Bất ổn gia tăng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng như dự đoán, bất chấp nỗ lực của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, chiến dịch “phong tỏa Bangkok” vẫn được những người biểu tình chống Chính phủ tiến hành theo đúng kế hoạch, tạo ra nguy cơ về một bước ngoặt quyết định cho những bất ổn đã kéo dài suốt mấy tháng qua tại quốc gia Đông Nam Á này.

Bạo lực gia tăng 

Ngày 12/1, người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan đã bắt đầu huy động lực lượng ở thủ đô Bangkok nhằm chuẩn bị cho chiến dịch lật đổ bà Yingluck và ngăn cản cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2/2 tới. Tại khu vực tụ tập chính ở thủ đô Bangkok, người biểu tình bắt đầu đóng đồ và các vật dụng để đưa đến bảy địa điểm khác nhau trong ngày 13/1 nhằm làm tê liệt giao thông ở thủ đô. Trong khi đó, những người ủng hộ chính phủ cũng tổ chức tuần hành “phản biểu tình” nhưng tránh xa khu vực thủ đô để không làm phức tạp thêm tình hình.
Người biểu tình chống chính phủ trên đường phố Bangkok ngày 11/1.    Ảnh: AP
Người biểu tình chống chính phủ trên đường phố Bangkok ngày 11/1. Ảnh: AP
Nỗi lo bạo lực gia tăng vào hôm 11/1 sau khi có 7 người bị thương do trúng đạn của các tay súng đi mô tô nhắm bắn người biểu tình ở Bangkok, như vậy, trong 2 tháng qua đã có ít nhất 8 người thiệt mạng do đụng độ đường phố. Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha thì bày tỏ quan ngại về khả năng đụng độ bạo lực và thừa nhận một thực tế là giới quân sự chưa thấy có giải pháp nào giúp chấm dứt khủng hoảng của đất nước. Hiện, có ít nhất  45 quốc gia đã đưa ra lời cảnh báo với công dân đang có mặt tại Thái Lan phải tránh xa các địa điểm tổ chức biểu tình. Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok khuyến cáo cư dân ở đây tích trữ tiền mặt, thực phẩm và nước uống đủ dùng trong 2 tuần đề phòng trường hợp Bangkok bị tê liệt trong thời gian dài.

Tình hình trên cho thấy, diễn biến mới nhất trong 8 năm xung đột giữa tầng lớp trung lưu thành thị Thái Lan với dân nghèo vùng nông thôn nước này rất khó có thể giải quyết triệt để bằng một cuộc bầu cử vẫn đang gây tranh cãi và chia rẽ được dự kiến tổ chức vào tháng 2 tới.

Nguy cơ từ phe đối lập

Trong tuần qua, giấy mời dự Hội nghị hòa bình quốc tế do Liên Hợp quốc bảo trợ còn gọi là Hội nghị Geneva 2 dự kiến tổ chức tại Syria đã được gửi đi nhưng liệu sự kiện này có diễn ra được hay không vẫn đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Nguyên nhân do phe đối lập Syria, vốn được chờ đợi như một thành viên của diễn đàn vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Liên minh dân tộc này đã tiến hành cuộc họp quan trọng vào đầu tuần qua tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đã thất bại trong việc xác định đường lối tiếp cận Hội nghị Geneva 2, cũng như thành phần phái đoàn tham dự. Tổ chức này kỳ vọng cuộc họp sắp diễn ra vào ngày 17/1 tới sẽ tìm ra được những kế sách tốt nhất trong cuộc “mặc cả” sắp tới tại Geneva 2. Trong khi đó, nhiều nhà quan sát nhận định, giải quyết việc tìm giải pháp cho tình hình Syria mà không cần sự hiện diện của Iran - một trong những đấu thủ chính không chỉ ở Syria mà còn ở toàn khu vực Trung Đông là điều ảo tưởng. Vì thế, cuộc gặp 3 bên giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Đặc phái viên Liên Hợp quốc Lakhdar Brahimi được tổ chức tại Paris (Pháp) hôm nay (13/1) là cơ hội quan trọng để thảo luận về các bất đồng trong khâu chuẩn bị cho Hội nghị Geneva 2, vốn đã bị trì hoãn nhiều lần.