Bắt đầu từ quyết tâm đến huy động nguồn lực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Để Hà Nội trở thành một đô thị xanh, đòi hỏi quyết tâm rất cao của chính quyền...

Kinhtedothi - “Để Hà Nội trở thành một đô thị xanh, đòi hỏi quyết tâm rất cao của chính quyền Thành phố, thông qua những chính sách cơ chế về đầu tư, tài chính, huy động mọi nguồn lực từ mọi tầng lớp nhân dân và từ khu vực tư nhân” - đó là nhận định của các chuyên gia tại buổi Tọa đàm “Chiến lược tăng trưởng xanh” do Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) tổ chức sáng nay (31/10), tại Hà Nội.

Đối mặt nhiều thách thức

Theo BDI, diện mạo Thủ đô Hà Nội hôm nay là sự tổng hòa từ truyền thống, có sự tiếp thu chọn lọc nhiều dòng văn hóa. Nhìn vào thực trạng công tác quy hoạch xây dựng và kiến trúc cho thấy Thành phố có những ứng xử thích nghi với bối cảnh phát triển trong từng giai đoạn song cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình đô thị hóa.

Rõ nhất là sự quá tải do chưa kiểm soát tăng trưởng dân số. Hệ thống chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí, giao thông vận tải, môi trường... còn nhiều bất cập. Trong khi đó, quản lý đô thị, các chính sách kiểm soát khai thác đất đai còn để lãng phí. Phát triển mới chưa hài hòa với bảo tồn quỹ di sản đô thị.

 
Bắt đầu từ quyết tâm đến huy động nguồn lực - Ảnh 1
Ảnh minh họa. Ảnh internet
Bên cạnh đó, chỉ tiêu cây xanh của Thành phố hiện thấp hơn nhiều so với quy định. Nội đô đang quá thiếu không gian xanh. Nhiều công viên như Thống Nhất, Bách Thảo, Tuổi Trẻ... đang có nguy cơ bị thu hẹp. Các hồ lớn như hồ Tây, Yên Sở, hệ thống sông đang chịu nhiều áp lực về môi trường. Mạng lưới ao hồ trong các khu dân cư ngày càng thu hẹp, không những làm giảm tác dụng về môi trường mà còn gây hậu quả về úng ngập, tiêu thoát nước.

Đặc biệt, giao thông tại Hà Nội đang chịu nhiều quá tải và là một nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Phương tiện giao thông hiện có 4 triệu xe máy (tập trung 60% ở khu trung tâm) và khoảng 400.000 ô tô (chiếm 1/6 cả nước), trong khi mạng đường đang quá ít, chỉ chiếm khoảng  8% diện tích xây dựng đô thị. Đây thực sự đang là bài toán khó cần  sớm có lời giải.

Tập trung vào các mục tiêu “xanh”

Kể từ sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), Thành phố có thêm nhiều tiềm năng song cũng đón nhận những xu thế mới trong hội nhập. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 - tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng duyệt tháng 7/2012 đã định hướng xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành thành phố xanh (bền vững và môi trường), văn hiến (bảo tồn di sản, hài hòa với phát triển), văn minh hiện đại (phát triển bền vững trên nền kinh tế tri thức, tiếp thu chọn lọc văn hóa của thế giới).

“Định hướng này cho thấy một hình ảnh đô thị xanh của Thủ đô trong thời gian tới. Định hướng đúng tầm, tạo được niềm tin và hy vọng, song quan trọng là quá trình tổ chức thực hiện”, TS Đặng Đức Đạm - Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh khẳng định. Để đạt được những mục tiêu đó, TS Đạm đề xuất, chính quyền Thành phố cần đặc biệt quan tâm giải quyết 4 vấn đề lớn.

Trước hết là bảo tồn, giữ gìn hệ thống không gian xanh cho cả Thành phố, từng khu vực và từng công trình. Quy hoạch chung Hà Nội đã khẳng định cần tạo lập hành lang xanh dọc các con sông gắn với các lõi xanh, trục xanh, các không gian mở khu vực hồ Tây và không gian xanh mở tại các vùng nông thôn, cây xanh trong các khu bảo tồn tự nhiên, cây xanh đường phố. Đồng thời, cần phát triển các công viên lịch sử (khu Cổ Loa, đền Sóc, Hoàng Thành Thăng Long...), các công viên văn hóa gắn kết với cảnh quan thiên nhiên, làng nghề truyền thống, các công viên thể thao. “Tạo lập được hệ thống không gian xanh như quy hoạch chung xây dựng đã nêu thì chắc rằng, Hà Nội sẽ là đô thị xanh, bền vững với môi trường”, TS Đạm nhấn mạnh.

Thứ hai, theo TS Đặng Đức Đạm, vấn đề Thành phố cần quan tâm là phát triển giao thông xanh. Để có một đô thị xanh, rõ ràng Hà Nội phải đầu tư nhiều hơn nữa để có giao thông xanh xứng tầm với vị thế của Thủ đô.

Vấn đề thứ ba cần khẳng định, một đô thị xanh trong tương lai không thể thiếu quản lý xanh. Đó là hệ thống cơ cấu tổ chức hợp lý từ cấp Thành phố đến quận, huyện và phường, xã. Đó là năng lực cán bộ quản lý, nhất là với cán bộ chuyên ngành phù hợp với phân công, phân cấp rõ ràng. Đó là phát huy và làm rõ vai trò của cộng đồng trong quản lý đô thị.

Cuối cùng rất quan trọng, TS Đạm cho rằng Thủ đô phải được tạo lập từ các công trình xanh, kiến trúc xanh. Đây là vấn đề đã được nghiên cứu hình thành từ giữa thế kỷ XX với các xu hướng được gọi tên là kiến trúc sinh thái, kiến trúc có hiệu quả năng lượng, kiến trúc thích ứng với khí hậu, kiến trúc bền vững... Kiến trúc xanh là trách nhiệm của người thiết kế kiến trúc, yếu tố không thể thiếu cho phát triển bền vững, cho đô thị xanh.
“Không thể phủ nhận, việc hạn chế xe máy trong một đô thị lớn như Hà Nội là rất cần thiết, và nên có một chương trình cụ thể với lộ trình rõ ràng và được triển khai càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, việc hạn chế hay cấm phương tiện này ở một số địa bàn cần hài hòa tối đa về các nhóm lợi ích có liên quan trong quá trình thực hiện chính sách”

(ThS Nguyễn Thị Vân Anh - thành viên nhóm nghiên cứu cùng BDI)