Bệ phóng cho tham vọng của ông Abe

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến thắng không nằm ngoài dự đoán của liên minh đảng cầm quyền tại cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vừa qua được cho là bệ phóng để Thủ tướng Shinzo Abe tiến gần hơn tới mục tiêu nâng vị thế quân đội Nhật Bản.

Trong cuộc bầu cử năm nay, người dân Nhật Bản đi bầu lại 121 ghế trong tổng số 242 ghế tại Thượng viện. Đảng Dân chủ tự do (LDP) đã giành được 55 ghế, nâng tổng số ghế tại Thượng viện của đảng này lên con số 120. Khi kết hợp với đảng Công minh, liên minh cầm quyền giành được tổng cộng 145 ghế, chiếm đa số ghế quá bán tại Thượng viện.
Bệ phóng cho tham vọng của ông Abe - Ảnh 1
Với chủ trương nâng tầm vị thế quân đội quốc gia, chính quyền ông Abe đã “chật vật” để dự luật cho phép lực lượng quân đội nước này chiến đấu ở nước ngoài được thông qua năm ngoái. Bước đi gây tranh cãi mới đây là việc sửa đổi điều luật thứ 9 trong Hiến pháp, theo đó lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) sẽ mở rộng phạm vi hoạt động, hỗ trợ các đồng minh trong các tranh chấp quốc tế. Trong khi đó, đối diện chỉ trích về mục tiêu lạm phát, chi tiêu tiêu dùng thấp và đồng Yên tăng mạnh gần đây, ông Abe được kỳ vọng sẽ đưa ra một gói kích thích tương đương 10.000 tỷ Yên. Do đó, trong suốt chiến dịch tranh cử của liên đảng, ông Abe tập trung xoay quanh chương trình kinh tế Abenomics. Ngay sau khi có kết quả chiến thắng, ông đề nghị Bộ Kinh tế nhanh chóng triển khai gói kích thích mới. Hành động này bị đảng đối lập khẳng định như “tấm bình phong” cho tham vọng thúc đẩy tự do quân sự của ông Abe. Một số chuyên gia cho rằng, nếu dịch chuyển từ ưu tiên kinh tế sang vấn đề sửa đổi Hiến pháp, chính quyền mới tái đắc cử sẽ khiến dư luận dậy sóng. Các thị trường kinh tế đang chờ đợi ông Abe tung ra gói kích thích kinh tế mới, thay vì tận dụng chiến thắng này để nới lỏng những giới hạn quân sự. Thậm chí, ông Abe cũng khó có thể thuyết phục đối tác liên minh – đảng Công Minh trong vấn đề này. Do đó, mục tiêu mở rộng vai trò quân sự của ông Abe nhờ cải cách Hiến pháp đã tiến gần hơn, như khó có thể thành hiện thực trong ngắn hạn.