Bất cập trong xã hội hóa ở bệnh viện

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 13/4, Đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội do Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Phạm Thị Thanh Mai làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội về tình hình mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế (TTBYT) tại các bệnh viện (BV) công lập giai đoạn 2011 – 2016.

Theo đánh giá chung, ngành y tế đã thực hiện tốt việc đấu thầu, mua sắm, quản lý, thanh lý TTBYT, nhất là công tác xã hội hóa (XXH). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một vài BV vẫn còn gặp nhiều bất cập.
Vừa lo chữa bệnh, vừa lo trả nợ
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2016, tổng kinh phí mua sắm TTBYT cho các BV công lập trên địa bàn TP là hơn 1.100 tỷ đồng với nguồn vốn XHH chiếm 22,9%, khoảng 261,5 tỷ đồng. Mặc dù ngành y tế và ngành giáo dục được TP đánh giá cao trong công tác XHH nhưng đây vẫn là một con số khá khiếm tốn, chưa thỏa mãn được mục tiêu đặt ra của ngành y tế. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư và nâng cấp TTBYT của các BV ngày càng lớn do yêu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng lên. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền bày tỏ, để thỏa mãn đòi hỏi về dịch vụ, kỹ thuật của người dân khi đến viện không hề đơn giản, các BV khi lựa chọn đầu tư cũng phải tính toán rất kỹ giữa lợi nhuận của BV và DN khi họ chấp nhận XHH một hạng mục nào đó. Hơn nữa, giá dịch vụ của các kỹ thuật sử dụng máy móc XHH cũng phải cân nhắc kỹ để không quá cao so với giá chung. Nếu cao hơn các  BV lân cận thì bệnh nhân cũng “chạy” mất.
Giám đốc BV Đa khoa huyện Ba Vì Nguyễn Quốc Hùng lo ngại, để đáp ứng nhu cầu người bệnh, BV cũng mạnh dạn làm XHH cho hệ thống máy lọc thận và máy chụp CT.  “Mỗi tháng BV chịu 75 triệu đồng tiền lãi vay đầu tư, nhưng vẫn phải duy trì giá lọc thận như giá bảo hiểm y tế là 544.000 đồng, giá chụp CT cũng chỉ dám nâng bằng giá của một phòng khám tư bên ngoài là 650.000 đồng. Chúng tôi đang vừa phải lo tính mạng người bệnh lại phải lo tiền lãi hàng tháng, sau này tiến tới cơ chế tự chủ tài chính lại phải lo lương cho anh em cán bộ, rất nhiều áp lực đang đổ lên ban giám đốc” – ông Hùng cho biết. Thực tế, qua các buổi giám sát của đoàn tại một số BV trước đó cho thấy, các BV tuyến huyện chưa thu hút được XHH. Theo như giải thích của ông Hùng: “XXH BV cái gì có lợi cho DN thì họ vào nhanh lắm nhưng cái gì không đem lại nhiều lợi ích thì có hô hào họ cũng chẳng vào”.
Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, các lĩnh vực dễ thu hút XHH như siêu âm, X-quang, xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh thì các viện đều đã làm rồi. Các lĩnh vực khác do DN tính toán khó thu hồi vốn ở các BV tuyến huyện nên họ cũng không mặn mà đầu tư. Một bất cập nữa mà Đoàn giám sát nhìn nhận ra là vấn đề quản trị BV. Hầu hết Giám đốc các BV đều là những người có chuyên môn giỏi nhưng bổ trợ về công tác quản lý tài chính hướng tới quản lý theo mô hình DN còn hạn chế.
Cần kế hoạch cụ thể
Trước những bất cập trên, Trưởng đoàn giám sát Phạm Thị Thanh Mai yêu cầu Sở Y tế cần lên kế hoạch XHH cụ thể cho từng giai đoạn, từng hạng BV. Quá trình XHH phải gắn liền với Nghị quyết 93 của Chính phủ về một số cơ chế chính sách phát triển y tế, gắn với thế mạnh chuyên môn của từng đơn vị, gắn với lộ trình tự chủ tài chính và phải gắn liền với giá dịch vụ. “Đây là vấn đề cần tập trung làm nhưng không được nóng vội vì đó là một bài toán kinh tế phải tính toán kỹ trong việc phân chia lợi nhuận giữa DN và BV” - Trưởng đoàn giám sát nhấn mạnh. Bên cạnh đó, đề nghị BV Đa khoa Xanh Pôn – nơi có nhiều kỹ thuật cao thực hiện XHH theo hướng vay vốn ngân hàng dưới sự hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước như mô hình BV Tim Hà Nội đang thực hiện. Mặt khác, Đoàn giám sát yêu cầu Sở Y tế xem xét xây dựng các chính sách thu hút nguồn cán bộ làm công tác quản lý tài sản, vật tư vì hiện này số cán bộ này còn quá ít.
Về kế hoạch lâu dài, Giám đốc BV Ba Vì mong muốn, quỹ đầu tư phát triển của TP xem xét tạo điều kiện nguồn vốn cho các đơn vị nhưng sẽ hoàn trả để giảm áp lực vay lãi hiện nay. Bên cạnh đó, đại diện các BV kiến nghị TP xem xét rút ngắn thời gian đấu thầu tập trung TTBYT, danh mục thuốc để kịp thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần