Theo tờ trình tại cuộc họp, năm 2022, ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 sẽ đạt 11.686 tỷ đồng, tăng tới 87% so với năm 2021. Đồng thời, chất lượng tài sản được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống dưới 1,3%. Tổng dư nợ tín dụng tăng 14,4% lên 421.715 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động tăng 9,8% lên 504.539 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc cơ sở nào để SHB đặt mục tiêu lợi nhuận cao như vậy, Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển cho biết: “Trong kế hoạch kinh doanh, chúng tôi chưa bao giờ đưa ra con số trước mà đưa ra cơ sở, căn cứ, phương pháp, tổ chức thực hiện,… đúng để ra con số đúng.
SHB có sáng kiến chiến lược, phát triển tệp khách hàng, hệ sinh thái, chuỗi cung ứng, tạo nên sự khác biệt của SHB. Thực tế, SHB có nhiều thế mạnh mà trước đây chưa khai thác hết. Chúng tôi đang cấu trúc và tập trung triển khai thế mạnh đó. SHB sẽ tăng mạnh CASA, hoạt động dịch vụ trong năm nay, cổ đông có thể yên tâm về mục tiêu lợi nhuận”.
Ông Võ Đức Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT SHB - bổ sung thêm, chỉ tiêu lợi nhuận tăng 87% hoàn toàn có cơ sở vì năm ngoái SHB đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để xử lý xong nợ xấu VAMC. Do đó, gánh nặng trích lập năm nay sẽ giảm mạnh khoảng 3.000 tỷ so với năm ngoái, là cơ sở giúp ngân hàng tăng mạnh lợi nhuận.
Năm 2022, SHB cũng đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay, từ 26.673 tỷ đồng lên 36.007 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ của SHB sẽ vượt qua nhiều ngân hàng lớn như: Techcombank, Agribank, ACB.
Cũng trong năm nay, SHB đặt mục tiêu bán 20% vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. “Trong bóng đá, phút 89, phút bù giờ còn có ghi bàn, nên cũng khó nói trước được gì, chỉ đưa ra xác suất 50-50. Nhưng tôi cũng khẳng định, các đối tác chiến lược nước ngoài có quan tâm nhiều năm nay, nhưng SHB muốn lựa chọn đối tác đi trung và dài hạn với SHB. Chúng ta có quyền lựa chọn theo chiến lược đặt ra”, ông Hiển khẳng định.