Ông Gelsinger, 63 tuổi, rời ghế lãnh đạo vào ngày 1/12 sau khi hội đồng quản trị mất niềm tin vào kế hoạch tái cấu trúc tốn kém và tham vọng mà ông đã vạch ra. Theo nguồn tin thân cận, hội đồng yêu cầu ông chọn giữa việc nghỉ hưu hoặc bị miễn nhiệm, và ông đã quyết định từ chức.
CEO Gelsinger đã khởi động một lộ trình bốn năm để khôi phục vị thế dẫn đầu của Intel trong lĩnh vực sản xuất chip, vốn đáng bị Tập đoàn Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) ( Đài Loan - Trung Quốc) chiếm giữ. Tuy nhiên, sự tiến bộ chậm chạp và hiệu quả chưa rõ rệt đã khiến kế hoạch này không đủ thuyết phục các cổ đông và nhà đầu tư.
Dưới sự lãnh đạo của ông, giá trị thị trường của Intel đã giảm mạnh và tụt hậu so với Nvidia, công ty dẫn đầu về chip trí tuệ nhân tạo.
Intel đã bổ nhiệm Giám đốc Tài chính David Zinsner và giám đốc điều hành cấp cao Michelle Johnston Holthaus làm đồng CEO tạm quyền trong thời gian tìm kiếm lãnh đạo mới. Cùng lúc, bà Karen Kahn, Giám đốc truyền thông của Intel, cũng dự kiến rời công ty, theo nguồn tin nội bộ.
Ông Gelsinger từng cam kết đầu tư mạnh vào sản xuất, bao gồm việc xây dựng tổ hợp nhà máy trị giá 20 tỷ USD tại Ohio và tuyển dụng đội ngũ lên đến 132,000 nhân sự. Tuy nhiên, sự sụt giảm nhu cầu sau đại dịch trong thị trường laptop và PC đã khiến biên lợi nhuận của Intel tụt giảm nghiêm trọng, đẩy giá cổ phiếu xuống thấp hơn một nửa chỉ trong năm nay.
Intel đang đứng trước áp lực lớn để lấy lại vị thế trong ngành công nghiệp chip toàn cầu. Dù nhận được hơn 7,86 tỷ USD trợ cấp từ chính phủ Mỹ, công ty vẫn phải chứng minh khả năng cạnh tranh với các đối thủ lớn như TSMC và Nvidia.
Hội đồng quản trị Intel nhấn mạnh cam kết khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và thúc đẩy các cải tiến cần thiết để đưa công ty trở lại đường đua.