Bê tông UHPC: Hiệu quả nhưng vẫn thiếu bộ tiêu chuẩn

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bê tông hiệu năng siêu cao (UHPC) sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các loại bê tông truyền thống về cường độ cũng như độ bền, đã được sử dụng ở nhiều nước. Nhưng tại Việt Nam, loại vật liệu này vẫn trong giai đoạn bắt đầu.

Gạch lát được sản xuất thử nghiệm bằng UHPC. Ảnh: Thành Luân  
Gạch lát được sản xuất thử nghiệm bằng UHPC. Ảnh: Thành Luân  

Những viên gạch đầu tiên

Vào năm 2016, cầu dân sinh Đập Đá (Hậu Giang) với nhịp chính dài 18m được thi công diễn ra trong 18 ngày. Đáng chú ý, việc thiết kế và chế tạo phiến dầm cầu được sử dụng bê tông UHPC đem lại nhiều kết quả tích cực. Kết quả thử tải cho thấy, phiến dầm cầu tại cấp tải gấp 10 lần tải trọng phân bố 1.025kg/m2 (gấp 3,5 lần tải thiết kế) không xuất hiện vết nứt, đảm bảo yêu cầu. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất chỉ bằng khoảng 80% so với dầm bê tông truyền thống.

Từ sự kiện đó, bê tông UHPC tạo được tiếng vang lớn khi áp dụng triển khai dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long vào cuối năm 2020. Tiếp đó là các dầm cầu nông thôn, hào kỹ thuật, lan can cầu dẫn điện gió và một số sản phẩm hạ tầng, trang trí khác... tại rất nhiều công trình, dự án trên cả nước.

TS Trần Bá Việt - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bê tông Việt Nam cho biết, việc áp dụng vào thiết kế, sửa chữa mặt cầu Thăng Long đạt kết quả cao sau hơn 2 năm đi vào sử dụng. "Từ khi khánh thành cầu tới nay, trải qua đủ mọi thời tiết nắng mưa, nhiệt độ từ 12 - 45oC, thậm chí có lúc đo được mặt cầu lên tới 65oC nhưng vẫn khai thác tốt, đáp ứng các yêu cầu đề ra với chi phí bảo trì thấp. Loại vật liệu này vượt trội so với bê tông thông thường khoảng 3 - 5 lần, thậm chí là 10 lần" - TS Trần Bá Việt nhận xét.

Lãnh đạo Hiệp hội Bê tông Việt Nam thông tin, thời điểm hiện tại, công nghệ và ứng dụng của bê tông UHPC vẫn còn trong giai đoạn bắt đầu khi mới chủ yếu dùng cho kết cấu hạ tầng công trình vỏ lớn, cầu có nhịp và tải trọng lớn. Đến nay, có khoảng 63 cây cầu được xây dựng sử dụng loại vật liệu này trên cả nước, nhiều nhất thuộc các tỉnh phía Nam và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, bê tông UHPC được áp dụng để chế tạo trong nhiều kết cấu đúc sẵn thuộc các lĩnh vực hạ tầng như hào kỹ thuật, cống thoát nước thải, ứng dụng đúc sẵn neo biển, nắp cống thoát nước, nắp chắn rác thay thế cho các nắp cống bằng gang, hành lang đi bộ thay đá hoa cương…

Nhiều tiềm năng

Với ưu điểm vượt trội, hiện nay, nhiều DN bắt đầu nghiên cứu, triển khai các giải pháp áp dụng UHPC cho trang trí nội thất, ngoại thất (như mặt dựng đúc sẵn, cầu thang đúc sẵn, nhịp cầu đúc sẵn, các cấu kiện trang trí nội thất) vì độ bền vững cao và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tác động của hiệu ứng khí thải.

Theo KTS Ngô Tâm - Công ty CP Tư vấn xây dựng COVIC, các kiến trúc sư đang chọn UHPC làm vật liệu đi đầu của họ khi thiết kế mặt tiền của tòa nhà, vì ưu điểm của loại vật liệu này cung cấp tính linh hoạt và chức năng mà không loại bê tông thông thường nào có thể sánh được.

"Tính linh hoạt giúp các kiến trúc sư tạo ra những thiết kế "độc quyền" cho tòa nhà, mang lại nhiều kết cấu mới sáng tạo cho ngành công nghiệp xây dựng, giảm tác động của hiệu ứng khí thải. Loại vật liệu này cũng chịu kháng cực kỳ cao với các yếu tố xâm thực từ môi trường và thời tiết" - KTS Ngô Tâm chia sẻ.

Dẫu vậy, ông Phạm Tuấn Linh - Công ty CP Xây dựng Module 9 cũng chia sẻ, nhược điểm lớn của bê tông UHPC là nếu sản xuất cho trang trí nội thất, ngoại thất thì lượng xi măng cùng các chất phụ gia phải sử dụng rất lớn làm tăng giá sản phẩm, nếu đấu thầu rất dễ trượt.

"Do giá thành đầu vào lớn nên hiện nay UHPC sử dụng theo yêu cầu của kiến trúc sư cho các dự án xây dựng nhà ở được thiết kế. Còn khi áp dụng vào các dự án đấu thầu lớn, sẽ rất khó vì đơn giá cao hơn nhiều so với sử dụng vật liệu thường" - ông Phạm Tuấn Linh giải thích.

TS Trần Bá Việt cho rằng, việc phát triển bê tông UHPC tại Việt Nam là rất cần thiết. Trong năm nay, Việt Nam sẽ ra bộ tiêu chuẩn cho loại bê tông này nhằm ứng dụng loại vật liệu với nhiều ưu điểm vượt trội trong ngành xây dựng. "Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng được 3 bộ tiêu chuẩn UHPC về vật liệu, thiết kế kết cấu và thi công nghiệm thu. Dự thảo lần 1 đã hoàn thành và cuối năm 2022 sẽ ban hành" - TS Trần Bá Việt chia sẻ.

 

Tôi rất hy vọng, bê tông UHPC sẽ được sử dụng trong "đại dự án" là tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, bởi những ưu điểm vượt trội của loại vật liệu này mang lại. Đây cũng thể hiện tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược với khát vọng tạo ra động lực mới cho Thủ đô phát triển.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bê tông Việt Nam, TS Trần Bá Việt