Bất an tình trạng sống chung với rác thải vùng ven biển Quảng Ngãi

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi chưa có giải pháp căn cơ để xóa bỏ tình trạng rác thải vùng ven biển, người dân vẫn phải sống chung với ô nhiễm cùng nhiều nỗi lo thường trực về sức khỏe và môi trường.

Rác thải ùn ứ, chất đống

Xã Bình Đông (huyện Bình Sơn) và xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) là 2 địa phương ven biển, nằm ở khu vực hạ lưu các con sông, cũng chính là những nơi "gánh" lượng rác thải khổng lồ từ các nơi đổ về, nhất là sau mỗi đợt triều cường, mưa bão.

Rác thải đóng thành lớp dày trên bờ biển ở khu vực thôn Sơn Trà, xã Bình Đông.
Rác thải đóng thành lớp dày trên bờ biển ở khu vực thôn Sơn Trà, xã Bình Đông.

Bãi biển thôn Sơn Trà (xã Bình Đông) có cảnh quan rất đẹp, thơ mộng. Thế nhưng, nhiều năm nay, khu vực này lại tràn ngập rác thải, chủ yếu là rác thải nhựa. La liệt từ trên bờ xuống dưới mặt nước là túi nilon, chai lọ, ly nhựa… Rác nhiều đến nỗi có khu vực chất thành đống, bốc mùi hôi thối khó chịu.

Trên nhiều tuyến đường, bờ biển ở khu dân cư, rác thải cũng ngập ngụa khắp nơi. Mỗi khi gió thổi, rác bay tứ tung trên bờ, xuống biển. “Mùa khô thì ruồi muỗi, hôi thối, mùa mưa thì nước tràn cả lên đường, vào sân nhà… Đâu đâu cũng thấy rác” - bà Phạm Thị Hân (thôn Sơn Trà) than thở. 

Theo người dân địa phương, hàng năm rác từ thượng nguồn đổ về biển, sóng biển lại đánh dạt rác lên bờ, lâu ngày tích tụ lại thành đống ngập cả lối đi của bà con. Bên cạnh đó, một hộ dân ở khu vực này có lò mổ, xả nước thải ra môi trường, làm cho tình trạng ô nhiễm càng thêm nặng nề.

Trẻ em vui chơi trên khu vực bờ biển ngập rác ở thôn Sơn Trà.
Trẻ em vui chơi trên khu vực bờ biển ngập rác ở thôn Sơn Trà.

“Rác đổ về hết năm này qua năm nọ, đóng thành từng lớp, chồng lên nhau. Ở đây nhiều muỗi, ruồi dễ gây dịch bệnh lắm! Mỗi lần ra thúng ngồi làm chài lưới ở bến này tôi chịu không nổi mùi hôi thối…” - ông Nguyễn Nhân (thôn Sơn Trà) ngán ngẩm.

Trong khi đó, tại thôn An Vĩnh (xã Tịnh Kỳ), khu vực bờ biển kéo dài hơn nửa km cũng ngập ngụa trong các loại rác thải, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây gặp không ít phiền toái.

Rác thải ở bờ biển xã tịnh Kỳ.
Rác thải ở bờ biển xã tịnh Kỳ.

Được biết, gần đây, chính quyền và một số đơn vị đã tiến hành thu gom, dọn dẹp, xử lý hàng trăm kg rác thải nhưng rồi đâu vẫn vào đấy, rác thải lại ùn ứ, chất đống chỉ sau thời gian ngắn. 

Cần giải pháp căn cơ

Được biết, tình trạng rác thải ứ đọng dọc bờ biển các xã trên đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp nào căn cơ để xử lý triệt để, dứt điểm. Người dân dù đã tiến hành thu gom và đốt rác để "giảm tải", song cũng không mang lại hiệu quả.

Người dân thu gom và đốt rác để "giảm tải".
Người dân thu gom và đốt rác để "giảm tải".

“Có nhiều đoàn viên thanh niên tình nguyện về đây dọn rác, người dân cũng chung tay làm sạch môi trường, nhưng vài ngày thì đâu lại vào đó, cứ dọn xong thì rác lại tấp vào. Chúng tôi chỉ mong nhà nước sớm có cách giải quyết triệt để" - ông Nguyễn Văn Cư - Trưởng thôn Sơn Trà bày tỏ.

Theo ông Phan Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Bình Đông, địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác, xả rác, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, nhiều lần ra quân thu gom, nhưng thực tế lượng rác khá nhiều nên khó xử lý.

"Về lâu dài, địa phương kiến nghị cơ quan chức năng để có giải pháp căn cơ giải quyết triệt để tình trạng nhiễm ở khu vực bờ biển” - ông Phan Văn Đông nói.

Bên cạnh rác thải từ các khu vực khác tấp vào, thực tế còn có tình trạng một bộ phận người dân sinh sống ở khu vực ven biển thường có thói quen đem rác xả thẳng ra biển. Đây cũng là nguyên nhân khiến ô nhiễm càng thêm trầm trọng.

Người dân mang rác thải xả thẳng xuống biển.
Người dân mang rác thải xả thẳng xuống biển.

“Rác thải gây ô nhiễm môi trường, trước hết là trách nhiệm của UBND xã. Tuy vậy, đối với kinh phí của một xã không thể nào xử lý và thu gom dứt điểm được. Bởi lẽ hằng năm, rác từ các nơi từ thượng nguồn đổ xuống tấp hết vào đây” - ông Nguyễn Xí - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ trăn trở.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần