Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất động sản có mức lãi suất trái phiếu cao nhất trong 8 tháng 2019

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Công ty Chứng khoán SSI, trong 8 tháng của năm 2019 lượng phát hành trái phiếu là 117.142 tỷ đồng, tỷ lệ phát hành thành công toàn thị trường là 90,8%, mức lãi suất trái phiếu bình quân của bất động sản (BĐS) trong 8 tháng là 10,1%/năm.

Theo đó, bình quân gia quyền theo giá trị phát hành trong 8 tháng đầu năm 2019, lãi suất trái phiếu trung bình là 8,3%/năm và kỳ hạn trái phiếu bình quân là 3,4 năm. Có tới 62,7% trái phiếu phát hành là lãi suất cố định (khoảng 73 nghìn tỷ đồng), còn lại là lãi suất thả nổi.
Lãi suất và kỳ hạn bình quân của nhóm ngân hàng là 6,75%/năm và 3,3 năm. Nếu loại trừ nhóm ngân hàng, mức lãi suất bình quân các nhóm còn lại là 9,72%/năm trong đó cao nhất là lãi suất trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS (10,01%/năm), nhóm phát triển hạ tầng (9,79%/năm), nhóm định chế tài chính (8,64%/năm).
 Lãi suất trái phiếu BĐS cao nhất trong các nhóm ngành (Ảnh minh họa).
Chủ thể phát hành lớn nhất vẫn là các ngân hàng thương mại với tổng giá trị phát hành là 56.060 tỷ đồng (chiếm 47,9%); các doanh nghiệp BĐS phát hành 36.946 tỷ đồng (chiếm 31,5%); các doanh nghiệp phát triển hạ tầng phát hành 9.207 tỷ đồng (chiếm 7,9%); các định chế tài chính phi ngân hàng phát hành 4.423 tỷ đồng (chiếm 3,8%); còn lại là các doanh nghiệp khác.
Trong tổng số 36.876 tỷ đồng trái phiếu BĐS được phát hành, có 7.410 tỷ đồng (20,1%) được mua bởi các ngân hàng thương mại, 3.250 tỷ đồng (8,8%) được mua bởi các công ty chứng khoán và 22.664 tỷ đồng (61,5%) chỉ có thông tin chung chung là do nhà đầu tư trong nước mua.
Lãi suất trái phiếu bình quân của tất cả các trái phiếu BĐS phát hành 8 tháng đầu năm 2019 là 10,01%/năm. Chỉ có 4 doanh nghiệp huy động được trái phiếu có lãi suất từ 8% trở xuống (chi tiết bảng dưới); nếu loại trừ các khoản này, lãi suất huy động bình quân tăng lên 10,3%/năm.
Khoảng lãi suất từ 10% đến dưới 11%/năm chiếm tỷ trọng lớn nhất (15.277 tỷ đồng – tương đương 41,5%). Tiếp theo là khoảng từ 11% đến dưới 12%/năm (7.874 tỷ đồng, 21,5%). Như vậy, 94,3% trái phiếu bất động sản phát hành có lãi suất dưới 12%/năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, BĐS là lĩnh vực kinh doanh yêu cầu vốn lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các ngân hàng thương mại cũng phải áp hệ số rủi ro 50% với cho vay đảm bảo bằng nhà ở, quyền sử dụng đất; 200% với cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS (theo Thông tư 36) và hệ số này còn tăng lên cao hơn nữa trong dự thảo thông tư thay thế. Rủi ro cao hơn nên lãi suất trái phiếu BĐS thuộc nhóm cao nhất cũng là điều dễ hiểu.