Chính vì vậy, chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” được khơi gợi trong tháng hành động vì trẻ em năm 2022 (từ 1 - 30/6) sẽ như một lời nhắc nhở để mỗi người làm cha, làm mẹ chú tâm hơn hoàn thiện các kỹ năng sống cho trẻ.
Con số thống kê của Viện Nghiên cứu Giáo dục cho thấy 83% số học sinh Việt Nam thiếu các kỹ năng mềm, bởi vậy trang bị kỹ năng sống cho giới trẻ ngày càng trở nên bức thiết hơn. Trên các diễn đàn dành cho bậc cha mẹ như webtretho, lamchame…, nhiều phụ huynh chia sẻ những câu chuyện dở khóc dở cười về con mình, như: Dù đã học đến lớp 8 nhưng con chị M.A vẫn chưa thể ở nhà một mình vì chưa được dạy kỹ năng không mở cửa cho người lạ vào nhà. Hay bé gái nhà chị T.L đã bước vào tuổi 18 nhưng bước ra khỏi nhà, kể cả đi thang máy chung cư xuống siêu thị tầng 1 mua đồ cũng phải có người lớn đi cùng vì gia đình lo ngại bé chưa biết bảo vệ mình trước tình huống xấu…
Nhiều bình luận cho rằng nếu như vậy bố mẹ cần bao bọc con trong vòng tay mình suốt cả cuộc đời. Có bình luận khác lại thẳng thắn đề nghị bố mẹ, thầy cô nên chú tâm hơn đến việc hoàn thiện các kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng chống xâm hại, bạo lực để trẻ có thể bảo vệ bản thân trước tình huống xấu.
Trong xã hội hiện đại đầy tất bật và lo toan, áp lực từ công việc, đối nội, đối ngoại khiến thời gian bố mẹ dành cho con ngày càng ít, thời gian kèm cặp và giáo dục con lại càng ít hơn.
Tương tự, nhà trường do áp lực và gánh nặng về chỉ tiêu giảng dạy các môn văn hóa nên vẫn còn thiếu quan tâm và chưa đầu tư đúng mức đối với việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Trong khi để giảm thiểu nguy cơ cho con cái, bố mẹ cần dạy con cách phòng, chống xâm hại qua các kỹ năng cơ bản. Sự đề cao cảnh giác và trách nhiệm của mỗi gia đình chính là điều quan trọng nhất nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các vấn nạn xâm hại, bạo lực trẻ em.
Trẻ em Việt Nam được biết đến là thông minh, học giỏi. Tuy nhiên xét với một bộ phận không nhỏ trẻ em hiện nay, ngoài điểm số cao, kiến thức về cuộc sống xung quanh của các em hầu như không có. Có những em đến độ tuổi đi học, mà ngay những hoạt động thường nhật như tự mặc quần áo, buộc dây giày chuẩn bị đồ dùng học tập, nấu đồ ăn sáng… vẫn chưa tự làm được. Bên cạnh đó, nếu xét thêm những kỹ năng liên quan đến sinh tồn, giao tiếp, ứng xử, đạo đức, dường như trẻ em Việt Nam còn phải chạy dài theo sau bạn bè cùng trang lứa ở nhiều nước khác.
Theo nhiều nghiên cứu, giai đoạn giáo dục trẻ về hành vi, cảnh giác với những vấn đề nguy hiểm thích hợp nhất là những năm đầu đời, khi đó trẻ dễ tiếp thu, dễ uốn nắn. Vì vậy, dạy con các kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt.