Chính phủ gỡ khó trong mua sắm thiết bị y tế:

Bệnh nhân vơi bớt nỗi lo khi rút ngắn thời gian chờ đợi

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ ban hành đã “cấp cứu” kịp thời, cơ bản giải quyết được những vướng mắc mà bệnh viện (BV) công đang gặp phải trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế (TTBYT).

Đặc biệt, nỗi lo bệnh tật của các bệnh nhân cũng được vơi bớt phần nào khi không phải chờ lâu đến phiên mổ.

Giảm bớt nỗi lo khi thời gian chờ đợi dần rút ngắn khoảng cách

Thời gian qua, nhiều BV tuyến trung ương hạn chế mổ, phải chuyển bệnh nhân, không thể mua sắm, sửa chữa trang thiết bị vì không đủ 3 nhà thầu báo giá.

Bệnh nhân chờ thăm khám tại tại BV Hữu nghị Việt Đức.
Bệnh nhân chờ thăm khám tại tại BV Hữu nghị Việt Đức.

Thế nhưng, trước những khó khăn của ngành Y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 07 sửa đổi, bổ sung Nghị định 98 và Nghị quyết 30 sửa đổi Nghị quyết 144 với hàng loạt giải pháp cụ thể nhằm khẩn cấp tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc và TTBYT phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh (KCB).

Qua đó, nhiều BV đã phần nào “thở phào” vì những khó khăn ban đầu đã khắc phục, tháo gỡ. Nhiều bệnh nhân giảm bớt sự lo lắng, mệt mỏi khi không phải chờ đợi đến phiên mổ. Nỗi lo bệnh tật từ đó cũng đã được vơi bớt phần nào.

Theo ghi nhận của Kinh tế & Đô thị, tại BV Hữu nghị Việt Đức, BV Bạch Mai, BV K, nhiều bệnh nhân phấn khởi khi không phải xếp hàng, chờ đợi để được mổ.

Tại BV Hữu nghị Việt Đức, nhiều bệnh nhân phấn khởi khi không phải xếp hàng, chờ đợi để được mổ.
Tại BV Hữu nghị Việt Đức, nhiều bệnh nhân phấn khởi khi không phải xếp hàng, chờ đợi để được mổ.

Tại BV Hữu nghị Việt Đức, ngồi ngoài hành lang gọi điện cho người thân thông báo tin mừng, chồng mình sức khỏe đã ổn định sau khi mổ, cô L.T.S. (53 tuổi, Hòa Bình) cho biết, do tai nạn xe máy nên chồng của cô (53 tuổi) bị ngã gãy xương chân phải được gia đình đưa vào BV nhập viện ngày 5/3.

 

Sáng 10/3, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Hướng dẫn triển khai Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP tới các sở sở y tế, BV  và DN sản xuất, kinh doanh TTBYT.

“Ngay sau khi vào viện, chồng tôi được BV báo lịch mổ ngày 7/3. Nhưng ở cùng phòng chồng tôi, có một nữ bệnh nhân cũng ở Hòa Bình bị gãy xương chân vừa vào viện hôm 6/3. Ngay ngày hôm sau, bệnh nhân đó đã được phẫu thuật luôn. Tôi thấy nhiều bệnh nhân bảo, có thuốc, TTBYT rồi nên nhiều người sẽ được mổ ngay, không phải chờ đợi” – cô S. cho hay.

Trong khi đó, sốt ruột chờ con gái làm các thủ tục để chuẩn bị mổ chân, bà N.T.X. (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) chia sẻ, con gái bà trước đó đã mổ ở BV địa phương nhưng do bị nhiễm trùng nên nay phải chuyển lên BV Hữu nghị Việt Đức để mổ lại. Con gái bà X. làm thủ tục nhập viện ngày 4/3, sau 5 hôm, nữ bệnh nhân này đã được phẫu thuật chân.

Bị thoái hóa cột sống nhiều năm nay, ông T.T.V. (65 tuổi, Nam Định) quyết định phẫu thuật để cải thiện sức khỏe. Sau 7 ngày nằm viện, ông V. đã có lịch mổ vào sáng 8/3. “Sau khi hoàn thiện các thủ tục xét nghiệm, sẵn sàng tâm lý, mặc quần áo mổ để vào phòng mổ nhưng do bệnh tim không ổn định, bác sĩ bảo tôi không mổ được, về nhà uống thuốc để tim ổn định, tuần sau mới lên mổ” – ông V. buồn rầu nói.

Các bệnh nhân chờ chụp cắt lớp tại BV Bạch Mai.
Các bệnh nhân chờ chụp cắt lớp tại BV Bạch Mai.

Ông V. cũng cho biết thêm, tại phòng bệnh ông điều trị (khoa Phẫu thuật cột sống, BV Hữu nghị Việt Đức), cứ mỗi ngày có 26-30 ca được phẫu thuật. Nay không được mổ ngay, ông và con gái lại phải ra về, dù trong lòng vô cùng sốt ruột, đan xen theo đó là tâm trạng bồn chồn, lo lắng.

Còn tại BV Bạch Mai, chị T.T.M. (Ba Vì, Hà Nội) ngồi chờ chồng ngoài hành lang BV cho biết, sau gần 1 tuần chờ đợi, chồng chị đã được làm thủ tục phẫu thuật thoát vị đĩa đệm.

“Chồng tôi nhập viện từ ngày 2/3 đến ngày 8/3 đã được làm thủ tục mổ. Hàng ngày, tôi và các con thay phiến nhau túc trực bên ngoài. Với gia đình tôi 1 tuần được xếp lịch mổ còn là nhanh, chứ nhiều gia đình từ Quảng Bình, Quảng Trị… cùng chờ người nhà với chúng tôi than xếp lịch cả tháng vẫn chưa tới lượt”-  chị M. cho biết.

Cầm trên tay lỉnh kỉnh đồ đạc, cô gái trẻ H.T.L. (ở Nam Định) chờ mẹ khám lại trước khi ra viện cho biết: “Mẹ em năm nay 43 tuổi bị u tuyến giáp, nhập viện ngày 5/3. Ngay sau đó, mẹ em được BV Bạch Mai báo lịch mổ ngày 7/3. Ca mổ đã thành công tốt đẹp. Sau 2 ngày phẫu thuật tuyến giáp, sức khỏe của mẹ em đã ổn định và được xuất viện trong chiều 9/3”.

Tại Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai.
Tại Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai.

Có mặt tại Khoa Khám bệnh, BV K (cơ sở Tân Triều, Thanh Trì) khi đã xế trưa, gặp bà N.T.H. (57 tuổi, Hải Dương) với gương mặt mệt mỏi, ngóng chồng chuẩn bị đi ăn trưa. Bà H. chia sẻ, cách đây 1 tháng, bà phát hiện hạch ở cổ, đi khám ở BV K (cơ sở 1) mới biết  mình bị u tuyến giáp (u ác).

“Sau 1 tuần nhập viện K, làm các thủ tục xét nghiệm, được BV xếp lịch mổ u tuyến giáp ngày 10/3. Dù đang mang căn bệnh quái ác nhưng tôi thấy mình còn may mắn. Bởi tôi không phải chờ đợi mổ như những bệnh nhân trước đó. Trước khi vào mổ, tôi cũng được các bác sĩ kê đơn mua ống truyền dịch, kim tiêm tại hiệu thuốc của BV” – bà H. nói.

Điều trị ung thư vú tại BV K (cơ sở Tân Triều) 2 năm nay, bà N.T.T. (64 tuổi, Văn Giang, Hưng Yên) cho biết, tất cả vật tư y tế, thuốc phục vụ cho quá trình điều trị của bà suốt thời gian qua luôn được BV đảm bảo.

Phát hiện ung thư vú cách đây 2 năm, tính đến thời điểm hiện tại, bà T. đã truyền hoá chất được 6  lần. Việc điều trị theo đợt, nên cứ tới tháng bà lại cùng con trai bắt xe đến BV để truyền hoá chất.

Đông bệnh nhân, người nhà bệnh nhân  ngồi chờ tại BV Bạch Mai.
Đông bệnh nhân, người nhà bệnh nhân  ngồi chờ tại BV Bạch Mai.

Việc đi khám định kỳ xác định dài, vất vả. Chi phí mỗi tháng đi điều trị mất khoảng 10 triệu đồng với gia đình làm nông dân là cả một vấn đề lớn. May mắn, bà không phải mua thêm vật tư, hoá chất bên ngoài.

Thế nhưng, với bà T.T.V. (68 tuổi, Lạng Sơn) lại khác, trong quá trình điều trị, do thiếu vật tư y tế, nên bà vẫn phải ra ngoài mua kim truyền, kể cả hoá chất cho mỗi đợt điều trị. Theo bà V., kim truyền, mua không mất nhiều tiền, nhưng với những bệnh nhân mãn tính, việc điều trị lâu dài thì tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy.

Bản thân bà V. phát hiện và điều trị (mổ) ung thư phổi được 3 tháng. Hiện bà đang trong liệu trình 6 tháng truyền hoá chất liên tục, 21 ngày xuống truyền 1 lần. Tuy bà mới truyền hoá chất được 1 lần, nhưng bị sốc khi truyền hoá chất nên rất vất vả. Bình thường mọi người truyền hoá chất chỉ trong ngày là xong, nhưng với bà phải mất 3 ngày cho 1 lần truyền hoá chất.

Tại KHoa Hồi sức cấp cứu, BV K (Tân Triều, Thanh Trì).
Tại KHoa Hồi sức cấp cứu, BV K (Tân Triều, Thanh Trì).

“Chính phủ mới ban hành 2 văn bản là Nghị định 07 và Nghị quyết 30 nhằm gỡ khó cho ngành Y. Tuy nhiên, Nghị quyết ban hành cũng cần có thời gian để thực hiện, chỉ mong nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, để bệnh nhân bớt vất vả” – bà V. bày tỏ.

Sẽ không còn cảnh người bệnh phải tự đi mua vật tư y tế

Đề cập đến vấn đề này, đại diện lãnh đạo BV K bày tỏ vui mừng khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành. Đặc biệt là Nghị quyết 30 sẽ giải quyết được “nút thắt” trong thanh toán bảo hiểm y tế, mua sắm, đấu thầu TTBYT, hóa chất, sinh phẩm đang vướng mắc.

Theo đại diện lãnh đạo BV K, với hóa chất phục vụ xét nghiệm chuyên sâu tại BV K, khoảng 1-2 tháng nữa có thể sẽ hết trước khi có Nghị quyết 30. Thế nhưng, nay Nghị quyết 30 đã tháo “nút thắt” thời gian thanh toán nên BV yên tâm làm thầu, mua sắm.

Ngoài ra, theo lãnh đạo BV K, việc không bắt buộc phải tham khảo 3 báo giá khi đấu thầu, mua sắm TTBYT… như quy định tại Nghị quyết 30 đã giúp các BV "dễ thở" hơn bởi trước đây quy định 3 báo giá khiến việc đấu thầu mua sắm rất vướng.

Người dân chờ thăm khám tại BV K.
Người dân chờ thăm khám tại BV K.

Theo GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, do thiếu vật tư, hóa chất, từ ngày 1/3 vừa qua, BV Hữu nghị Việt Đức đã tạm hoãn mổ phiên, chỉ ưu tiên mổ cấp cứu, bệnh nhân nặng.

Thế nhưng, ngay sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành, BV sẽ nhanh chóng thực hiện theo hướng dẫn để tháo gỡ những vấn đề đang gặp phải để tiếp tục KCB cho người dân. Mặt khác, BV cũng xem xét để việc phẫu thuật cho các bệnh nhân thuộc diện mổ phiên sớm trở lại bình thường.

 

Nhiều người dân kỳ vọng sau đây Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ sẽ sớm đi vào cuộc sống. Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, nhiều bệnh nhân  tại các BV sẽ nhanh chóng được phẫu thuật, không còn phải chờ đợi, xếp hàng dài dài đến phiên mổ.

Đồng quan điểm, GS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai bày tỏ vui mừng khi những khó khăn trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, máy mượn máy đặt tại BV được gỡ vướng.

Theo GS.TS Đào Xuân Cơ, Nghị định 07 của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi trong việc thông quan nhập trang thiết bị, giao trách nhiệm cho các hãng, công ty phải đảm bảo về chất lượng hàng hóa, sản phẩm để cung ứng cho các cơ sở KCB.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo BV Bạch Mai, đây là những giải pháp mang tính cấp bách, còn để giải quyết lâu dài vấn đề này, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan xây dựng những quy định rõ ràng về việc đấu thầu, mua sắm TTBYT. Xây dựng các quy định về đấu thầu thuốc, TTBYT trong dự án Luật Đấu thầu bảo đảm phù hợp với đặc thù của ngành Y tế.

“Nếu có những văn bản pháp quy rõ ràng, công khai minh bạch, các BV sẽ hoạt động "trơn tru". Khi nghị quyết ban hành, BV sẽ thực hiện đúng nghị quyết, không lợi dụng việc tháo gỡ của nghị định để vụ lợi mà phải tuân thủ đúng pháp luật” - GS.TS Đào Xuân Cơ khẳng định.

Người dân chờ làm thủ tục tại BV K.
Người dân chờ làm thủ tục tại BV K.

Thời gian qua, trong quá trình triển khai thực hiện việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, các BV có một số khó khăn vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách trong đó có liên quan đến một số quy định của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý TTBYT.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Lợi – Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho hay, Nghị định 07 và Nghị quyết 03 đã rất kịp thời tháo gỡ những cơ chế hiện nay đang vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu TTBYT.

Do đó, đối với những gói đầu đã được ký kết thì các trang thiết bị có thể nhập khẩu được ngay, còn những gói thầu mới cũng đã có cơ chế để xử lý. Cũng theo ông Nguyễn Minh Lợi, một ngày sau khi Nghị định 07 được Chính phủ ban hành, đã có một số lô hàng TTBYT được thông quan nhập khẩu nhằm phục vụ cho nhu cầu của các cơ sở y tế.

“Chúng tôi tin tưởng về cơ bản trong vòng 3- 6 tháng tới nhịp độ cung cấp TTBYT cho nhu cầu của các cơ sở y tế sẽ cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Người dân tham gia KCB sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải tự đi mua như mấy ngày gần đây” - ông Nguyễn Minh Lợi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Lợi, về lâu dài như trong Nghị quyết 30 cũng đã nêu các bộ, trong đó có Bộ Y tế, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về thể chế. Có một số văn bản phải hướng dẫn ngay trong năm nay nhưng đồng thời cũng phải tiếp tục góp ý để hoàn thiện Luật Đấu thầu cũng như Luật Giá trong đó có những điểm phải thể hiện đặc thù trong công tác quản lý của ngành Y tế.

 

Quản lý TTBYT hiện nay còn nhiều nội dung khác. Đơn cử như cơ sở dữ liệu về TTBYT hiện nay chưa có đầy đủ; tiếp đó bộ từ điển về trang thiết bị y tế cũng cần phải tiếp tục hoàn thiện ban hành để đảm bảo hội nhập quốc tế.

Đồng thời, việc cấp số đăng ký lưu hành cũng cần phải được đẩy nhanh. Trong đó, có việc áp dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để làm sao đảm bảo được việc cấp số nhanh chóng hơn, thông thoáng hơn, thuận lợi hơn để đáp ứng nhu cầu của cơ sở y tế nhưng vẫn chặt chẽ.

Việc này theo lộ trình dự kiến đến tháng 9/2023, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ kế hoạch xây dựng TTBYT để về lâu dài muốn quản lý TTBYT tốt và phù hợp với hội nhập quốc tế thì phải có Luật về vấn đề này.

Ông Nguyễn Minh Lợi – Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần