KTĐT - Chưa kịp "hoàn hồn" sau Nghị định 71 của Chính phủ, một lần nữa, thị trường bất động sản lại phải gánh chịu cú "sốc" lớn do giá vàng tăng với tốc độ chóng mặt.
Anh Phạm Văn Hà, Giám đốc Trung tâm Giao dịch bất động sản Quang Dương (Văn Khê - Hà Đông) cho biết: Người dân Việt Nam thường có thói quen sử dụng vàng để định giá nhà đất hoặc bất động sản. Nhà đất là tài sản có giá trị rất lớn, vì vậy khi giá vàng tăng cao, việc người dân bán nhà đất, chuyển sang kênh đầu tư vàng cũng là điều dễ hiểu. Do vậy, thời gian này, giao dịch tại Quang Dương có bị ảnh hưởng đôi chút, chủ yếu do tâm lý dao động của người bán cũng như người mua. Giá vàng tăng chóng mặt, lãi suất bị đẩy lên cao khiến đồng tiền mất giá, người mua khẩn trương hơn trong việc lựa chọn, không muốn thăm dò thị trường như những thời điểm trước đây. Bên cạnh đó, bước vào thời điểm cuối năm, nhu cầu nhà ở tăng cao nên hiện nay nhu cầu mua cũng nhiều hơn bán. Giá vàng lên cao nhưng bị rơi ngay nên giá đất không bị đẩy lên chóng mặt như giá vàng. Giới đầu cơ vừa chịu cú "sốc" sau quy định thắt chặt "lướt sóng" bất động sản, nay đã phải gánh thêm gáo nước lạnh do giá nhà đất "tăng lên vù vù”.
Theo khảo sát của PV, giá đất liền kề tại Văn Khê tăng từ 60 triệu đồng lên đến 75 - 80 triệu đồng /m2, giá chung cư tại đây cũng tăng từ 20 - 28 triệu đồng /m2 tùy diện tích sử dụng . Liền kề Văn Phú cũng tăng từ 40 - 42 triệu đồng lên 50 - 55 triệu đồng /m2. Giá đất mặt đường Lê Văn Lương nối dài tại Vạn Phúc hồi tháng 9 ở mức trên 100 triệu đồng /m2 nay đã tăng lên trên 200 triệu đồng.
Lý giải cho nguyên nhân trầm lắng của thị trường bất động sản thời gian qua, anh Long, phòng kinh doanh của công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại T.L cho hay: "Giá vàng tăng, dẫn đến giá trị nhà đất, bất động sản tăng theo, khiến các nhà đầu tư ngại mua bán nhà đất do sợ rủi ro giá vàng đảo chiều. Điều này là một trong những nguyên nhân làm cho thị trường bất động sản kém sôi động. Tuy nhiên theo tôi, nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến sự trầm lắng của thị trường nhà đất thời gian qua là Nghị định 71 của Chính phủ”.
"Giá vàng tăng không ảnh hưởng nhiều đến giao dịch của những căn hộ hoặc chung cư cao cấp, bởi người mua có thói quen thanh toán bằng tiền mặt hoặc đô la". Anh Long cho biết thêm.
Trong khi đó, theo ghi nhận của PV thì hiện tượng người dân rút tiền từ ngân hàng để đầu tư vàng trong thời gian qua là không rõ ràng. Một cán bộ phụ trách bán lẻ Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) khẳng định: "Thời gian gần đây, lượng tiền mặt VND được người dân rút ra tương đối nhiều. Tuy nhiên, tôi cũng không thể khẳng định họ rút tiền mặt để làm, nhưng hiện tượng rút tiền ra là có. Khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11, lượng USD được rút ra cũng khá nhiều nhưng mấy ngày gần đây hiện tượng này đã bắt đầu chững lại".
Tại ngân hàng Techcombank (chi nhánh Đông Đô), ông Nguyễn Ngọc Việt, Phó phòng Dịch vụ ngân hàng tài chính cá nhân lại khẳng định, mọi hoạt động giao dịch của ngân hàng trong thời gian gần đây vẫn diễn biến bình thường, không có chuyện người dân đổ xô đi rút tiền mặt. ông Việt cũng cho biết thêm, lượng USD được rút ra trong những ngày gần đây đã bắt đầu chững lại.
Về thông tin tiền gửi tiết kiệm VNĐ của dân cư trong 15 ngày đầu tháng 10/2010 giảm 45.000 tỷ đồng (tương đương hơn 2 tỷ USD), do người dân rút tiền gửi bằng VNĐ để chuyển sang mua vàng và ngoại tệ tích trữ, Ngân hàng Nhà nước lại cho rằng nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng, số liệu thống kê cho thấy, tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ của dân cư tính đến ngày 15/10/2010 tăng 0,64% (gần 5.400 tỷ đồng) so với ngày 30/9/2010.