Bệnh não úng thủy - chớ coi thường

Bài, ảnh: Phương Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng trăm bệnh nhân bị bệnh não úng thủy đã được Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư phẫu thuật thành công bằng phương pháp nội soi phá sàn não thất III (ETV) kết hợp đốt đám rối mạch mạc (CPC) bằng ống mềm.

Ưu điểm của phương pháp này là thời gian thực hiện ngắn, tổn thương nhỏ, nguy cơ biến chứng thấp.
Phẫu thuật nội soi cho hàng trăm bệnh nhi
Nhìn cậu bé Nguyễn P. M. (4 tuổi, Hà Nội) thông minh, nhanh nhẹn, không ai nghĩ đây là trường hợp mắc bệnh não úng thủy bẩm sinh. Mẹ cháu bé chia sẻ, khi mang thai bé được 5 tháng, qua siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán bé bị giãn não thất.
Sau khi bé chào đời, gia đình đưa con đến BV Nhi T.Ư thăm khám thì bác sĩ kết luận, bé M. bị mắc bệnh não úng thủy và chỉ định phẫu thuật. Chờ đến khi được 2 tuổi, bé M. được các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi. Đến nay, đã hơn 2 năm, qua 3 lần tái khám, các bác sĩ cho biết, sức khỏe của M. tiến triển rất tốt, bé vận động và nhận thức tốt như các trẻ cùng trang lứa.
Bác sĩ Trần Văn Sĩ khám cho bệnh nhân bị não úng thủy tại Bệnh viện Nhi T.Ư.
Cùng đến tái khám đợt này với cháu M. là bé Nguyễn B.Q. (30 tháng tuổi, Hà Nội). Trước đó, cháu Q. cũng được chẩn đoán thoát vị não kèm giãn não thất từ khi còn trong bụng mẹ. Gia đình vẫn quyết tâm giữ con. Sau đó, cháu Q. được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật đặt ống shunt trong não thất.
Tuy nhiên khi 4 tháng tuổi, ống shunt bị tắc khiến bé tái diễn tình trạng giãn não thất. Lần thứ 2 đưa con đến phẫu thuật tại BV Nhi T.Ư, gia đình bé Q. được các bác sĩ tư vấn phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị bệnh này. Đến nay, đã hơn 2 năm trôi qua, bé Q. chưa phải phẫu thuật lại lần nào. Quá trình phát triển tinh thần và vận động của cháu cho kết quả tốt.
Được biết, phương pháp mổ nội soi bằng ống nội soi mềm nằm trong chương trình hợp tác quốc tế giữa tổ chức Cure International và một số BV như BV Nhi T.Ư, Nhi đồng 2 và BV Đà Nẵng. Cho đến nay, cả nước đã có 370 ca (trong đó Viện Nhi T.Ư có 227 ca) bệnh nhi mắc bệnh được thụ hưởng lợi ích từ phương pháp tiên tiến này.
Phòng bệnh từ khi trong bào thai
Theo bác sĩ Trần Văn Sĩ - khoa Ngoại Thần kinh, BV Nhi T.Ư, não úng thủy là một bệnh lý thần kinh trung ương có thể để lại nhiều di chứng nặng nề ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu bệnh nhi được chẩn đoán sớm và điều trị tốt có thể phát triển tâm thần, vận động bình thường.
Trước đây, để điều trị bệnh nhân mắc bệnh này, các bác sĩ chỉ có một phương pháp duy nhất là tiến hành phẫu thuật đặt van dẫn lưu (shunt) bên trong não thất - nơi có dịch não tủy tích tụ quá nhiều. Tuy nhiên, phương pháp được coi là duy nhất này vẫn tiềm ẩn nhiều biến chứng đối với các bệnh nhi như xuất huyết trong não, nhiễm trùng và tắc van dẫn lưu.
Còn đối với phương pháp phẫu thuật nội soi, các bác sĩ sẽ tiến hành mở một lỗ nhỏ trên sọ của bệnh nhân và đưa thiết bị nội soi qua đó để tiến hành phẫu thuật. Ưu điểm của phương pháp này là thời gian thực hiện ngắn (chừng 30 - 40 phút), tổn thương nhỏ nên ít gây đau đớn, nguy cơ biến chứng, nhiễm trùng thấp hơn.
Bác sĩ Sĩ cũng chỉ ra những dấu hiệu khi trẻ mắc bệnh não úng thủy. Đó là những bé có vòng đầu lớn bất thường, có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường. Thóp trước và thóp sau phồng, ấn vào cảm giác căng, da đầu mỏng do bị kéo căng theo kích thước vòng đầu, mạch máu nổi rõ dưới da đầu. Trẻ bị bệnh thường bỏ bú, nôn mửa, mắt nhìn lệch xuống dưới, ít chuyển động.
Ngoài ra trẻ cũng hay bị co giật, dễ kích thích, tay chân kém linh hoạt. "Não úng thủy là một căn bệnh rất nguy hiểm. Nó làm tổn thương trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương nên trẻ bị não úng thủy sẽ bị những di chứng trầm trọng nếu không điều trị sớm và đúng cách như chậm phát triển tâm thần, động kinh... thậm chí tử vong" – bác sĩ Trần Văn Sĩ nói.
Để giảm thiểu nguy cơ trẻ sinh ra bị não úng thủy, bác sĩ khuyến cáo các bà mẹ khi mang thai cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nhất là các vitamin, acid folic thông qua các loại rau quả và ngũ cốc. Thực hiện khám thai đầy đủ, đúng lịch, tiêm đủ các loại vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo của bác sĩ.
Khi bé được sinh ra, cần bảo vệ bé tránh bị những chấn thương vùng đầu như: Loại bỏ những vật không an toàn khi bé tập bò, tập đi, sử dụng nôi có lan can bảo vệ hoặc thanh chắn để bé không bị té ngã. Thực hiện việc tiêm chủng cho trẻ đầy đủ để làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến não.

Theo các chuyên gia y tế, não úng thủy không phải là căn bệnh chỉ gặp ở trẻ em mà người lớn vẫn có bệnh lý này và thường gặp ở những bệnh nhân chấn thương đầu hoặc có những bệnh lý não bộ. Ở một số trường hợp não úng thủy của người trưởng thành có những triệu chứng tương tự như ở trẻ em. Các triệu chứng bệnh ở người lớn có thể bao gồm: Suy giảm trí nhớ và tư duy; Gặp khó khăn trong việc đi lại; Mất kiểm soát việc đi tiểu…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần