Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bệnh nhân test nhanh dương tính không tự đến cơ sở điều trị tầng 2 - 3: Tránh nguy cơ lây lan dịch

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra tình trạng nhiều người dân tự test nhanh có kết quả dương tính và tự ý di chuyển tới bệnh viện (BV) - cơ sở điều trị tầng 2 - 3, thay vì thông báo chính quyền địa phương.

Chuyên gia y tế khuyến cáo, khi xét nghiệm dương tính, người dân cần bình tĩnh tự cách ly tại nhà, báo cơ sở y tế, tuyệt đối không nên tự ý di chuyển nhập viện khi không có dấu hiệu bất thường tránh nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng.
Tự test nhanh dương tính, tự đến viện điều trị
Vài ngày gần đây, tại BV Thanh Nhàn tiếp nhận đến bệnh nhân tự test nhanh dương tính, tự ý đến BV điều trị. Có ngày, BV tiếp nhận đến 20 trường hợp. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn, với những trường hợp này, BV không tiếp nhận, trừ trường hợp cấp cứu. Nếu bệnh nhân F0 không thông báo đến địa phương, tự di chuyển đến BV thì BV vừa không chủ động, vừa gây lây lan dịch ra cộng đồng. Điều này rất nguy hiểm và đòi hỏi ý thức khai báo của người dân cũng như sự sát sao kiểm soát của chính quyền cơ sở. Vì vậy, nếu bệnh nhân test nhanh, phải thông báo cho Trung tâm y tế (TTYT), địa phương để y tế cơ sở chủ động lấy mẫu, cách ly tại nhà.
 Nhân viên y tế BV Đa khoa Đức Giang làm nhiệm vụ tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19.
Bác sĩ Hương cũng nêu rõ, theo sự chỉ đạo, các BV nếu phát hiện bệnh nhân test nhanh cho kết quả dương tính thì gọi điện lại cho TTYT để TTYT quản lý. Nếu bệnh nhân ở nhà, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) lấy mẫu, làm xét nghiệm PCR. Nếu xét nghiệm dương tính, trường hợp F0 (nhẹ và không triệu chứng) có thể điều trị tại nhà dưới sự quản lý của nhân viên y tế cơ sở, trạm y tế trung tâm, hoặc ở khu thu dung điều trị. Khi bệnh nhân ở mức độ vừa mới lên bệnh viện tuyến quận, huyện. Còn khi bệnh nhân nặng, mới chuyển đến BV hạng I.
“Hiện tại, BV Thanh Nhàn đang điều trị cho khoảng hơn 100 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, ở tầng 2, có 50 giường, hầu hết là bệnh nhân cao tuổi (70-90) nên BV cũng gặp khó khăn trong chăm sóc cho các bệnh nhân này. Tầng 3 điều trị cho các bệnh nhân nặng nguy kịch, chủ yếu là người cao tuổi, một số ca phải thở máy, mắc Covid-19 trên nền tăng huyết áp, tai biến mạch máu não. Mỗi ngày, BV tiếp nhận từ 20 - 30 ca, trong đó có khoảng 15% bệnh nhân ở phân tầng 3. Hiện không có bệnh nhân chạy ECMO” - bác sĩ Hương cho hay.
Tương tự, tại BV Đa khoa Đức Giang, trong vài ba ngày trở lại đây, mỗi ngày, BV cũng tiếp nhận 5-10 bệnh nhân tự xét nghiệm nhanh phát hiện dương tính và tự tìm đến BV.
Theo TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang, Hà Nội có đủ khả năng bố trí khoảng 12.000 giường điều trị Covid-19, trong khi hiện nay con số điều trị khoảng 5.000 bệnh nhân. Hiện nay, Hà Nội đang triển khai việc cách ly, điều trị tại nhà với bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Do vậy, nếu người dân test nhanh, không có triệu chứng, cần hết sức bình tĩnh, thông báo với các cơ sở, để họ xử lý từng bước. Vì hiện nay chúng ta sống an toàn với dịch, an toàn không có nghĩa là sốt sắng. Nếu người bệnh không có triệu chứng, thậm chí chỉ sốt nhẹ, mỏi người một chút, người dân không nên vội vàng, lo lắng.
“Nếu trường hợp có triệu chứng nặng, nghiêm trọng, người dân có thể gọi tổng đài 1022 kết nối trực tiếp đến các trạm y tế lưu động, y tế cơ sở toàn TP. Nếu không liên hệ được, người dân có thể gọi cho TTYT, chính quyền, địa phương. Người bệnh cứ làm từng bước sẽ tốt hơn là tự đến BV. Người bệnh tự đến không gây nhiều khó khăn cho y tế cơ sở. Vì không phải cơ sở y tế nào cũng thực hiện được xét nghiệm PCR. Thế nhưng, quan trọng nhất là trên đường di chuyển đến BV, nếu người bệnh phát hiện dương tính sẽ lây lan ra xung quanh, điều này rất đáng ngại. Vì vậy, ngoài việc chăm lo sức khỏe cho bản thân, người dân còn phải có trách nhiệm với cộng đồng, đừng để lây nhiễm ra cộng đồng” - bác sĩ Thường khuyến cáo.
Cần bình tĩnh tự cách ly tại nhà, báo với địa phương
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế cho rằng, hiện nay, Bộ Y tế cũng như một số tỉnh, TP đã phân loại bệnh nhân F0 điều trị tại tầng 1, 2 và cấp cứu, mỗi phân tầng có trang thiết bị phù hợp với bệnh nhân. Khi người dân xác định là F0, nếu có triệu chứng nhẹ, hãy thông báo tới cơ sở y tế của xã, phường để được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi sức khỏe và điều trị  tại nhà vừa thuận tiện cho bản thân, không phải đến BV, vừa tránh quá tải cho tuyến trên, tránh lây nhiễm chéo với các bệnh lý khác. Thực hiện theo quy trình đó, tâm lý của người dân sẽ thoải mái hơn. Đây là bài học kinh nghiệm rút ra từ các tỉnh miền Nam và cũng trong đợt dịch vừa qua, chúng ta đã xây dựng lên những quy định này. Vì vậy, người dân nên tuân thủ những quy định của Bộ Y tế.
Hiện nay, chưa có quy định hạn chế hay khuyến khích người dân không tự ý test nhanh, tự đến BV điều trị khi phát hiện dương tính. Khi cơ sở khám chữa bệnh nghi ngờ trường hợp mắc Covid-19, thì cơ sở đó xử lý theo quy trình (lấy mẫu PCR ngay hoặc chuyển đến cơ sở lấy mẫu) để quản lý và giám sát. Mặt khác, nếu phát hiện bệnh nhân F0, các cơ sở y tế phải phân luồng, chuyển đến đúng tầng điều trị 1, 2, 3 theo tình trạng của bệnh nhân. Đặc biệt, khi người dân có triệu chứng nghi ngờ, đi làm xét nghiệm thì chúng ta phải lưu ý phòng hộ trong quá trình di chuyển.
Ngoài ra, để đẩy lùi dịch bệnh, mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch. Mỗi người phải tự phòng hộ, bảo vệ chính bản thân mình bằng việc làm nhỏ nhất chính là tuân thủ nghiêm túc thông điệp 5K. Tuyệt đối không được chủ quan, dù bản thân đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19” - Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn lưu ý.
Liên quan đến vấn đề này, TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội phân các tầng điều trị F0 với tầng 1 là tuyến y tế cơ sở, trạm y tế lưu động và tại nhà; tầng 2 gồm 19 BV Đa khoa cấp huyện, do TP phụ trách; tầng 3 là các BV tuyến TP, hạng I và tuyến Trung ương.  TP xây dựng kịch bản ứng phó 10.000, 40.000 và 100.000 ca nhiễm, đồng thời đã có hướng dẫn cho F0 thể nhẹ và không triệu chứng điều trị tại nhà với những trường hợp đủ điều kiện.
“Đến nay, có gần 100 F0 đang được điều trị tại nhà. Đây là các F0 thể nhẹ, không triệu chứng ở 10 quận, huyện; nhiều nhất là ở quận Hà Đông và huyện Hoài Đức. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng hoàn thành việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực cho các cơ sở thu dung, trạm y tế lưu động ở cấp quận, huyện. Hiện nay, 16 quận, huyện đã triển khai cơ sở thu dung F0. Trong tuần này, tất cả các quận, huyện còn lại đồng loạt triển khai cơ sở thu dung F0 tại địa bàn. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện đánh giá, phân tầng, điều phối, tiếp nhận người bệnh Covid-19 căn cứ vào các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế và hướng dẫn phân loại mức độ lâm sàng, phân tầng điều trị của Sở Y tế. Thời gian tới, dự báo số F0 tiếp tục tăng nhanh, công tác chăm sóc, điều trị F0 tại nhà nhiều căng thẳng, áp lực, ngành Y tế sẽ theo dõi, đánh giá sát việc thực hiện ở từng địa phương. Khi phát sinh bất cập, khó khăn, Sở Y tế sẽ báo cáo TP để phương hướng xử lý kịp thời” - TS Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Tính đến hết ngày 6/12, Hà Nội đang điều trị cho 5.977 bệnh nhân Covid-19 tại các tầng. Trong đó, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận điều trị 65 ca, BV Điều trị người bệnh Covid-19 BV Đại học Y Hà Nội (Hoàng Mai) điều trị 114 ca. 16 BV thuộc Hà Nội gồm: BV Đa khoa Đức Giang có 142 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị; BV Thanh Nhàn có 106 bệnh nhân; BV Đa khoa Hà Đông có 109 ca; BV Đa khoa Sơn Tây có 60 ca; BV Bắc Thăng Long có 55; BV Đa khoa Gia Lâm có 33; BV Đa khoa Mê Linh có 144; BV Tâm thần Hà Nội có 8... Ngoài ra, Cơ sở điều trị KTX Phenikaa có 547 bệnh nhân; Cơ sở điều trị Đền Lừ III có 882 bệnh nhân; Cơ sở điều trị Thượng Thanh có 798; Cơ sở điều trị Pháp Vân - Tứ Hiệp có 1.287. Ngoài ra, Cơ sở điều trị KTX Phenikaa đang có 547 bệnh nhân; Cơ sở điều trị Đền Lừ III có 882 bệnh nhân; Cơ sở điều trị Thượng Thanh có 798; Cơ sở điều trị Pháp Vân - Tứ Hiệp có 1.287.