Bảy điều kiện để nâng cao hiệu quả đường sắt đô thị

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 10 tháng vận hành, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2A Cát Linh - Hà Đông đã đạt trên 5 triệu lượt hành khách, cho thấy tính ưu việt và phù hợp với giao thông đô thị Hà Nội.

Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường cho biết, nếu làm tốt bảy vấn đề, hiệu quả của ĐSĐT còn có thể nâng cao gấp bội.

An toàn, tiện lợi

Thông tin từ Hanoi Metro cho biết, sau 282 ngày vận hành, tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông đã đạt 5.040.659 lượt hành khách. Từ tháng 4 đến nay, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, lượng khách đi tàu tăng trên 2,5 lần so với trong thời gian giãn cách xã hội. Bình quân vận chuyển ngày thường của tuyến ĐSĐT số 2A từ 22.000 - 24.000 lượt hành khách/ngày; cuối tuần từ 25.000 - 30.000 lượt hành khách/ngày. Tỷ lệ khách đi vé tháng bình quân trong ngày đã đạt trên 50%, giờ cao điểm chiếm tới  75 - 80%.

Sau 282 ngày vận hành, tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông đã đạt 5.040.659 lượt hành khách
Sau 282 ngày vận hành, tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông đã đạt 5.040.659 lượt hành khách

Thời gian đầu, chủ yếu tàu phục vụ người dân đi trải nghiệm nên lượng khách tập trung ở hai ga đầu cuối Cát Linh và Yên Nghĩa, chiếm trên 50%; 10 ga còn lại chỉ chiếm gần 50%. Nhưng đến này khách đi tàu chủ yếu là người có nhu cầu thực sự đi làm, đi học… nên tỷ lệ khách tập trung ở các ga đầu cuối so với 10 nhà ga còn lại là 30/70.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu nhận định: “Đó là những con số rất đáng mừng. Nó cho thấy lượng hành khách lựa chọn ĐSĐT đang tăng đều. Cho thấy, vai trò của ĐSĐT trong vận tải công cộng cũng như toàn bộ mạng lưới giao thông đã được khẳng định rõ ràng”.

Hanoi Metro đã tiến hành khảo sát với một nhóm hành khách trên tuyến ĐSĐT số 2A. Kết quả, có 84% hành khách chọn ĐSĐT vì các lý do: Tránh được tắc đường, di chuyển nhanh, giảm ô nhiễm môi trường, hiện đại, an toàn, thuận tiện… Chỉ 16% lựa chọn ĐSĐT vì tuyến đường phù hợp hoặc có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn.

Khảo sát đó cho thấy, tính ưu việt của ĐSĐT đã chinh phục ngay cả những hành khách không trực tiếp trên tuyến đi qua. Người dân sẵn sàng sử dụng phương tiện cá nhân, xe buýt, đi bộ để tiếp cận ĐSĐT. Anh Nguyễn Văn Tuấn (phường Phú Lương, quận Hà Đông) chia sẻ: “Hàng ngày, tôi đi xe máy từ nhà đến ga Yên Nghĩa, lên tàu, ra ga Thái Hà rồi xuống đi bộ đến cơ quan. Tính cả ba chặng đường vẫn tiết kiệm được phân nửa thời gian so với đi xe máy, lại nhàn nhã, không mệt mỏi, ức chế vì tắc đường, không sợ mưa nắng”.

Có thể làm tốt hơn

Ông Vũ Hồng Trường cho rằng, kết quả vận hành của tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông hiện rất đáng khích lệ. “Nhưng chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa, nâng cao hiệu quả ĐSĐT hơn nữa nếu tập trung giải quyết tốt bảy vấn đề xung quanh. Đó cũng là những bài học kinh nghiệm chúng tôi rút ra được sau thời gian quản lý, vận hành thực tế ĐSĐT của Hà Nội”.

Theo ông Vũ Hồng Trường, điều đầu tiên cần làm tốt ngay từ khi chuẩn bị đầu tư các tuyến ĐSĐT. Nghiên cứu đặc tính, nhu cầu, quy luật đi lại và mong muốn của người dân. Với mỗi tuyến ĐSĐT đi qua từng khu vực cụ thể, tuỳ theo mỗi giai đoạn, bối cảnh, những đặc thù này lại khác nhau. Vì vậy, cần nghiên cứu thường xuyên, liên tục để đáp ứng tối đa, tạo nên sức hấp dẫn của ĐSĐT đối với hành khách.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang ngày càng được nhiều người sử dụng làm phương tiện đi lại chính
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang ngày càng được nhiều người sử dụng làm phương tiện đi lại chính

Thứ hai là, phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hành khách tiếp cận các nhà ga ĐSĐT bằng mọi phương thức, phương tiện họ đang sử dụng. Thực tế hiện có tới 65% số người được hỏi bày tỏ lo ngại vì các nhà ga ĐSĐT không gần nhà, 64% lo ngại vì thiếu chỗ gửi xe máy, xe đạp để đi tàu điện, 52% thấy chưa thuận tiện vì phải chuyển đổi nhiều loại phương tiện bao gồm cả ĐSĐT mới đến được nơi ở, cơ quan… Bởi vậy, cần tăng cường mọi hướng tiếp cận ĐSĐT bằng cách tạo không gian đi bộ thông thoáng, tăng cường các điểm trông giữ xe quanh nhà ga. Trong đó cần quan tâm nhiều hơn đến hành lang dành cho người khuyết tật, người già đến với ĐSĐT.

Thứ ba là, xây dựng giá vé hợp lý, đa dạng, đáp ứng nhu cầu đi tàu cho mọi loại hình hành khách, từ đi trải nghiệm, sử dụng thường xuyên cho đến khách vãng lai vì công việc. 

Thứ tư là, tiếp tục tăng cường kết nối ĐSĐT với các loại hình vận tải công cộng khác để hành khách có thể sử dụng trọn gói dịch vụ này, thay thế hẳn xe cá nhân.

Thứ năm là, tổ chức các dịch vụ gia tăng, trước tiên phục vụ hành khách đi tàu, sau đó là khai thác tiềm năng thương mại của ĐSĐT. Cụ thể, tại các nhà ga có thể cho phép kinh doanh quảng cáo; đặt cây ATM; máy bán hàng tự động, ki ốt bán đồ ăn nhanh, tạp hoá… Có đầy đủ tiện ích, hành khách sẽ gắn bó với ĐSĐT hơn, nguồn lực tái đầu tư cho ĐSĐT cũng rõ rệt, bền vững hơn.

Thứ sáu là, nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả hỗ trợ của đơn vị vận hành tàu để làm hài lòng khách, đồng thời, tạo thói quen văn minh cho khách khi đi tàu, góp phần xây dựng văn hoá giao thông nói chung của Thủ đô Hà Nội.

Thứ bảy là, công tác tuyên truyền phải được làm tốt ngay từ đầu, duy trì đều đặn. Tuyên truyền cho người dân thấy được tính ưu việt của ĐSĐT, bằng mọi phương thức, hướng dẫn, hành khách sử dụng dịch vụ của ĐSĐT dễ dàng, thuận tiện nhất. Đồng thời, không ngừng quảng bá, xây dựng hình ảnh ĐSĐT thân thiện, gần gũi, văn minh trong đời sống đô thị.

“Làm tốt bảy vấn đề nêu trên, ĐSĐT sẽ còn thành công gấp bội” - ông Vũ Hồng Trường nhấn mạnh.

 

Thời gian tới, khi mùa Hè kết thúc, học sinh, sinh viên đi học trở lại, người dân từ các tỉnh đổ dồn về Hà Nội, lượng khách của ĐSĐT sẽ còn tăng cao hơn. Đại diện Hanoi Metro dự báo từ tháng 9 tới, lượng khách của tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông có thể tăng từ 15 - 20%.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần