1) nhằm triển khai thực hiện Luật Thủ đô 2024.
Cụ thể, khoản 3 Điều 21 của Luật Thủ đô năm 2024 quy định, các khu vực, di tích, di sản, công trình được tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa. Khoản 4 Điều 21 của Luật Thủ đô năm 2024 quy định, HĐND TP ban hành danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa quy định tại khoản 3 Điều này; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị; quy định việc lập hồ sơ quản lý công trình kiến trúc có giá trị, việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức cải tạo, bảo vệ khu vực, công trình kiến trúc có giá trị có nhiều chủ sở hữu.

Hội diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Giải trình thêm về việc ban hành Nghị quyết, lãnh đạo UBND TP cho biết, Hà Nội là Thủ đô, trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế của đất nước, đồng thời là nơi chứa đựng số lượng lớn các di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo với hơn một ngàn năm lịch sử. Tuy nhiên, trước áp lực của quá trình đô thị hóa nhanh chóng và các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhiều di sản, di tích, công trình kiến trúc có giá trị đang bị xuống cấp, thậm chí có nguy cơ mất đi.
Ý thức được các vấn đề nói trên, trong suốt thời gian qua, căn cứ quy định của pháp luật, TP đã ban hành nhiều danh mục di sản, di tích, các công trình kiến trúc có giá trị có tính pháp lý tại các Nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND TP cũng như tiếp nhận các quyết định xếp hạng di tích, di sản cấp quốc gia để bảo vệ và phát huy. Tuy nhiên, các danh mục vẫn còn phân tán, không có danh mục tổng hợp cụ thể, nhiều danh mục chưa công bố công khai, khó tra cứu và thiếu tính hệ thống. Việc Luật Thủ đô năm 2024 được ban hành trong đó quy định HĐND TP ban hành danh mục quy định tại khoản 3, 4 Điều 21 là một trong những định hướng phù hợp trong việc hệ thống, nhất thể hóa danh mục.
“Việc HĐND TP ban hành Nghị quyết quy định danh mục di tích, di sản không chỉ là một trong các biện pháp bảo tồn các di sản có giá trị của TP mà còn là nền tảng để phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng” – lãnh đạo UBND TP nhận định.
Theo Nghị quyết, nguồn lực cho việc thi hành Nghị quyết được bảo đảm từ các hoạt động vận hành, khai thác du lịch của các khu vực di tích, di sản, các ô phố, tuyến phố đặc trưng, công trình kiến trúc có giá trị thuộc danh mục và nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn quỹ tài trợ, xã hội hóa và các nguồn vốn khác.
Theo GS.TS Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Luật Thủ đô 2024 và Quy hoạch Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt cùng với những Nghị quyết, chủ trương, chính sách của T.Ư cũng như Hà Nội là tiền đề vô cùng quan trọng cho sự phát triển văn hóa của Hà Nội. Đó là kim chỉ nam dẫn dắt sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội cũng như mọi lĩnh vực khác của Hà Nội.
“Trong bối cảnh mới, di tích lịch sử, văn hóa không chỉ còn thuần túy là những bảo tàng cố định, mà là những địa điểm tham quan, trải nghiệm về lịch sử, văn hóa được khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau. Thực tế cho thấy, những di tích như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, đền Cổ Loa và nhiều di tích khác thời gian qua đã không dừng lại ở chuyện thăm viếng, học hỏi, mà đã là những không gian văn hóa rất phong phú. Tại đây có thể tổ chức những sự kiện, những thực hành văn hóa với nhiều màu sắc khác nhau như triển lãm, thời trang, thư pháp, trình diễn nghệ thuật... Đây sẽ là xu thế mạnh mẽ của văn hóa Hà Nội trong tương lai cần được chú trọng” - GS.TS Lê Hồng Lý nhấn mạnh.
Còn theo TS Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Thăng Long - Hà Nội với hàng ngàn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị cần được bảo tồn nhưng điều kiện vật chất và năng lực không cho phép triển khai đồng loạt cùng một lúc hàng ngàn di sản. Việc triển khai cái nào trước, cái nào sau không thể không kiểm đếm, đánh giá. Kiểm đếm, sắp xếp một cách khoa học sẽ giúp phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa nhằm phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản các di tích thờ Linh Lang Đại Vương
Kinhtedothi - Tại buổi tọa đàm “Di sản văn hóa phi vật thể các di tích thờ Linh Lang Đại Vương, bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ định hướng phát triển công nghiệp văn hóa” do UBND quận Long Biên tổ chức ngày 9/4, các chuyên gia văn hóa đều khẳng định vai trò của di sản văn hóa trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương.

Huy động các nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
Kinhtedothi - Ngày 18/4, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo giải pháp tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa và khu phát triển thương mại và văn hóa. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo.

Hoàn thiện quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
Kinhtedothi – Bộ VHTT&DL đã chủ động rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành.