Trẻ béo phì đối mặt với nhiều nguy cơ
Trẻ em bị tăng cân - béo phì, sẽ đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe nghiêm trọng như: Huyết áp và cholesterol cao, là yếu tố nguy cơ cho bệnh lý tim mạch; tăng nguy cơ tiểu đường týp 2; các vấn đề về xương khớp; bệnh gan nhiễm mỡ, sỏi mật và trào ngược dạ dày - thực quản… Nghiêm trọng hơn, trẻ béo phì có nhiều khả năng trở thành người trưởng thành bị béo phì, trong khi béo phì người lớn có liên quan đến tăng nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe bao gồm bệnh tim mạch, tiểu đường týp 2 và ung thư. Đây là 3 nhóm nguyên nhân chính gây tử vong trên toàn cầu hiện nay. Theo ước tính, mỗi năm trên thế giới có hơn 3 triệu người tăng cân - béo phì chết mà nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ bệnh lý tim mạch.
Để con trẻ tăng cân, béo phì, lỗi lớn bắt nguồn từ chính chúng ta. Đẻ mổ, ăn uống hàng quán với những món chiên xào, rán và nước ngọt đóng chai quá nhiều, trẻ ít vận động vì bận ngồi học đủ các môn, xem tivi điện thoại… chính là những nguyên nhân chính làm trẻ dễ dàng tăng cân, béo phì.
Phòng tránh bằng cách nào?
Nếu có thể, hãy đẻ thường, những trẻ mổ đẻ có hệ vi khuẩn trên cơ thể khác hẳn với những trẻ đẻ thông thường theo đường tự nhiên. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ mổ đẻ dễ bị dị ứng, hen suyễn, bệnh lý về da, bệnh lý về đường ruột và béo phì hơn.
Ngăn ngừa béo phì ở trẻ sơ sinh: Trẻ được bú sữa mẹ càng lâu thì nguy cơ bị béo phì khi lớn lên càng ít. Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ giảm hơn 15->25% nguy cơ bị béo phì sau này và tỷ lệ này tăng lên 20->40% khi chúng ta tiếp tuc cho trẻ bú ở 6 tháng tiếp theo hoặc lâu hơn.
Ăn bữa sáng đầy đủ: Mặc dù nhiều người nghĩ rằng họ sẽ cắt giảm lượng calo bằng cách cắt bữa ăn sáng, nhưng sự thật ngược lại. Một cuộc khảo sát về sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia của Mỹ cho thấy những người ăn bữa sáng có cân nặng giảm hơn khoảng 2,7kg so với nam giới không ăn sáng; phụ nữ giảm khoảng 4kg.
Ăn thức ăn nhiều chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh: Ăn một bát gạo lứt với đậu xanh và rau vào bữa trưa có thể giúp chúng ta thấy ổn trong cả một buổi chiều dài. Các loại thực phẩm giàu chất xơ như thế này có ít calo, nhiều chất xơ, chúng cũng được tiêu hóa chậm, giúp chúng ta ổn định lượng đường trong máu tốt hơn và lâu hơn. Rau xanh và rau sống như cà rốt, bí xanh và bông cải xanh có hàm lượng calo thấp nhưng có hàm lượng nước và chất xơ cao, điều này giúp bạn cảm thấy không mau đói, đường ruột lại luôn được làm sạch.
Tránh các loại thực phẩm có mật độ năng lượng cao hoặc có nhiều calo trong một lượng nhỏ thức ăn. Ví dụ, một miếng phô mai và một lượng lớn khoai tây chiên có thể có gần 1.000 calo và 30 gram chất béo. Nhắc trẻ chỉ ăn khi đói và ăn chậm, nhai kỹ.
Xây dựng kế hoạch vận động thể chất cho trẻ và cho chính mình. Trẻ em nên có một giờ hoạt động thể chất vừa phải hầu hết các ngày trong tuần. Ngoài ra, cần giảm thời gian trước tivi và máy tính xuống dưới 2 giờ mỗi ngày. Mỗi chúng ta nên tự kiểm tra mức độ hoạt động thể chất của chính mình mỗi ngày, nếu bận rộn quá thì đi cầu thang bộ lên nơi mình làm việc, đạp xe đạp đến cơ quan, hít đất hoặc chạy bộ 15 - 30 phút mỗi lần trước khi tắm… đều là những vận động thể chất có ý nghĩa, góp phần giúp chúng ta hạn chế được nguy cơ béo phì và bệnh tật.