Kỷ niệm 27 năm Ngày thành lập BHXH Hà Nội (15/6/1995 - 15/6/2022)

Bền bỉ vun trồng “trái ngọt” an sinh

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hành trình 27 năm xây dựng, phát triển, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội luôn cố gắng triển khai hiệu quả nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia, chăm lo tốt cho các đối tượng thụ hưởng chính sách; không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng phục vụ.

Sự nỗ lực đó đã góp phần đưa chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đến gần hơn với người dân, trở thành trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn Hà Nội.

Điểm tựa vững chắc

Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho hay, trải qua 27 năm hình thành và phát triển (15/6/1995 - 15/6/2022), ngành BHXH Hà Nội ngày càng khẳng định rõ vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Chỉ cần nhìn lại những con số đạt được từ năm 1995 đến nay cũng đủ thấy rõ sự lớn mạnh của ngành BHXH Thủ đô.

Ngành BHXH Hà Nội luôn tập trung quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, DN. Ảnh: Trần Thảo
Ngành BHXH Hà Nội luôn tập trung quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, DN. Ảnh: Trần Thảo

Hiện nay, toàn TP có hơn 3,7 triệu người tham gia BHXH. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Chính sách BHXH tự nguyện hướng tới người nông dân, lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức từng bước đi vào đời sống.

Tính đến 25/5/2022, số người tham gia BHXH tự nguyện 61.184 người, tăng 20,64% tương đương tăng 10.467 người so với cùng kỳ năm 2021; chiếm 1,25% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Số người tham gia BHXH bắt buộc là 1.872.920 người, tăng 3,95% tương đương tăng 71.119 người so với cùng kỳ năm 2021. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 1.807.820 người, tăng 4,07% tương đương tăng 70.784 người so với cùng kỳ năm 2021; chiếm 37,06% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Việc tham gia BHTN giúp người lao động (NLĐ) được thụ hưởng nhiều quyền lợi như trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm hoặc hỗ trợ đào tạo nghề trong thời gian không may bị mất việc làm, để sớm trở lại thị trường lao động.

Đặc biệt, đối tượng tham gia BHYT được mở rộng và tăng với tốc độ rất nhanh. Nếu như năm 1995 có 552.308 người được cấp thẻ BHYT, bằng 13,9% dân số thì đến ngày 25/5/2022, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,47% dân số. Số người tham gia BHYT là 7.461.117 người, tăng 2,19% tương đương tăng 159.845 người so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 2022, BHXH TP phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT 92,5%, giúp người dân có điều kiện để chăm sóc sức khỏe, giảm chi phí khám, chữa bệnh. Tổng số thu từ BHXH, BHYT, BHTN cũng tăng liên tục, từ 116,7 tỷ đồng năm 1995, tăng lên 49.123,7 tỷ đồng vào năm 2021.

Để đảm bảo thực thi chính sách BHXH, BHYT, ngành BHXH TP phối hợp với các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nợ đọng BHXH. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP và sự nỗ lực vào cuộc của các đơn vị, tỷ lệ nợ BHXH, BHYT liên tục giảm mạnh đều qua các năm: Năm 2016 (7,99%), năm 2017 (3,9%), năm 2018 (2,53%), năm 2019 (1,98% so với kế hoạch thu, thấp nhất so với các năm trước đây). Năm 2021, toàn TP có 48.146 đơn vị nợ (521.696 lao động) với tổng số tiền nợ BHXH, BHYT là 3.858,6 tỷ đồng. Năm 2022, tính đến tháng 5, có 80.881 đơn vị nợ BHXH, BHYT với 2.020.118 lao động. Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 5.191,9 tỷ đồng, giảm 55,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Để thực hiện khám chữa bệnh BHYT cho người dân, năm 2021, BHXH TP ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 182 cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến T.Ư đến tuyến y tế cơ sở. Đặc biệt, từ năm 2003 đến nay, BHXH Hà Nội đã đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT theo đúng quy định. Số lượt người được khám chữa bệnh theo chế độ BHYT tăng nhanh qua từng năm.

Cụ thể, năm 1995 có 1,6 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, năm 2019 là 12 triệu lượt người; năm 2021 là hơn 8,6 triệu lượt người. Chỉ tính riêng số lượt khám khám chữa bệnh BHYT phát sinh trong 5 tháng đầu năm 2022, có tới 3.401.892 lượt người, bằng 102,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 2.932.186 lượt khám chữa bệnh ngoại trú; 469.706 lượt điều trị nội trú.

Qua đó cho thấy, Hà Nội đã có hàng trăm triệu lượt người có thẻ BHYT được bảo đảm quyền lợi khi đi khám chữa bệnh với tổng chi phí do Quỹ BHYT chi trả lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch, bệnh mạn tính có chi phí điều trị lớn đều đã được cơ quan BHXH thực hiện thanh toán đầy đủ đúng quy định, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Bước chuyển mình trong chuyển đổi số

Hà Nội là nơi có số đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng lớn nhất cả nước. Đối tượng hưởng chính sách rất đa dạng. Những năm qua, BHXH Hà Nội đã phối hợp với Ngân hàng và Bưu điện thực hiện tốt nhiệm vụ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng quy định trước ngày 10 hàng tháng.

Năm 1995, Hà Nội giải quyết và chi trả lương hưu và các chế độ BHXH hàng tháng cho 224.348 người với số tiền 592 tỷ đồng; đến năm 2019 là 556.320 người với 31.483 tỷ đồng (tăng 53 lần so với năm 1995).

Trong thời gian dịch bệnh, BHXH Hà Nội thực hiện đa dạng, linh hoạt các phương thức chi trả (chi trả gộp 2 tháng, chi trả tại nhà); đẩy mạnh chi trả qua tài khoản ATM. Năm 2021, Hà Nội thực hiện chi lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng cho 573.549 người hưởng với số tiền 33.611 tỷ đồng.

các năm, BHXH TP đều thực hiện kịp thời đúng chế độ về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH cho đối tượng khi có sự thay đổi về tiền lương tối thiểu hoặc có sự bổ sung, sửa đổi về chính sách BHXH của Nhà nước. Những kết quả ấy là “trái ngọt” an sinh toàn ngành BHXH TP Hà Nội thu được sau 27 năm bền bỉ vun trồng.

Những năm qua, ngành BHXH Hà Nội luôn tập trung quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, DN, từ việc tiếp nhận đến thụ lý giải quyết, trả kết quả. Nổi bật là số TTHC do ngành quản lý đã giảm từ 115 thủ tục vào năm 2014, xuống còn 28 thủ tục vào năm 2019. Số giờ để thực hiện các thủ tục giảm tương ứng từ 335 giờ/năm, xuống còn 49,5 giờ/năm. 100% đơn vị, DN trên địa bàn TP được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử.

Đến nay có 93.168 đơn vị tham gia BHXH, BHYT thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử (chiếm 99,53%). Đặc biệt, toàn TP hiện có 3.884.456 người đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH và được cấp tài khoản sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số, là đơn vị có số người cài đặt ứng dụng VssID lớn nhất toàn quốc, đạt124,77% kế hoạch được BHXH Việt Nam giao năm 2021 (chỉ tiêu giao 3.113.334 người).

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, BHXH TP vẫn đảm bảo giải quyết các chế độ BHXH, BHYT của DN và người dân kịp thời, đúng quy định. Tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết tính đến năm 2021 là 12.885.194 hồ sơ, tăng 83.543 hồ sơ tương đương tăng 0,65% so với năm 2020. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, BHXH TP đã tiếp nhận 5.043.054 hồ sơ, đã giải quyết 4.957.047 hồ sơ.

Hơn 20 năm qua, BHXH Hà Nội đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, bước chuyển mình quan trọng trong chuyển đổi số, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, NLĐ và DN tham gia và hưởng BHXH, BHYT... 27 năm không phải là một hành trình dài nhưng cũng đủ để BHXH TP Hà Nội và từng cán bộ, đảng viên, viên chức toàn ngành góp phần xây nền móng vững chắc cho sự nghiệp an sinh xã hội của Thủ đô.

 

Thời gian qua, BHXH Hà Nội đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ DN, NLĐ, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ. Thời gian giải quyết hồ sơ được rút ngắn so với quy định (từ 5 ngày còn 1 ngày khi thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP; giảm 50% thời gian và chi trả theo Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với NLĐ đang tham gia theo Nghị quyết số 116/NQ-CP) đảm bảo chi hỗ trợ kịp thời, đúng quy định. Giải quyết số hồ sơ tăng 83.543 lượt so với năm 2020, duy trì tỷ lệ hồ sơ chậm muộn dưới 1%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần