Nhiều địa phương tự dưng tăng phí tham quan danh thắng lên gấp 2 - 3 lần, làm các DN du lịch “méo mặt”. Nhiều quy định của luật còn nới lỏng đã tạo ra các khe hở để các địa phương tận thu từ tài nguyên danh thắng di tích sẵn có.
Bức xúc khi trả phí
Theo bảng giá mới được áp dụng về mức vé tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), hiện có 5 tuyến tham quan vịnh với mức vé dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/lần/người (ban ngày). Nếu nghỉ đêm trên vịnh, mức vé từ 500.000 - 750.000 đồng/lần/người... Ngoài mức vé này, mỗi người sẽ phải thêm 40.000 đồng qua bến cảng.
|
Mỗi khách tham quan khu danh thắng Tràng An bị thu 200.000 đồng, nhưng nhân công chèo thuyền nhận mức thù lao rất thấp. Ảnh: Lại Tấn |
Đầu tháng 1/2019, gia đình chị Nguyễn Minh Anh đã chọn tour 3 tiếng với các danh thắng: Động Thiên Cung - Hang Đầu Gỗ - Hòn Chó Đá - Hòn Đỉnh Hương - Hòn Gà Chọi. Với 4 người, gia đình chị Anh phải chi trả 1.160.000 đồng tiền phí tham quan và 640.000 đồng tiền phí thuyền. Chưa tính tiền ăn trên thuyền, gia đình chị Anh đã phải trả khoản phí gần 2.000.000 đồng cho tour ngắm vịnh theo kiểu thoáng qua.
Khi được hỏi tại sao gần 2 năm qua, Quảng Ninh tăng mức phí tham quan vịnh Hạ Long lên gấp đôi, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho rằng: Việc thu phí là để Quảng Ninh tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần đảm bảo công tác an ninh, an toàn cho du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Thế nhưng, trong chuyến trải nghiệm ở Hạ Long vừa qua, vì đi đoàn khách lẻ, nên gia đình chị Minh Anh phải đợi thuyền dồn khách trong vòng 1, 5 giờ đồng hồ (từ 7 giờ 30 phút sáng đến 9 giờ mới xuất phát). Tại các danh thắng, mạnh ai đó đi, nên nhiều người đi Động Thiên Cung và không biết đường sang hang Đầu Gỗ. Tại các điểm tham quan thuyền ghé qua chóng vánh.
Du khách đến tham quan danh thắng Tràng An (Ninh Bình) sẽ phải trả 200.000 đồng/khách cho cả phí tham quan hang động và phí thuyền đò. Với tour tham quan kéo dài 3 - 4 tiếng cho từng tuyến 1, 2, 3, phần lớn du khách đều cảm thấy hài lòng với mức phí phải chi trả. Tuy nhiên, câu chuyện thu phí của danh thắng Tràng An không nằm ở mức phí phải trả, mà ở mức chi trả công lao cho người lái đò khá bèo bọt.
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, mỗi nhân công lái đò có thu nhập từ 800.000 đồng đến 4.000.000 đồng/tháng (phụ thuộc vào số lượng khách). Mỗi chuyến đò, người lái đò được nhận 200.000 đồng (trong khi 1 chuyến đò DN thu được từ 1.000.000 - 1.200.000 đồng tiền phí), mỗi ngày không được chở quá 1 chuyến. Chưa kể, xếp lốt chở đò còn phụ thuộc vào nhân công của DN hay nhân công thuê theo thời vụ. Chưa công khai mức tái đầu tư nâng cấp chất lượng dịch vụ, nhưng bằng cái nhìn cảm quan, nhiều du khách cho rằng, việc thu phí danh thắng ở Tràng An vô tình tạo mối lợi cho DN.
Áp Luật cứng nhắc
Cùng với những bức xúc về tình trạng kinh doanh tín ngưỡng ở các địa điểm như chùa Hương Tích (Hà Tĩnh), Yên Tử (Quảng Ninh) thì vấn đề minh bạch thu chi và tái đầu tư từ nguồn thu phí tham quan danh thắng di tích đang thật sự là câu chuyện bức xúc trong dư luận.
Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ VHTT&DL Nguyễn Thái Bình cho rằng, việc thu phí và lệ phí lĩnh vực văn hóa thể thao du lịch đã có quy định rất rõ. Nếu công trình đó thuộc sự quản lý cấp T.Ư thì do Bộ Tài chính quy định, còn công trình cấp địa phương quản lý thì do HĐND tỉnh quyết định.
Việc thu phí tham quan danh thắng Yên Tử, hay vịnh Hạ Long thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh Quảng Ninh và mức thu theo quy định của Bộ Tài chính. Chính vì vậy, hầu hết các địa phương đều áp dụng đúng luật khi tăng phí tham quan, bằng cách thông qua Nghị quyết tại HĐND cấp tỉnh, TP.
Vẫn biết, các đơn vị đều vận dụng rất đúng các quy định của luật, nhưng vận dụng như thế nào để thấu tình đạt lý lại là thực tế hoàn toàn khác. Cụ thể, mới đây, Ban quản lý chùa bà Đanh (Hà Nam) bỗng dưng dựng quầy thu phí 30.000 đồng.
Theo người dân nơi đây, khách vãn cảnh chùa chủ yếu là người dân sống quanh di tích đến để lễ bái, thông thường mọi người vui vẻ công đức cho nhà chùa, còn việc thu phí ở một di tích quy mô nhỏ như chùa Bà Đanh thể hiện tính thương mại nhiều hơn ý nghĩa góp kinh phí bảo tồn. GS.TS Trần Lâm Biền đã nêu bài học ở Di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng - Gia Lâm (Hà Nội), khi thu phí tham quan di tích liền bị dân phản đối. Cuối cùng chính quyền và ban quản lý buộc phải bỏ quy định thu phí tham quan di tích ở đó.
“Việc thu phí nên ở một mức độ nhất định. Cái gì cũng nên dừng ở mức giới hạn cho phép. Bao giờ cũng thế, dưới giới hạn là còn mang tính đạo, còn trên giới hạn để dân kêu ca là phải xem lại bởi lúc đó không còn mang tính chất truyền thống nữa. Một khi để dân phản đối thì dễ xảy ra nhiều chuyện lắm” - GS.TS Trần Lâm Biền nói thêm.
Bài toán nằm ở sự công khai
Nhiều người dân cũng như các chuyên gia không quá phản đối việc thu phí tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Nhưng vấn đề ở chỗ, làm sao để việc thu phí này mang tính công khai, minh bạch.
Dưới góc độ nhà nghiên cứu văn hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam Trần Đình Sơn, đưa ra nhiều ích lợi từ việc thu phí đối với các di tích có bao gồm cả cơ sở tôn giáo bên trong. Theo ông, ngoài việc tạo nguồn thu để bảo tồn di tích tốt hơn, ích lợi đầu tiên của việc thu phí này là hạn chế bớt người đến di tích hương khói tơi bời, khấn vái cầu xin, bẻ lộc, để tránh gây quá tải và hư hỏng cho di tích.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý cần phải đưa ra mức phí hợp lý và phải công khai, minh bạch thu chi. Tùy từng di tích và tùy vào nguyện vọng của người dân mà các địa phương cân nhắc để quyết định có bán vé tham quan hay không. Với các di tích nhỏ quá, mức độ đầu tư của tỉnh có thể đảm bảo chi trả việc tu sửa thì không cần bán vé.
Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL Nguyễn Thái Bình bày tỏ quan điểm, việc thu phí ở một di tích nào đó nếu được đưa ra thì phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và phải phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, tái đầu tư cho di tích. Minh bạch thu chi sẽ tạo được sự đồng thuận của người dân.
Trạm thu phí di tích đang nảy sinh rất nhiều mặt trái. Nhiều nơi, tận thu phí tham quan để làm giàu cho địa phương, có nơi dựng trạm thu phí chỉ đủ chi trả cho bộ máy thu phí tại đó, không còn tiền để đầu tư hay trùng tu cho di tích và điểm đến. Đã đến lúc, cần có những quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn để khắc phục tình trạng tận thu của các địa phương từ bán vé danh thắng, di tích.
Hà Nội đang thu phí ở các điểm tham quan thắng cảnh như: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám 30.000 đồng/lượt/khách; đền Ngọc Sơn 30.000 đồng; nhà tù Hỏa Lò 30.000 đồng... Hà Nội cũng áp dụng giảm giá vé cho người khuyết tật, người già, học sinh, sinh viên. Phần lớn nguồn thu từ phí bán vé được Hà Nội tái đầu tư bảo tồn di tích, nâng cấp chất lượng dịch vụ.
"Ở một số di tích, khu du lịch tại Việt Nam như Tràng An (Ninh Bình), Vịnh Hạ Long, Yên Tử (Quảng Ninh) hay một số điểm tham quan tại Huế, việc tăng giá phí tham quan nhiều lần. Đáng nói là các điểm du lịch chỉ thông báo tăng phí 1 - 2 tháng trước khi thực hiện, trong khi chúng tôi đã ký hợp đồng với các đối tác và khách hàng từ nhiều tháng trước đó, với giá tour trọn gói. Nếu họ tăng 100.000/lượt khách thì chúng tôi hết lãi, thậm chí còn âm tiền. Theo tôi, việc tăng phí tham quan tại các khu di tích, điểm đến cần có sự vào cuộc của Bộ Tài chính, được Tổng cục Du lịch hay Bộ VHTT&DL thông qua, tránh trường hợp địa phương ỷ thế có tài nguyên du lịch nổi tiếng mà tự động tăng giá vô căn cứ. Tôi được biết, ở Thái Lan, Myanma, Trung Quốc, các khu du lịch tâm linh không thu phí mà chủ yếu hoạt động dựa vào tiền công đức. Các điểm tham quan có tăng giá vé nhưng đều có sự tính toán kỹ lưỡng và thông báo sớm trước ít nhất 3 tháng, để các DN lữ hành tính toán giá tour trước khi bán cho khách hàng, chứ không tăng đột ngột như một số nơi ở nước ta." - Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Nguyễn Tiến Đạt (Hồ Hạ ghi) |