Bảo vệ thương hiệu - doanh nghiệp vẫn lơ là

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, hàng loạt thương hiệu có uy tín của Việt Nam bị doanh nghiệp (DN) nước ngoài đánh cắp, tuy nhiên, các DN trong nước vẫn chưa chú trọng việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Điều đó cho thấy, để bảo vệ thương hiệu Việt, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì chính bản thân DN phải chủ động bảo vệ.

Thương hiệu Việt bị đánh cắp công khai

Trong thời gian vừa qua, rất nhiều các thương hiệu Việt Nam đã bị DN nước ngoài đánh cắp như: Kẹo dừa Bến Tre vào năm 1998, đến năm 2001, khi Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Vinataba ở một số quốc gia, mới hay là thương hiệu này đã được Công ty Putra Satbat Industry của Indonesia đã đăng ký nhãn hiệu này ở 13 nước, trong đó có các thị trường quan trọng như: Trung Quốc, Lào và Campuchia. Mới đây nhất, thương hiệu "Cà phê Buôn Ma Thuột" và "Buôn Ma Thuột cà phê 1896" đều bị Công ty TNHH cà phê Quảng Châu - Buôn Ma Thuột (Trung Quốc) đăng ký bảo hộ trong vòng 10 năm tại thị trường Trung Quốc. Việc mất thương hiệu đồng nghĩa với việc mất thị trường tiêu thụ sản phẩm. Rất may sau khi bị DN Việt Nam khởi kiện, DN Trung Quốc đã phải trả lại thương hiệu này cho DN Việt Nam.

 
Kẹo dừa Bến Tre - một trong những thương hiệu bị doanh nghiệp nước ngoài đánh cắp.            Ảnh: hoài nam
Kẹo dừa Bến Tre - một trong những thương hiệu bị doanh nghiệp nước ngoài đánh cắp. Ảnh: Hoài Nam.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù đã có nhiều DN bị đánh cắp thương hiệu, song việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài vẫn chưa được DN Việt Nam quan tâm đúng mức. Có tình trạng này là do hầu hết các DN Việt Nam chưa chú trọng tới việc đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm của mình trước khi tung ra thị trường quốc tế. Tình trạng chạy theo doanh số, lợi nhuận mặc dù đã nhiều lần cảnh báo nhưng nhiều DN vẫn không ý thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài hoặc nghĩ rằng mình chưa đủ lực để phát triển thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam có nhiều hạn chế trong việc tìm kiếm các đối tác nước ngoài cũng là nguyên nhân khiến thương hiệu Việt bị đánh cắp.

TS Nguyễn Quốc Thịnh (Đại học Thương mại) than phiền: Hầu hết các DN chỉ tiếp cận vấn đề bảo vệ thương hiệu theo nghĩa thông thường là đăng ký hoặc xác lập quyền cho nhãn hiệu của mình chứ không sử dụng thương hiệu như một công cụ tiếp thị sản phẩm. Điều này đã giảm khả năng cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam.

Doanh nghiệp là yếu tố quyết định

Việc bảo vệ thương hiệu Việt khỏi bị DN nước ngoài đánh cắp không phải là trách nhiệm của một cá nhân, tập thể nhất định mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, đặc biệt là DN.

Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu Việt phải bắt đầu từ chính DN bởi DN là lực lượng chủ chốt trong việc ngăn chặn hiện tượng mất hoặc tranh chấp thương hiệu ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không phải tất cả các DN đều có đủ thông tin và hiểu biết để có thể đảm bảo quyền sở hữu hợp pháp nhãn hiệu của mình trên thị trường thế giới, nhất là các sản phẩm có nhiều lợi thế cạnh tranh như nông sản thực phẩm. Do đó, các bộ, ngành cần quan tâm đến việc ban hành chính sách, hỗ trợ, cung cấp thông tin cũng như xây dựng hành vi tôn trọng pháp luật của DN trong hoạt động kinh doanh là điều cần thiết. Bên cạnh đó, Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thương hiệu Việt bằng cách ký kết và thực hiện các thỏa thuận, nghị định về bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương hiệu và có vai trò trong giải quyết tranh chấp trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, nỗ lực của chính bản thân các DN mới là yếu tố quyết định trong việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu Việt được công nhận trên trường quốc tế, đây là cơ sở quan trọng cho việc ngăn chặn tình trạng DN nước ngoài đánh cắp thương hiệu Việt.
 
Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là cơ sở pháp lý cho việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu và cũng là cơ sở pháp lý để DN thực hiện các cuộc xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, hay xử lý các tranh chấp về thương hiệu của chính mình.

Ông Trần Lê Hồng-Giám đốc Trung tâm Thông tin, Cục Sở hữu Trí tuệ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần