Bất hòa biến tướng

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hiện bùng phát cuộc xung khắc thương mại với hệ lụy có thể rất tai hại đối với hai bên và đối với cả kinh tế, thương mại của thế giới.

Cuộc xung khắc giữa hai nước này khác biệt với các cuộc xung khắc thương mại hiện tại giữa các đối tác trên thế giới, đặc biệt giữa Mỹ và các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ, trên hai phương diện.
Thứ nhất là về nguồn gốc. Gốc rễ của xung khắc thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc không liên quan đến mối quan hệ trao đổi thương mại và hợp tác kinh tế giữa hai nước mà liên quan đến việc Hàn Quốc đòi hỏi Nhật Bản nhận trách nhiệm và bồi thường cho những người Triều Tiên là nạn nhân của thời kỳ chính quyền thực dân và phát xít Nhật Bản xâm lực và đô hộ bán đảo Triều Tiên.
Trong đó, đặc biệt là vụ việc phụ nữ Triều Tiên bị cưỡng ép làm nô lệ tình dục cho binh lính Nhật Bản thời kỳ từ 1910 đến 1945. Chính phủ Nhật Bản cho rằng, vấn đề này đã được giải quyết khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1965 trong khi phía Hàn Quốc không cùng quan điểm này.
Mới đây, Chính phủ Hàn Quốc đã giải thể quỹ tài chính được thành lập ở Hàn Quốc để xử lý việc bồi thường tài chính cho những nạn nhân ở Hàn Quốc. Tháng 10/2018, tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán xử buộc Tập đoàn Nippon Steel & Sumitomo Metal của Nhật Bản phải bồi thường cho 4 công dân Hàn Quốc.
Tuần qua, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định hạn chế xuất khẩu công nghệ và linh kiện, thắt chặt kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc, gây khó khăn lớn cho các tập đoàn công nghệ cao của Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc cho biết sẽ trả đũa thích đáng.
Thứ hai, biện pháp chính sách được thực hiện giữa Nhật Bản và Hàn Quốc không phải áp thuế quan bảo hộ thương mại mà là trực tiếp hạn chế xuất khẩu và Nhật Bản xuất siêu sang Hàn Quốc, không phải ngược lại.
Từ những yếu tố trên cho thấy, bất hòa chuyện khác đã biến thành cuộc xung khắc thương mại và vì nguyên nhân của bất hòa không liên quan đến thương mại nên phải giải quyết mối bất hòa kia thì mới khắc phục được cuộc xung khắc thương mại này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần