Belarus tiết lộ lý do để Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Minsk khẳng định kế hoạch hạt nhân của Nga sẽ không trái với các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/3 thông báo sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Ảnh: Tass
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/3 thông báo sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Ảnh: Tass

Bộ Ngoại giao Belarus hôm 28/3 giải thích rằng nước này đồng ý để Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ do đối mặt với áp lực từ các nước phương Tây, theo hãng tin Reuters.

Bộ Ngoại giao Belarus nêu rõ trong tuyên bố hôm 28/3: "Trong hai năm rưỡi qua, Belarus phải chịu áp lực chính trị, kinh tế và thông tin chưa từng có từ Mỹ, Anh cùng các nước NATO khác, cũng như các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU)".

Theo Bộ Ngoại giao Belarus, những áp lực này buộc Minsk phải hành động để đảm bảo an ninh quốc gia. "Trước những tình huống này, cũng như những lo ngại chính đáng và rủi ro trong lĩnh vực an ninh quốc gia phát sinh từ chúng, Belarus buộc phải phản ứng bằng cách tăng cường khả năng an ninh và phòng thủ của chính mình" - tuyên bố cho hay.

Belarus cũng khẳng định các kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus sẽ không trái với các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế vì Belarus sẽ không có quyền kiểm soát vũ khí này.

Tuyên bố được Belarus đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/3 thông báo sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng, khẳng định đây là động thái "không có gì bất thường".

Nhà lãnh đạo Nga cho hay sẽ bắt đầu huấn luyện các phi công Belarus vào đầu tháng 4 để lái máy bay mang bom hạt nhân và sẽ hoàn thành xây dựng một cơ sở chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus trước ngày 1/7 tới.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Moscow,  hôm 17/2/2023. Ảnh: Reuters
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Moscow,  hôm 17/2/2023. Ảnh: Reuters

Tổng thống Putin nói rằng người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko từ lâu đã nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus. Ông đảm bảo rằng thỏa thuận với Belarus không vi phạm nghĩa vụ quốc tế của hai nước về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nga cũng sẽ chỉ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus, chứ không chuyển giao số vũ khí này cho Minsk.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật có đầu đạn nhỏ, được thiết kế để sử dụng trong một cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường, thay vì phá hủy quy mô lớn.

Phản ứng về thông báo triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus, một loạt quốc gia đã chỉ trích Nga.

Ngày 26/3, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine, ông Oleksiy Danilov, cảnh báo việc Nga lên kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sẽ gây bất ổn cho quốc gia Đông Âu này. Bộ Ngoại giao Ukraine đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức một cuộc họp khẩn về vấn đề liên quan, kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện những biện pháp quyết đoán nhằm ngăn chặn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.

Cùng ngày, NATO đã chỉ trích quyết định của Nga là nguy hiểm. Người phát ngôn của NATO, bà Oana Lungescu, tuyên bố: "NATO đang theo dõi chặt chẽ vấn đề này”. Cũng theo bà Oana Lungescu, NATO chưa nhận thấy thay đổi nào trong kho vũ khí hạt nhân của NATO để buộc khối này phải có những điều chỉnh tương xứng.

Tại Mỹ, Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết sẽ theo sát các động thái mới của Nga. Theo Điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby, Mỹ chưa nhận thấy dấu hiệu Nga chuyển vũ khí hạt nhân sang nước khác.

Về phần mình, ngày 27/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định bất chấp những lời chỉ trích từ phương Tây, Nga sẽ không thay đổi kế hoạch do Tổng thống Putin tuyên bố. Trả lời họp báo thường kỳ, ông Peskov nêu rõ: "Một phản ứng như vậy tất nhiên không thể ảnh hưởng đến các kế hoạch của Nga".

Ngày 24/3, Bộ Tài chính Mỹ thông báo Washington đã quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà sản xuất xe BelAZ và MAZ của Belarus. Ngoài ra, 7 thành viên của Ủy ban Bầu cử Trung ương của đất nước, bao gồm cả Chủ tịch Igor Karpenko, đã bị trừng phạt. Bên cạnh đó, chiếc máy bay được cho là của Tổng thống Alexander Lukashenko đã được thêm vào danh sách đen của Mỹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần