Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh:

Bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết giảm nhưng đau mắt đỏ gia tăng

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cung cấp cho báo chí tại buổi họp báo định kỳ.

Chiều 7/9, ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì buổi họp báo định kỳ nhằm cung cấp một số thông tin về kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch tại TP.

Biểu đồ bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tuần thứ 35 tại TP Hồ Chí Minh.
Biểu đồ bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tuần thứ 35 tại TP Hồ Chí Minh.

Một trong nhiều vấn đề được người dân quan tâm trong thời gian qua là bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và đau mắt đỏ, trong khi năm học mới đã bắt đầu. Về vấn đề này, HCDC khẳng định trong tuần qua (tuần 35 - từ ngày 28/8 đến ngày 3/9), TP Hồ Chí Minh ghi nhận có 792 ca tay chân miệng (giảm 20,6% so với tuần trước, và giảm 60,5% so với trung bình 4 tuần trước). Như vậy, bệnh tay chân miệng giảm 5 tuần liên tiếp từ đầu tháng 8/2023. Hiện nay, học sinh đã đi học trở lại có thể làm tăng số ca mắc do lây nhiễm trong trường học, do đó nhà trường phải thực hiện các biện pháp phòng chống theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.

Cũng theo HCDC, trong tuần 35, TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 298 ca sốt xuất huyết (giảm 24,2% so với tuần trước, và giảm 20,8% so với trung bình 4 tuần trước). Tuy nhiên, do TP đang trong mùa mưa, nếu không có các biện pháp phòng chống tích cực (giám sát điểm nguy cơ, loại trừ nơi sinh sản của muỗi, diệt muỗi, lăng quăng…) thì bệnh dễ có nguy cơ tăng trở lại.

Đối với bệnh đau mắt đỏ, theo báo cáo nhanh của các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm 2023 tới nay, các cơ sở điều trị trên địa bàn TP đã tiếp nhận 71.740 trường hợp viêm kết mạc (đau mắt đỏ). Đáng lưu ý, số ca mắc trong những ngày gần đây có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm. Trong đó, khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học, số còn lại là người lớn. Vì vậy, cần lưu ý phòng chống lây lan trong trường học. 

Ngành y tế luôn phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để ngăn chặn lây lan các dịch bệnh trong môi trường học đường. Sở Y tế, HCDC luôn có văn bản cảnh báo kịp thời và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch phù hợp trong trường học, với các nội dung, như: Dấu hiệu nhận biết bệnh; các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm; cách xử trí khi có trường hợp bệnh xuất hiện trong lớp; phối hợp với trạm y tế phường/xã/thị trấn xử lý ca bệnh, xử lý ổ dịch trong trường; các nội dung truyền thông trong trường học.