Người dân chưa được khám, phát hiện, theo dõi các bệnh mạn tính
Đó là thông tin tại hội thảo “Y tế cơ sở - từ chính sách đến hành động” do Sở Y tế Hà Nội tổ chức ngày 18/11. Tới dự có Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Đức Hòa; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam đã được củng cố, phát triển. Mặc dù được Quốc hội, Chính phủ, UBND các tỉnh, TP quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư trong suốt thời gian qua, song y tế cơ sở vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết.
Trong đó, khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế chính sách đặc biệt là cơ chế tài chính và nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh (KCB).
Tại Hà Nội, số lượt người đến KCB ở phòng khám, đa khoa, trạm y tế khoảng 2 triệu lượt/năm. Tuy nhiên, số người dân đến với y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe thường chiếm tỷ lệ thấp và càng ngày càng sụt giảm. Có nhiều nguyên nhân, như “chất lượng dịch vụ”, “lòng tin của người dân” hay cơ chế chính sách và mức đầu tư.
Nhiều chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy tiềm năng và thế mạnh, điều đó dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe. Các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện.
Những quy định như phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề, danh mục kỹ thuật tại trạm y tế (TYT) xã hay chính sách thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế (BHYT) và một số quy định khác đã làm giảm lượng người bệnh đến KCB tại tuyến y tế xã, phường, bệnh viện tuyến huyện.
Do vậy, các cơ sở KCB bệnh tuyến cơ sở đã bị hạn chế phát triển chuyên môn, thiếu thuốc tốt, trang thiết bị cần thiết, các thầy thuốc giỏi trình độ cao đã dịch chuyển về làm việc ở các bệnh viện tuyến trên và khu vực tư nhân.
Người dân chưa được khám, phát hiện, quản lý, theo dõi các bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường,… một cách bài bản, thường xuyên, liên tục và còn vô vàn khó khăn khác nữa nảy sinh từ hoạt động của y tế cơ sở.
Chính vì lẽ đó, hội thảo “Y tế cơ sở - từ chính sách đến hành động” mong muốn đưa được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với y tế cơ sở, để tiếp tục hiện thực hóa các chủ trương, chính sách do Trung ương, Chính phủ, Bộ Y tế ban hành về y tế cơ sở góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân.
Đứng trước yêu cầu phát triển hệ thống an sinh xã hội theo hướng hiện đại, nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở, phù hợp với việc phân cấp cơ sở KCB theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt Đề án 1816 của Bộ Y tế về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng KCB.
Sở Y tế Hà Nội đã nghiên cứu, sáng tạo mô hình “Bệnh viện Chị - Em” giữa Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Ba Vì với mục tiêu Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn hỗ trợ toàn diện, trách nhiệm, hiệu quả, bền vững để nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở, với 1 ý tưởng rất gần gũi, nhưng vô cùng thiết thực và ý nghĩa.
Đó là mô hình có sự giúp đỡ, yêu thương, gắn bó như chị em trong nhà… Đã đến lúc y tế cơ sở phải hành động từ những việc làm rất thực chất, rất cộng đồng gắn với từng người dân.
Điều quan trọng, không thể thiếu quyết định sự thành công và tính bền vững của mô hình đó là cần ứng dụng tối đa công nghệ thông tin (CNTT) giữa các cơ sở như khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa, đào tạo từ xa, đi buồng ảo, chuyển tuyến điện tử.
Thông qua ứng dụng CNTT, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn có thể hỗ trợ chuyên môn toàn diện, hàng ngày cùng lúc cho nhiều đơn vị y tế tuyến xã. Phương pháp đào tạo đa dạng, hiệu quả, phù hợp thực tiễn, tổ chức nhiều hình thức và thời gian đào tạo linh hoạt, phù hợp, quản lý khoa học và toàn diện toàn bộ quy trình đào tạo.
Qua thí điểm thời gian ngắn vừa qua đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận. Cụ thể, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì đã triển khai quy trình khám bệnh 1 chiều không giữ thẻ BHYT. Khai trương Đơn nguyên Cấp cứu và Đơn nguyên Sơ sinh, chuyển giao kỹ thuật tiêu sợi huyết và đã cấp cứu thành công 1 ca nhồi máu não giờ thứ 2,5.… TTYT huyện Ba Vì đã xây dựng được mô hình quản lý sức khỏe thật sự hiệu quả cho người dân ngay tại cộng đồng.
Hà Nội cũng là địa phương được Bộ Y tế, Bộ Công an chọn là địa bàn thực hiện việc thí điểm việc xây dựng hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân gắn với Đề án 06 của chính phủ. Hà Nội cũng đang nỗ lực hoàn thiện nội dung này để tạo những mảnh ghép thật sự hoàn chỉnh cho bức tranh hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới với sự cầu thị, sự tâm huyết.
Khoảng 50% danh mục dịch vụ tuyến xã chưa thực hiện được
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về củng cố và phát triển y tế cơ sở, ngành y tế Hà Nội chủ động, sớm nắm bắt được chủ trương, đường lối, là địa phương đi đầu trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn, có những bước đi, cách làm mới sáng tạo để hoàn thiện y tế cơ sở.
Trên thực tế, một số mô hình quản lý sức khỏe, KCB đã được xây dựng thành công như TTYT Sóc Sơn, TTYT Ba Vì đã tạo được sự tin tưởng của người dân, giảm gánh nặng đáng kể cho y tế tuyến trên.
Từ ngày 1/1/2024, Luật KCB số 15 do Quốc hội ban hành có hiệu lực. Theo đó, 4 tuyến cơ sở KCB sẽ được thay thế bởi 3 cấp bao gồm cấp ban đầu, cấp cơ bản và cấp chuyên sâu.
Việc chuẩn bị nâng cao năng lực cho các cơ KCB cho cấp ban đầu của Hà Nội là hết sức cần thiết, cấp bách đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống quản lý và giúp đỡ của các cơ sở KCB đầu ngành của Hà Nội.
Sở Y tế đã có những giải pháp sáng tạo, đồng thời thực hiện cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Bộ Y tế như: Ứng dụng CNTT trong KCB, KCB từ xa áp dụng ngay tại tại tuyến y tế cơ sở - là cấp KCB ban đầu.
Đặc biệt, đề xuất triển khai thí điểm mô hình “Bệnh viện Chị - Em giữa Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn với Bệnh viện huyện Ba Vì và TTYT Ba Vì là một cách làm mới trong công tác chỉ đạo tuyến giữa tuyến trên và tuyến dưới.
“Bên cạnh sự chuẩn bị, sẵn sàng và nỗ lực của ngành y tế Hà Nội, rất cần sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị của TP, sự hướng dẫn, giúp đỡ của Bộ Y tế và sự chia sẻ đồng hành của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH), tạo cơ sở, hành lang và chính sách thuận lợi cho các cơ sở y tế đảm bảo công tác KCB, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT)” - Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế nhấn mạnh.
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, cần có chính sách tạo điều kiện cho y tế cơ sở để hạn chế người dân vượt tuyến, giảm chi phí cho người dân và giảm tải cho tuyến trên.
Bà Đào Lan Hương - Đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết, một nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, khoảng 30% trường hợp nhập viện có thể tránh được nếu được chăm sóc sức khỏe tốt tại y tế cơ sở. Có 10 nhóm bệnh nhập viện cao nhất, nếu được kiểm soát tốt ngay tại y tế cơ sở thì sẽ giảm được khoảng 80% các ca nhập viện do các bệnh này.
Liên quan đến quyền lợi của người dân khi KCB tại xã, phường, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết, Luật BHYT đang sửa đổi trong đó có những tháo gỡ khó khăn cho y tế cơ sở, ưu tiên ngân sách cho TYT, chú trọng chính sách thanh toán BHYT cũng như nhân lực…
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tại tuyến xã hiện có 182 danh mục kỹ thuật được Quỹ BHYT thanh toán, nhưng hiện các TYT xã chưa thực hiện được khoảng 50% danh mục, chưa được BHYT thanh toán khoảng 50% số danh mục kỹ thuật thuộc phạm vi được triển khai.
Các TYT xã muốn được phê duyệt chi trả thì các sở y tế phải phê duyệt danh mục và đảm bảo điều kiện thực hiện các kỹ thuật tại tuyến xã. Do đó, các sở y tế cần nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến xã.
“Hiện nay có 6 thách thức của y tế cơ sở: Nhân lực của TYT xã là vấn đề then chốt; niềm tin của người dân với TYT xã; tác động chính sách thông tuyến; chất lượng KCB gắn liền với người bệnh; sự quyết tâm của người đứng đầu và vấn đề tài chính – kinh tế y tế” - ông Hòa nêu rõ.
Đề cập đến 5 giải pháp đối với y tế cơ sở, ông Hòa cho rằng, điều kiện kiên quyết đó là nhân lực, chất lượng KCB tại tuyến y tế xã. Tuyên truyền hiệu quả tạo sự tin tưởng của người dân. Quản lý hiệu quả bệnh không lây nhiễm. Nguồn lực – tài chính y tế và vấn đề ứng dụng CNTT. “Muốn phục vụ, muốn bao phủ bền vững BHYT thì vấn đề chất lượng y tế đi theo rất quan trọng” – lãnh đạo BHXH Việt Nam nhấn mạnh.
Với TP Hà Nội, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 08 về việc phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025 trong đó có rất nhiều nội dung được quan tâm về phát triển y tế cơ sở.
Trong toàn bộ chương trình có 27 chỉ tiêu thì đã có 9 chỉ tiêu về y tế. UBND TP cũng đã ban hành Kế hoạch số 196 triển khai thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn Hà Nội. Kế hoạch nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân.